Ban hành Thông tư 02 về tái cơ cấu nợ: Ngân hàng Nhà nước được "khen" thế nào?
Ban hành Thông tư 02 về tái cơ cấu nợ: Ngân hàng Nhà nước được "khen" thế nào?
Huyền Anh
Thứ tư, ngày 26/04/2023 06:19 AM (GMT+7)
Ban hành kịp thời, phản ứng rất nhanh đáp ứng mong muốn của thị trường; điều chỉnh nhỏ nhưng rất ấn tượng;... Đây là những “lời khen” dành cho Ngân hàng Nhà nước liên quan đến Thông tư 02 về tái cơ cấu nợ.
Chỉ một ngày sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2023 và Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 23/4/2023 của Chính phủ, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn đã chính thức có hiệu lực thi hành.
Làm sao để Thông tư 02 đi vào đời sống, không còn thấy lời "oán than" từ doanh nghiệp
Báo cáo tại Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023TT-NHNN, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, việc cho phép tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn không có khả năng trả nợ tổ chức tín dụng đúng thời hạn sẽ tạo điều kiện cho khách hàng có thể được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không phải chuyển nhóm nợ xấu.
Qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, có nguồn tài chính để tìm kiếm việc làm, nguồn thu nhập mới để trả nợ vốn vay tại các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.
Đồng thời, Thông tư cũng giao quyền tự chủ cho các tổ chức tín dụng trong việc xem xét đánh giá, mức độ khó khăn của khách hàng thông qua một số nội dung như doanh thu, thu nhập sụt giảm.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng vẫn phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng.
Cũng theo chia sẻ của nữ Vụ trưởng, theo quy định tại Thông tư 02, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024.
"Trong quy định của Thông tư cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện chính sách", bà Giang thông tin thêm.
Đối với quá trình thông tư có hiệu lực, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đặc biệt nêu yêu cầu: "Làm sao để Thông tư 02 đi vào đời sống ngay từ ngày đầu, không còn thấy lời oán thán từ doanh nghiệp rằng không tiếp cận được. Để làm được điều đó, các ngân hàng không được tăng thủ tục cho doanh nghiệp khi tiến hành thủ tục giãn, hoãn nợ."
Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh, không để xảy ra lợi dụng, vi phạm chính sách, đặc biệt là tránh che giấu nợ xấu.
"Phản ứng" của các ngân hàng khi Thông tư 02 được ban hành
Về phía các ngân hàng thương mại, bà Phạm Thị Trung Hà - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng MB thừa nhận, thời gian qua, đặc biệt trong những ngày gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục ban hành các chính sách rất trúng và đúng với thị trường kinh doanh Việt Nam, như việc ban hành Thông tư 02 quy định cho phép cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng là doanh nghiệp, khách hàng cá nhân sản xuất kinh doanh và một bộ phận khách hàng cá nhân vay tiêu dùng phục vụ đời sống.
Bà Hà đánh giá, với các quy định tại Thông tư 02, đối với các khách hàng vay vốn kể cả mục đích sản xuất kinh doanh hay tiêu dùng đều được hưởng lợi. Về phía tổ chức tín dụng cũng đã có kinh nghiệm triển khai chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Do vậy, mỗi ngân hàng sẽ căn cứ vào điều kiện tài chính của ngân hàng và hồ sơ của khách hàng để thực hiện chính sách, để đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Ông Phạm Quang Thắng – Phó Tổng giám đốc Techcombank cũng "khen ngợi" Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước ban hành kịp thời, phản ứng rất nhanh đáp ứng mong muốn của thị trường về ổn định dòng tiền của doanh nghiệp, khôi phục sản xuất kinh doanh để phát triển.
"Chúng ta có nhiều kinh nghiệm thực hiện Thông tư 01, Thông tư 03 và các chính sách hỗ trợ trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Kết quả, dư nợ của các khách hàng đã trở lại bình thường, nhiều doanh nghiệp phục hồi ổn định. Chúng tôi tin rằng triển khai Thông tư 02 lần này cũng sẽ có những thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp", vị này nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng lưu ý, ngành Ngân hàng đã thể hiện trách nhiệm cao nhất với nền kinh tế, song dư địa để ngành hỗ trợ nền kinh tế không còn nhiều.
Đánh giá cao Thông tư 02, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho hay, Thông tư này có một số điều chỉnh nhỏ nhưng "rất ấn tượng". Những "ấn tượng" có thể kể đến đó là: Ngân hàng Nhà nước giao quyền cho các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ; nhóm đối tượng tương đối toàn diện (hoạt động sản xuất kinh doanh, khó khăn trả nợ vay tiêu dùng...).
Ông Nguyễn Quốc Hùng- Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng thì cho rằng, ban hành Thông tư 02 thể hiện trách nhiệm rất lớn của ngành ngân hàng.
"Các ngân hàng rất có trách nhiệm trong triển khai chính sách của Ngân hàng Nhà nước. Cần có cái nhìn tổng quan, các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Sức hút vốn của nền kinh tế rất khó khăn, nên các tổ chức tín dụng muốn hoạt động cũng rất khó. Trong bối cảnh đó, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất đầu vào, giảm lãi suất cho vay, lựa chọn dự án tốt để cho vay. Ngoài ra, ngân hàng không thiếu vốn, room tín dụng không vướng. Tiếp cận vốn từ tổ chức tín dụng là không khó. Tuy nhiên, với sức hấp thụ vốn thấp như hiện nay, dù lãi suất có thấp nữa thì một số nhiều doanh nghiệp cũng không vay. Vậy nên, việc ban hành Thông tư 02 là cần thiết", ông Hùng làm rõ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.