Vượt khó khăn, giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh hơn 640 nghìn học sinh

Thùy Anh Thứ ba, ngày 20/07/2021 16:37 PM (GMT+7)
Bất chấp những khó khăn do dịch Covid-19, 6 tháng đầu năm, giáo dục nghề nghiệp vẫn tuyển sinh được hơn 640 nghìn học sinh. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác dạy nghề 6 tháng đầu năm.
Bình luận 0

Hoạt động dạy nghề gặp nhiều khó khăn

Sáng nay (20/7), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ LĐTBXH, đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác dạy nghề 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Báo cáo kết quả tuyển sinh GDNN của các địa phương, trong 6 tháng đầu năm, cả nước tuyển được 645.000 người (đạt 27,2% kế hoạch năm 2021, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó: trình độ trung cấp, cao đẳng là 45.000 người (đạt 7.5% kế hoạch), trình độ sơ cấp và các chương trình GDNN khác là 600.000 người (đạt 34% kế hoạch). Số lao động nông thôn được đào tạo 350.000 người, trong đó số người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng 40.000 người.

Quang cảnh buổi Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác giáo dục nghề nghiệp 6 tháng đầu năm 2021. Ảnh: N.T

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác giáo dục nghề nghiệp 6 tháng đầu năm 2021. Ảnh: N.T

Lãnh đạo Tổng cục GDNN cho biết, bởi dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến cho hoạt động tuyển sinh, đào tạo của GDNN gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, năm 2021 là năm đầu tiên của giai đoạn 2021-2025, nhiều địa phương chưa phê duyệt kế hoạch thực hiện. Nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trong các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) chưa được phê duyệt; đa số các địa phương chưa tự cân đối ngân sách nên việc bố trí kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo gặp khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ Trung ương. 6 tháng đầu năm là thời điểm chưa kết thúc năm học của giáo dục phổ thông và chưa qua kỳ thi tuyển sinh ĐH, do đó tuyển sinh GDNN chỉ thực sự bắt đầu cao điểm trong khoảng thời gian từ tháng 7 tháng 11 hàng năm.

Ông Hoàng Quang Đạt - Hiệu trưởng Trường CĐ Lào Cai cho biết, trường vừa được sáp nhập từ nhiều đơn vị trường khác nhau. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động tuyển sinh, đào tạo gặp rất nhiều khó khăn.

Về việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông Đạt kiến nghị nên nâng thời gian đào tạo lên 3 tháng. Vì hiện nay lao động nông thôn chủ yếu đào tạo sơ cấp, không thể cấp chứng chỉ. Điều này khiến tỷ lệ lao động qua đào tạo, được cấp chứng chỉ địa phương thấp.

Mặt khác, hiện nay nhiều nghề nông nghiệp như dạy nghề chăn nuôi thú y; trồng rau công nghệ cao... thời gian dạy 3 tháng quá ngắn, lao động vẫn chưa nắm được kỹ năng.  

"Kiến nghị Tổng cục GDNN cho cơ chế để kiến nghị địa phương bổ sung kinh phí cùng kinh phí trung ương để tăng thời gian hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động", ông Đạt nói.  

Bên lề Hội nghị trực tuyến Tổng Cục GDNN cũng phối hợp với Grap triển khai chương trình hợp tác nâng tầm kỹ năng cho tài xế. Ngoài ra, Tổng cục GDNN cũng công bố cuộc thi "Thiết kế dạy học trực tuyến trong GDNN" năm 2021.

Các trường chủ động thực hiện "3 tại chỗ", đào tạo chủ động, linh hoạt 

Để đối phó với những tác động bất lợi từ dịch bệnh, nhiều trường đã sáng tạo trong cách thức dạy, học, tuyển sinh.

Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội hiện có gần 1.000 sinh viên trong thời kỳ thi tốt nghiệp. Trường này hiện có 2 cơ sở ở Hà Nội và 1 cơ sở Vĩnh Phúc.

Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện trường xây dựng kế hoạch dạy và học theo phương châm "3 tại chỗ". Tức là ăn tại chỗ, học tại chỗ và phòng chống dịch tại chỗ.

Nhà trường đã triệu tập 400 em tới trường để gặp mặt. Tất cả các em phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, sau khi có kết quả âm tính các em sẽ được tập trung ở tại KTX của trường, thực hiện quản túc. Trường cũng phối hợp với bệnh viện công để làm xét nghiệm Covid-19 cho các em.

"Tiến hành cho học sinh tập trung để học vì điều này rất quan trọng với đào tạo nghề. Học nghề là học cả lý thuyết và thực hành, nhiều môn học thực hành không thể có công nghệ mô phỏng, vì thế học sinh phải thực hành trực tiếp mới nâng cao được tay nghề", ông Ngọc nói.

Trước khi nhập học thực hiện "3 tại chỗ" các học sinh của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đều được xét nghiệp Covid-19. Ảnh: CĐ

Trước khi nhập học thực hiện "3 tại chỗ" các học sinh của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đều được xét nghiệm Covid-19. Ảnh: CĐ

Trước những khó khăn cả khách quan, lẫn chủ quan, ông Ngọc cho rằng cần tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học nghề. Thêm vào đó cần huy động các trường dạy nghề lớn tham gia mạng lưới cùng nghiên cứu, chia sẻ dữ liệu dạy và học.

Những chia sẻ của Trường CĐ Cơ điện Hà nội được Tổng cục GDNN đánh giá rất cao. Ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho rằng đây là mô hình tốt, các trường cần phải học tập kinh nghiệm để áp dụng.

Kết luận hội nghị, ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng thời gian qua GDNN có nhiều thành tựu mới. Tuy vậy, do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 và thiếu hụt nguồn kinh phí mà công tác dạy nghề có những khó khăn nhất định. 

Thứ trưởng cũng đánh giá cao tinh thần chủ động ứng trước kinh phí tiến hành đào tạo nghề của các địa phương cũng như sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo, thực hiện “3 tại chỗ"...  của các cơ sở GDNN. 

Thời gian tới, Thứ trưởng chỉ đạo: "Cần đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ đào tạo, tái đào tạo nghề, kỹ năng cho lao động trong doanh nghiệp. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền về việc thực hiện". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem