Khám phá hang động núi đá ở Kinh Môn, xưa là căn cứ chống Pháp của nghĩa quân Đốc Tít

Nguyễn Việt Thứ ba, ngày 16/05/2023 13:30 PM (GMT+7)
Khu Tử Lạc (phường Minh Tân, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) có hệ thống núi đá trùng điệp, ở đó có động Hàm Long, Tâm Long, Đốc Tít cùng với hàng trăm hang động lớn nhỏ khác. Nơi đây, xưa kia còn là căn cứ địa chống Pháp của người thủ lĩnh kiên cường mang tên Đốc Tít.
Bình luận 0
Khám phá hệ thống động Hàm Long, Tâm Long, Đốc Tít ở Hải Dương nhớ về người thủ lĩnh chống Pháp kiên cường - Ảnh 1.

Khám phá hệ thống động Hàm Long, Tâm Long, Đốc Tít ở Hải Dương nhớ về người thủ lĩnh chống Pháp kiên cường - Ảnh 2.

Kỳ thú hang động núi đá Hàm Long, Đốc Tít.

Động này, có cửa động cao hơn 3 m, rộng 10 m, chiều dài động 80 m, chỗ rộng nhất 20 m, cao 20 m. Nền động được bộ đội đổ nền xi măng để làm kho quân giới trong kháng chiến chống Mỹ để làm kho quân giới. Hiện nay, động Hàm Long đã được tôn tạo thành chùa Hàm Long, thờ Phật và thờ danh tướng Yết Kiêu thời Trần.

Đáng chú ý, trên vách động, bên phải ở độ cao khoảng 5 m có hình một con cá chép đầu quay về phía cửa hang. Hình con cá chép quẫy lượn trên vách đá tự nhiên cảm tưởng như quẫy lượn dưới nước thật. Đứng ở lòng động nhìn lên thấy động giống hình chóp nón. Các nhũ đá rủ xuống có chỗ tay người với được. Phía trên bên trái vách đá có một nhũ thạch như hình một con voi có vòi, bên phải dưới hình cá chép là một chú rùa đang cố sức nhô đầu ra như muốn thoát khỏi sự đè nén của vách đá nặng.

Khám phá hệ thống động Hàm Long, Tâm Long, Đốc Tít ở Hải Dương nhớ về người thủ lĩnh chống Pháp kiên cường - Ảnh 5.

Hệ thống động Hàm Long, Tâm Long và Đốc Tít được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ảnh: Nguyễn Việt.

Càng đi sâu vào trong càng thấy động có rất nhiều ngóc ngách, khiến ta không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp đó. Cả một rừng nhũ thạch treo lơ lửng có chỗ như sơ khai lởm chởm lại có chỗ nhẵn lì như có người mài giũa. Càng nhìn kỹ ta lại càng tưởng tượng ra biết bao hình thù khác nhau.

Cũng ở quả núi này, năm 1992 nhân dân địa phương phát hiện một hang mới gọi là động Tâm Long. Khi mới phát hiện cửa động chỉ có một lỗ nhỏ trên sườn núi cách mặt đất khoảng 5 m, chỉ từng người lách khéo mới chui lọt. Hiện nay, cửa hang đã được mở rộng và xây bậc lên xuống.

Đứng trước cửa hang nhìn vào thoạt đầu cảm nhận đây chỉ là một hang nhỏ tối tăm, nhưng càng vào sâu càng bị quyến rũ bởi sự kỳ vĩ lộng lẫy của thiên nhiên. Động rộng khoảng 200 m² nền ẩm tuy động có diện tích nhỏ hơn động Hàm Long nhưng lại huyền bí và kỳ lạ hơn gấp bội. Một loạt các cột nhũ mọc từ đỉnh động xuống mặt đất có cột khi soi đèn lại cần tạo nên ánh sáng như dát bạc.

Khám phá hang động núi đá ở Kinh Môn, xưa là căn cứ chống Pháp của nghĩa quân Đốc Tít  - Ảnh 4.

Ban thờ Phật trong động Hàm Long. Ảnh: Nguyễn Việt.

Ở bên trái từ cửa động vào có một nhũ đá giống như thần vệ nữ, có nhũ tạo dáng như một người đứng canh, có nhũ do nước chảy tạo thành rãnh kiểu dễ si, rất nhiều nhũ như những hình người đứng nhấp nhô như những đầu người. Phía cuối hang có vô số măng đá với biết bao hình thù kỳ dị, cái thon thả mảnh mai, cái khỏe khoắn vạm vỡ, cái tinh tế liên kết với nhau tạo thành một bức chạm khổng lồ trên vách động. Càng đi sâu vào trong cảm tưởng như lọt vào động tiên.

Ra khỏi động Tâm Long men theo con đường trong thung lũng khoảng 100 m đến động Đốc Tít. Trước động này còn gọi động Hang Dơi vì trong hang động có rất nhiều Dơi sinh sống (Từ khi Đốc Tít sử dụng hang động này làm căn cứ chống Pháp thì được gọi là động Đốc Tít).

Động có hai cửa ở phía đông và phía tây, ở ngoài cửa động có một dòng suối nhỏ nước chảy quanh năm suốt tháng, từng đàn cá lia thia tung tăng đùa giỡn tạo nên sự sống muôn thuở giữa không gian đầy núi đá, rồi những cơn gió lùa mát rượi len lỏi từ dưới lòng khe hắt lên lạnh lẽo. Động rộng khoảng 1.800 m2, cao chừng 40 m đây là động lớn nhất ước chừng sức chứa khoảng hơn 1.200 người.

Khám phá hệ thống động Hàm Long, Tâm Long, Đốc Tít ở Hải Dương nhớ về người thủ lĩnh chống Pháp kiên cường - Ảnh 10.

Cửa động Đốc Tít được khóa và được trông coi cẩn thận. Ảnh: Nguyễn Việt.

Động cao với các nhũ đá treo lơ lửng, tạo nên muôn vạn hình dạng khác nhau, đặc biệt bên vách phải động ở độ cao khoảng 15 m nổi bật hình một chú voi có vòi. Trên chóp cao nhất của động là chỗ ở cũ của thủ lĩnh Đốc Tít Nguyễn Đức Hiệu. Ông lên bằng cách nối những cây tre với nhau. Sau khi ông bị bắt đi đầy ở Angiêri, không ai dám trèo lên đó. Mãi sau này có người trèo lên và còn thấy được tẩu thuốc của ông để lại.

Đốc Tít - Người thủ lĩnh chống Pháp kiên cường

Đốc Tít (có tài liệu nói ông tên thật là Mạc Văn Tích (Tiết), tự Tất Thắng, sau ông đổi sang họ Nguyễn còn gọi là Nguyễn Tất Thắng, hay Nguyễn Ngọc Tít, hay Nguyễn Đức Hiệu). Ông sinh năm 1853, quê ở An Lưu Thượng, huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương (nay là phường An Lưu, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Ông có dáng người nhỏ bé, nhưng khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, rất giỏi võ, có nhiều tài lẻ.

Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông là một thủ lĩnh kiên cường lập nhiều chiến công gắn liền với căn cứ Hai Sông (Kinh Thày và Kinh Môn) và cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy (1883 – 1892) của Chủ tướng Nguyễn Thiện Thuật.

Khám phá hệ thống động Hàm Long, Tâm Long, Đốc Tít ở Hải Dương nhớ về người thủ lĩnh chống Pháp kiên cường - Ảnh 12.

Một người dân ở gần đó được giao cầm chìa khóa trông coi động Đốc Tít. Ảnh: Nguyễn Việt.

Năm 1882, ông chiêu mộ nghĩa quân lập căn cứ tại làng Trại Sơn (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Căn cứ này có địa thế phía Bắc có sông Kinh Thày, phía Nam và phía Tây có sông Hán và sông Con. Từ đây, nghĩa quân tỏa ra hoạt động ở các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Yên. Có lần, lực lượng của ông phối hợp với lực lượng của Nguyễn Thiện Thuật (thủ lĩnh cao nhất của nghĩa quân Bãi Sậy) diệt trừ nạn cướp ở phủ Kiến Thụy (Hải Phòng) và Cẩm Giàng (Hải Dương). Với công lao đó, ông được triều đình phong chức Quản tinh binh suất đội, rồi chức Cấm suất đội.

Cuối năm 1884, ông chỉ huy nghĩa quân Trại Sơn đánh bật một tiểu đoàn lính Pháp tấn công căn cứ (vùng giáp ranh phía nam căn cứ Hai Sông), gây thiệt hại nặng cho địch, buộc quân Pháp phải tháo chạy. Năm 1885, sau khi có chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật phát triển rộng lớn, lan ra hầu hết các tỉnh đồng bằng, một phần miền núi và duyên hải. Hào kiệt các nơi theo về rất đông, ông cũng đưa  nghĩa quân ra nhập với nghĩa quân Bãi Sậy.

