Ban Nội chính Trung ương yêu cầu tòa án Hà Nội báo cáo về vụ án Vimedimex
Ban Nội chính Trung ương yêu cầu Tòa án Nhân dân TP Hà Nội báo cáo vụ án Vimedimex
Gia Bình
Thứ năm, ngày 18/04/2024 09:34 AM (GMT+7)
Công ty Dược phẩm Vimedimex gửi đơn cho rằng việc truy tố bà Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch Vimedimex là không đúng, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên Ban Nội chính Trung ương yêu cầu tòa án Nhân dân TP Hà Nội giải quyết và báo cáo. Các luật sư thì đề nghị, cần xem xét trách nhiệm của 2 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
TAND TP.Hà Nội đang xét xử Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Tập đoàn dược phẩm Vimedimex và các đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Tại tòa, đại diện viện kiểm sát cáo buộc bà Loan dùng 3 pháp nhân thuộc hệ thống của mình đi đấu giá đất tại Tiêu Dương (Đông Anh, Hà Nội) và dùng các thủ đoạn để "dìm giá", gây thiệt hại 135 tỷ đồng.
Bà Loan đã khắc phục toàn bộ thiệt hại trong vụ án nên phía công tố đề nghị tòa phạt bị cáo này từ 30 – 36 tháng tù cho hưởng án treo. Các bị cáo khác cũng được đề nghị chỉ cần nhận án treo.
Bị cáo Nguyễn Thị Loan- Chủ tịch Vimedimex và các đồng phạm tại tòa.
Dù vậy, Chủ tịch Vimedimex khẳng định bản thân bị "vu khống, đổ tội". Bà Loan phủ nhận cáo buộc chỉ đạo cấp dưới dùng chiêu trò "dìm giá" đất và cho hay, hồ sơ vụ án có "20 bút lục lời khai giả" bởi tên của điều tra viên tại biên bản không phải điều tra viên lấy cung; chữ ký tại các biên bản này cũng không phải của bà.
Về 3 công ty tham gia đấu giá, bị cáo Loan cho hay bản thân chỉ có 20% cổ phần tại mỗi doanh nghiệp nên cáo trạng khi quy kết "3 công ty đều của bà Loan, chịu chỉ đạo của bà Loan" là không đúng. Trên thực tế, bà không có vai trò, quyền hành chỉ đạo 3 doanh nghiệp này.
"Có sự thông đồng nội bộ khi tôi đang bị tạm giam, dựng phiếu thu chi và tài liệu khống để đổ tội, vu cho tôi chỉ đạo họ đề xuất bỏ giá đấu thầu thế nào", Chủ tịch Vimedimex trình bày.
Vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?
Bào chữa cho bà Loan, luật sư Nguyễn Xuân Anh (Công ty Luật ABA) nêu quan điểm, cáo trạng đang xác định các bị cáo trong vụ có 2 sai phạm.
Đầu tiên về định giá khởi điểm để đấu giá đất thấp hơn thực tế, luật sư cho rằng đây là trách nhiệm của cán bộ, cơ quan quản lý Nhà nước (UBND TP.Hà Nội) còn những đơn vị tham gia đấu giá chỉ biết trả giá.
Trong khi đó, bà Loan không có vai trò gì để khiến cơ quan Nhà nước "định giá thấp". Do vậy, trách nhiệm trong vụ việc phải thuộc Hội đồng định giá thành phố, UBND TP.Hà Nội cùng các sở ngành liên quan; cáo trạng buộc bà Loan chịu trách nhiệm cho việc này là "đánh bùn sang ao".
Sai phạm thứ 2, cáo trạng quy kết bà Loan để 3 doanh nghiệp của mình khi tham gia đấu giá sẽ bỏ cùng mức giá để dù công ty nào trúng, đất vẫn về tay mình. Luật sư Xuân Anh phản bác quan điểm này, khẳng định bị cáo không thể biết có bao nhiêu công ty tham gia đấu giá và các công ty này sẽ bỏ giá ra sao. Trên thực tế, có 6 doanh nghiệp tham gia đấu giá đất Tiêu Dương.
Ngoài ra, bị cáo Loan không thể chỉ đạo 3 công ty đấu giá thế nào nên cáo buộc người này phạm tội là "suy diễn chủ quan", luật sư Xuân Anh nêu quan điểm.
Luật sư còn cho rằng vụ án cũng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm khi cơ quan tố tụng không xử lý trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ UBND TP.Hà Nội và các sở ngành liên quan. Do vậy luật sư kiến nghị tòa xem xét trách nhiệm của 7 người, trong đó có ông Nguyễn Trọng Đông, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường (nay là Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội); ông Lê Tuấn Định, nguyên Phó giám đốc Sở Tài nguyên (nay là Chủ tịch UBND quận Đống Đa); ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội…
Tại tòa, luật sư cũng nhắc đến công văn số 6657 ngày 9/4 của Ban Nội chính Trung ương gửi TAND TP.Hà Nội. Công văn thể hiện Vimedimex có đơn tố cáo việc giải quyết vụ án là không đúng người, đúng tội; có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, bao che sai phạm của các cơ quan, tổ chức Nhà nước… Ban Nội chính Trung ương chuyển đơn này tới TAND TP.Hà Nội, yêu cầu xem xét giải quyết và báo cáo lại.
Ngày mai (19/4), phiên tòa sẽ tiếp tục phần tranh luận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.