Chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến từ "Nhà trường xanh - ứng xử đẹp"

Thùy Anh Thứ năm, ngày 16/09/2021 19:00 PM (GMT+7)
Văn hóa ứng xử trong giáo dục nghề nghiệp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, thương hiệu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bình luận 0

97% cơ sở giáo dục nghề nghiệp ban hành quy tắc văn hóa ứng xử

Ngày 16/9, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025" và biểu dương các mô hình văn hoá ứng tiêu biểu.

Ông Đỗ Năng Khánh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho biết: Sau 3 năm triển khai, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa trong các cơ sở GDNN đã đạt được nhiều kết quả.

Đã có 97% cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng và ban hành Bộ quy tắc ứng xử; 95% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến, học tập các nội dung liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong nhà trường, gia đình và cộng đồng; 90% cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc đạt tiêu chuẩn xanh, sạch đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện,…

Chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến từ "Nhà trường xanh - ứng xử đẹp" - Ảnh 1.

97% cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng và ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn hóa. Ảnh: N.T (Trường CĐ Cơ điện Hà Nội)

Bên cạnh những thành tựu, chương trình còn tồn tại những hạn chế, như: một số hoạt động ngoại khóa vẫn còn mang tính hình thức, phong trào, thời điểm, không thường xuyên, liên tục. Sở LĐTBXH một số tỉnh, thành phố, một số các cơ sở giáo dục còn chưa chủ động ban hành kế hoạch triển khai đến các cơ sở GDNN và chưa có báo cáo sơ kết kết quả triển khai thực hiện Đề án.

Chia sẻ từ thực tiễn, ông Trần Bá Uẩn - Quyền Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên cho rằng văn hoá ứng xử là một trong những yếu tố để đánh giá trình độ tri thức của mỗi con người, mỗi quốc gia. Do vậy, ở các cơ sở GDNN, ngoài kỹ năng nghề nghiệp thì giáo dục đạo đức rất quan trọng.

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên có tới 90% học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, vì thế trường lựa chọn việc giáo dục phù hợp với văn hoá bản địa của địa phương.

"Trường đã xây dựng mô hình 'nhà trường xanh - ứng xử đẹp', góp phần nâng cao chất lượng GNNN. Kết hợp văn hoá ứng xử nhà trường xanh, ứng xử đẹp để thúc đẩy tư duy sáng tạo, tự tin cho người dạy, người học. Đồng thời, nhà trường cũng thường xuyên phát động phong trào xây dựng mô hình, tổ chức giờ học ngoại khóa về các kỹ năng ứng xử", ông Uẩn chia sẻ.

Về phía các sở, ông Lê Minh Tân - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở GDNN. Ông Tân cho biết 100% cơ sở GDNN trên địa bàn đã thực hiện điều này, hơn 90% cơ sở đạt tiêu chí xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện.

"Điều này cho thấy việc đổi mới nội dung giáo dục văn hoá ứng xử, đổi mới phương pháp, kỹ năng sống ứng xử có văn hoá của người học, người dạy là rất cần thiết", ông Tân đánh giá.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã quyết định tặng bằng khen cho 15 mô hình của 14 cơ sở GDNN trên cả nước đạt giải mô hình xây dựng văn hóa ứng xử tiêu biểu năm 2021.

Xây dựng nguồn nhân lực toàn diện

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH ghi nhận ý kiến từ các nhà quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên chia sẻ về xây dựng văn hóa ứng xử trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, công tác phối hợp triển khai thực hiện.

Đánh giá cao các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động xây dựng các mô hình xanh, sạch, đẹp, giữ gìn cảnh quan cơ sở giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện xanh, sạch, đẹp đạt tiêu chuẩn đã được Hội đồng xét chọn và đề nghị biểu dương. Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhiệt liệt chúc mừng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là 15 mô hình của 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được Bộ trưởng Bộ LĐTBXH tặng Bằng khen tại hội nghị.

Chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến từ "Nhà trường xanh - ứng xử đẹp" - Ảnh 3.

Lãnh đạo Bộ LĐTBXH tặng bằng khen cho các cơ sở GDNN trên cả nước đạt giải mô hình xây dựng văn hóa ứng xử tiêu biểu năm 2021. Ảnh: N.T

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án trong giai đoạn còn lại nhằm hoàn thành và vượt các mục tiêu đề ra vào năm 2025, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chỉ đạo hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo khung quy định chung đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp đối với cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và văn hóa đặc trưng của các vùng miền;…

Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng  xử trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử.

Đối với các em học sinh, sinh viên, tích cực xây dựng thói quen lối sống lành mạnh khi ngồi trên ghế nhà trường cũng như lúc trưởng thành ra thị trường lao động; tạo lập hành vi, lối sống đẹp, tạo dựng hình ảnh, tâm thế học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp trong mắt bạn bè, nhà trường và xã hội cũng như cộng đồng quốc tế.

"Đào tạo nguồn nhân lực là một trong 3 khâu đột phá mà đất nước đang hướng đến. Xây dựng văn hóa ứng xử là yếu tố then chốt phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Theo đó, nguồn nhân lực phải có sự phát triển toàn diện, trong đó văn hoá ứng xử sẽ là yếu tố đòi hỏi người lao động phải có được. Vì vậy, việc xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem