Bàn hướng nâng cao kỹ năng cho người lao động

Thùy Anh Thứ hai, ngày 04/10/2021 18:42 PM (GMT+7)
Cách mạng 4.0 kèm theo tác động bất lợi từ dịch Covid-19 đòi hỏi người lao động cần phải được nâng cao kỹ năng thích ứng với thị trường lao động. Để làm được điều đó rất cần sự chung tay của doanh nghiệp, Nhà nước và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bình luận 0

Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc nâng tầm kỹ năng lao động

Chiều nay (4/10), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) cùng với Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo Quốc tế Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam.

Ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, hiện Tổng cục đang xây dựng đề án nâng tầm kỹ năng cho lao động.

Hiện tại lao động Việt Nam có 3-4 con đường để nâng cao kỹ năng nghề. Lao động có thể tự học tại nhà trường, học tại nơi làm việc, tự học, hoặc là áp dụng cả 3 hình thức trên để nâng tầm kỹ năng. Thế nhưng, theo ông Trường ngay cả khi lao động học xong, ra trường vẫn cần được gắn kết để học tiếp nhằm nâng tầm kỹ năng.

"Phải thừa nhận kỹ năng lao động còn thiếu hụt nhiều. Phần đa đều lao động phổ thông chưa qua đào tạo hoặc đào tạo thì chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp và sự phát triển", ông Trường nói.

Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động. Ảnh: N.T

Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động. Ảnh: N.T

Trong khi đó, bà Trần Lan Anh - Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cho rằng doanh nghiệp (DN) có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, nâng tầm kỹ năng nghề cho lao động.

VCCI đã khảo sát tại 400 DN về việc các kỹ năng lao động cần có. Theo đó, một số kỹ năng số được nhiều DN, người lao động rất coi trọng. Trên 80% DN lớn có nhu cầu sử dụng công nghệ cho phát triển. Trong khi đó, con số này với DN nhỏ chỉ khoảng 40-50%.

100% DN đều nhận thấy vai trò của dạy nghề, nhưng có tới hơn 40% DN trong khảo sát cho biết họ đánh giá thấp chất lượng giáo dục nghề nghiệp tại địa phương và cho biết phải đào tạo lại khi tuyển dụng lao động.

Theo Tổng cục GDNN đến nay, đã có 199 nghề đã ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia - KNNQG; 96 nghề có ngân hàng đề thi KNNQG; hình thành hệ thống các tổ chức đánh giá KNNQG với 52 tổ chức phân bổ ở các vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước. Cùng với đó, có 73.049 lượt người lao động được tổ chức đánh giá, trong đó có 63.246 người được công nhận, cấp chứng chỉ KNNQG.

Trong sáng nay (4/10) nhân ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã viết thư kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động "Vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng".

Thách thức nhưng cũng là cơ hội cho lao động

Ông Tào Bằng Huy - Cục Việc làm cho biết nguồn cung lao động đang giảm cực mạnh, giảm gần 1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm (trong quý III là gần 1,6 triệu người) cao nhất trong 10 năm gần đây.

"Dịch đã tác động tiêu cực tới gần 30 triệu người lao động, 80% lao động thì bị giảm thu nhập. Bên cạnh đó, có tới 95% DN Đông Nam Bộ đã phải giảm quy mô sản xuất ", ông Huy nói.

Ông Huy cho rằng, dịch bệnh và cách mạng 4.0 tạo ra nhiều thách thức nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội trong việc nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động.

"Khác với giáo dục hàn lâm, đào tạo nghề gắn với thực hành, gắn với DN. Dịch bệnh, DN không hoạt động được thì lao động cũng không có nơi thực hành", ông Huy nói.

Tuy nhiên bản thân ông Huy cũng phân tích nhận thấy những yếu tố tích cực: "Kinh tế khó khăn, DN buộc phải tái cơ cấu lại sản xuất. Điều này khiến DN không thể sử dụng nhiều lao động nữa, thay vào đó sử dụng ít nhưng phải chất lượng. Đây là điều kiện thúc đẩy DN nâng cao trình độ, kỹ năng cho lao động".

Lãnh đạo Bộ LĐTBXH cùng lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao bằng khen cho các cá nhân đạt giải cao trong các kỳ thi tay nghề quốc tế. Ảnh: TC

Lãnh đạo Bộ LĐTBXH cùng lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao bằng khen cho các cá nhân đạt giải cao trong các kỳ thi tay nghề quốc tế. Ảnh: TC

Trước thực tế đó, ông Huy đề xuất giải pháp, cần phải xây dựng kế hoạch sẵn sàng khi DN hoạt động trở lại thì tái đào tạo lao động. Bên cạnh đó, tuyên truyền để lao động di cư từ phố về quê nắm được chính sách đào tạo nghề từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, để lao động học nghề.

Bà Trần Lan Anh thì cho rằng cần có khung tiêu chuẩn để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề nhằm phù hợp với khung tiêu chuẩn trong nước quốc tế. Đây cũng là căn cứ để DN áp dụng khi cần đào tạo. Bên cạnh đó, theo bà Lan Anh bản thân DN cũng cần đa dạng hình thức đào tạo: Đào tạo trực tiếp, liên kết với cơ sở GDNN đào tạo… hướng tới nâng cao kỹ năng cho lao động.

"Chúng tôi mong muốn Nhà nước đào tạo nhiều hơn những ngành nghề chất lượng cao, giao quyền tự chủ cho cơ sở DGNN, thực hiện minh bạch thông tin xếp loại cơ sở GDNN để các DN có thể chọn đối tác hợp tác đào tạo", bà Lan Anh nói thêm.

Tổng kết lại các ý kiến, ông Trương Anh Dũng khẳng định: "Lực lượng lao động có kỹ năng tay nghề là nguồn tài nguyên vô giá của quốc gia". Bởi vậy việc nâng tầm kỹ năng cho lao động là con đường duy nhất để phát triển quốc gia.

Ông Dũng cho rằng trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, cả nước nhất là ngành LĐTBXH đang dồn sức để hỗ trợ lao động thì việc dành một khoản tiền khá lớn (4.500 tỷ đồng) để thực thi chính sách tái đào tạo nghề cho lao động là nỗ lực rất lớn. Vì vậy, gói đào tạo 4.500 tỷ đồng này cần được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả.

"Tôi kêu gọi người sử dụng lao, các đơn vị như Tổng liên đoàn, VCCI và các tổ chức quốc tế tích cực phối hợp, hỗ trợ để đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động", ông Dũng nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem