Đậm dấu ấn nông dân
Vừa rồi, trong bản báo cáo nêu kiến nghị, ý kiến cử tri từ các địa phương gửi đến các kỳ họp Quốc hội khóa XIII do Ban Dân nguyện của Quốc hội tổng hợp, cử tri đã đề nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành Luật Bảo vệ nông dân. Về kiến nghị này, tôi đồng tình rất cao. Bởi vì nông dân có đóng góp rất lớn trong quá trình dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Họ là những người đã hy sinh và cống hiến nhiều nhất cho đất nước.
Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn (phải) thăm mô hình nuôi gà Đông Tảo của nông dân giỏi xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Ảnh: N.C
Từ kháng chiến chống thực dân Pháp, đến kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nông dân luôn chắc tay súng, vững tay cày, vừa sản xuất cung cấp lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến, vừa xung phong chiến đấu để đảm bảo “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Đất nước ta là đất nước nông nghiệp, nông dân chiếm 70% dân số, trên 50% lao động xã hội. Thời điểm năm 2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có giao T.Ư Hội NDVN phối hợp các bộ ngành liên quan để xây dựng luật nông dân, nhưng do nhiều yếu tố khách quan chủ quan nên việc này tạm dừng lại.
Sau 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp và nông thôn nước ta đã có những bước đột phá, đổi mới mạnh mẽ. Từ một đất nước đói triền miên trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản đứng nhất, nhì thế giới. Kinh tế nông nghiệp đóng góp trên 20% GDP cho đất nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Kinh tế nông nghiệp đã làm vị thế đất nước nâng lên rõ rệt...
Tuy nhiên, hiện nay sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn còn nhiều bất cập. Khó khăn của nông dân là giá cả đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi tăng cao; hàng giả, nhái, hàng kém chất lượng tràn ngập thị trường, sản phẩm của nông dân làm ra không tiêu thụ được... Không những thế, tới đây chúng ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, vậy đối mặt với những khó khăn đó, ai là người bảo vệ nông dân? Vì vậy tôi cho rằng việc tiến tới xây dựng Luật Bảo vệ nông dân như nhiều cử tri đề nghị là điều đúng đắn, nên làm.
Nhà nông sẽ rất vui
" Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng việc tiến tới xây dựng Luật Bảo vệ nông dân như nhiều cử tri đề nghị là điều đúng đắn, nên làm”.
Phó Chủ tịch Thường trực Lại Xuân Môn
|
Tuy nhiên nếu Luật Bảo vệ nông dân được Quốc hội xem xét, đồng ý thì quá trình xây dựng luật còn rất lâu dài. Ở thời điểm hiện nay, trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, người nông dân đang hàng ngày chịu nhiều áp lực, nhiều khó khăn, nông dân đang là lực lượng yếu thế. Chính bởi vậy, Hội NDVN luôn sát cánh cùng nông dân, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người nông dân.
Những năm qua, Hội NDVN đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội ra nhiều luật, chính sách bảo vệ nông dân như: Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai sửa đổi… Vừa qua Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 81 về vấn đề giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân. Bên cạnh đó Hội NDVN đã ký kết với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT để giám sát thực hiện pháp luật về vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… Hội NDVN cũng đã đề xuất Chính phủ có những chính sách tín dụng để nông dân vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo để chăm lo và bảo vệ nông dân…
Tôi hy vọng trước mắt cũng như về lâu dài, Quốc hội sẽ ban hành Luật Bảo vệ nông dân, đó là điều tốt nhất cho nông dân, và người nông dân sẽ rất vui mừng, phấn khởi.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình): Giúp nhà nông yên tâm với công việc của mình
Tôi hoàn toàn đồng tình với đề xuất, kiến nghị của cử tri là nên có luật để bảo vệ nông dân, tuy nhiên về tên gọi, theo tôi có thể đưa tên đầy đủ là Luật Bảo vệ và hỗ trợ nông dân phát triển. Với đối tượng công nhân, chúng ta đã có Luật Lao động, trẻ em cũng có Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Công an, quân đội cũng đều có luật riêng để tạo hành lang pháp lý cho các lực lượng này hoạt động. Vậy tại sao nông dân, một lực lượng chiếm đa số trong tỷ lệ dân số nước ta - lại không có một luật riêng?
Lực lượng nông dân tuy chiếm tỷ lệ đa số trong dân số nước ta, có những đóng góp to lớn vào nền kinh tế, không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhưng buồn thay đây cũng lại là lực lượng yếu thế nhất, dễ bị tổn thương nhất và chịu nhiều thiệt thòi, rủi ro nhất trong xã hội hiện nay và dường như chưa được sự hỗ trợ tối đa từ Nhà nước (!?).
Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta những năm gần đây hết sức chú trọng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân và càng ngày chúng ta càng nhận ra đó là những chủ trương, chính sách đúng đắn. Vậy nên, việc có một luật riêng, tạo ra một hành lang pháp lý không chỉ để bảo vệ cho người nông dân tránh khỏi những rủi ro từ thiên tai, nhân tai mà còn giúp họ phát triển bền vững hơn, giúp cho nền nông nghiệp nước nhà tăng cao giá trị hơn là điều thực sự cần thiết.
Luật đó phải làm sao để khuyến khích người nông dân, thúc đẩy người nông dân chăm chỉ cày cuốc trên mảnh đất của mình, yêu mảnh đất của mình hơn. Và đương nhiên muốn vậy họ phải sống được nhờ làm ruộng, sống được nhờ bám vào đất, vào cây trồng... Luật cũng phải khiến người nông dân yên tâm hơn mỗi khi mất mùa, thiên tai, hay những lúc bị tư thương ép giá vì họ biết đã có Nhà nước sau lưng hỗ trợ họ, bảo đảm cho họ có được một thu nhập ổn định với mảnh ruộng của mình.
Hải Phong (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.