Bạn đọc Ngọc Hương, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội hỏi: Em đang kinh doanh online, có tổng doanh thu trên 100 triệu đồng/1 năm. Vậy xin hỏi em sẽ phải đóng những loại thuế nào?
Trả lời:
Luật sư Ma Văn Giang – Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho hay, cá nhân bán hàng online theo hình thức tự phát, không có cửa hàng (không có địa điểm cố định) thì không cần đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, cá nhân kinh doanh vẫn phải đăng ký mã số thuế theo mẫu của Tổng cục Thuế (ban hành kèm Thông tư 105/2020/TT-BTC). Sau khi đăng ký mã số thuế thành công, cơ quan thuế sẽ cấp mã số thuế theo cấu trúc MST-001 để cá nhân nộp tờ khai và nộp tiền thuế.
Đối với trường hợp cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh bán hàng online có cửa hàng và hoạt động bán hàng thường xuyên thì bắt buộc phải làm thủ tục xin giấy phép kinh doanh (giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh).
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy định thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN.
Như vậy, theo luật sư Giang, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật, bao gồm cả trường hợp hoạt động thương mại điện tử mà có doanh thu một năm dưới 100 triệu đồng thì không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN.
Trường hợp cá nhân, hộ kinh doanh kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo hình thức kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, kinh doanh online mà có doanh thu một năm từ 100 triệu đồng trở lên phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN.
Theo đó, số thuế GTGT và thuế TNCN phải nộp được quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 40/2021/TT-BTC. Cụ thể: Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT. Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN.
Trong đó, doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN là doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu bao gồm:
Thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định;
Các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN); doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử thuộc danh mục phân phối, cung cấp hàng hoá nên tỉ lệ thuế GTGT là 1%; tỉ lệ thuế TNCN là 0,5% theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 40/2021/TT-BTC.
Ngoài ra, cá nhân kinh doanh online có doanh thu một năm từ 100 triệu trở lên còn phải nộp lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài. Lệ phí môn bài phụ thuộc vào doanh thu một năm của cá nhân kinh doanh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.