Ngày 30/11/1885, thực dân Pháp do Phan - công (Falcon) và Phô-rơ (Faure) chỉ huy, mở đợt tấn công có quy mô vào căn cứ Trại Sơn. Chúng bắn đại bác dọn đường, rồi công binh, bộ binh theo sau. Nghĩa quân chiến đấu rất ngoan cường, gây thiệt hại nặng cho quân Pháp. 

Cuộc chiến đấu kéo dài cho đến ngày 11/ 12/1885, nghĩa quân chủ động rút khỏi Trại Sơn về lập căn cứ mới tại khu Cù Lao Hai Sông. Từ đó nghĩa quân hoạt động mạnh ở vùng này. Bên cạnh những hoạt động chống càn quét, nghĩa quân còn tổ chức nhiều trận tập kích đạt hiệu quả cao. Tiêu biểu là các trận đánh ngày 26/6/1886, nghĩa quân tấn công đồn bốt Pháp ở Cầu Đuống; ngày 10/7/1886 nghĩa quân của Đốc Tít tấn công đồn Đông Triều.

Tháng 10/1886, ông được vua Hàm Nghi phong chức Đề đốc Quân vụ Hải Dương. Cũng vì ông giữ chức vụ đó, người dân đương thời còn gọi ông là Đốc Tít.

Khám phá hang động núi đá ở Kinh Môn, xưa là căn cứ chống Pháp của nghĩa quân Đốc Tít  - Ảnh 7.

Bên trong động Đốc Tít nơi ở của nghĩa quân để đánh Pháp. Ảnh: Nguyễn Việt.

Cuộc kháng chiến chống Pháp của nghĩa quân vẫn được ông chỉ huy kiên cường với nhiều trận đánh như trận tấn công đồn Uông Bí ngày 11 và 12/9/1888; trận đánh đồn ở Trường Sơn (An Lão, Hải Phòng), đánh tàu chiến trên sông Đá Bạc (Thủy Nguyên, Hải Phòng) và tấn công các huyện lỵ Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kinh Môn (Hải Dương).

Tháng 7/1889, Pháp tập trung binh lực bao vây và tấn công Trại Sơn là đại bản doanh của nghĩa quân. Theo lệnh của thực dân Pháp, Tổng đốc Hải Dương Hoàng Cao Khải điều 1.500 binh lính tấn công cứ điểm Hai Sông rất ác liệt. Quân địch chia thành 4 đạo, vây chặt căn cứ trung tâm, rồi dùng tàu bè đi tuần tiễu ngày đêm trên các ngả sông quanh căn cứ. Quân địch thắt chặt vòng vây, tăng cường truy quét và khủng bố nhân dân.

Trong suốt một tháng, địch tấn công liên tiếp, nhờ dựa vào thế núi hiểm trở, nghĩa quân nhiều lần đánh địch, gây cho chúng những tổn thất nặng nề. Tuy nhiên trong quá trình chiến đấu, nghĩa quân cũng đã bị hi sinh, lương thực, đạn dược cũng cạn dần. Để bảo toàn tính mạng cho nghĩa quân, Đốc Tít chấp nhận đàm phán ký hòa ước với Pháp, với điều kiện không được trả thù những người đã theo ông chiến đấu chống quân xâm lược.

Cuộc đàm phán được tổ chức tại đình làng Phù Lưu Nội. Tại đây, ông bị Hoàng Cao Khải, đại diện đàm phán của triều đình nhà Nguyễn, lừa bắt nộp cho Pháp (ngày 12/8/1889). Quân Pháp bắt ông đi đánh nghĩa quân Đề Thám nhưng ông không chấp nhận. Tháng 1/1890, ông bị thực dân Pháp đày đi Angiêri. Ở đây ông đã nhiều lần viết thư lên Chính phủ Pháp đòi ân xá nhưng không thành. Mãn hạn tù, ông bị đưa về Pháp quản thúc và mất tại đó năm 1916. Sau này, thi hài ông được đưa về an táng tại quê nhà.

Tuy là danh lam thắng cảnh của tỉnh Hải Dương nhưng những năm gần đây do hoạt động khai thác đá để phục vụ công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng nên nhiều núi đá ở đây đã bị khai thác. Người dân đã từng lo sợ khu động Hàm Long, Tâm Long, Đốc Tít cũng sẽ bị phá để làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên do ngành chức năng và địa phương quản lý chặt chẽ nên các hang động này được bảo vệ.

Khám phá hang động Hàm Long, Đốc Tít. Thực hiện: Nguyễn Việt.

Năm 1993, khu di tích hang động Hàm Long, Tâm Long, Đốc Tít được nhà nước xếp hạng cấp quốc gia. Hằng năm, đều có tổ chức lễ hội vào tháng Giêng. Tuy nhiên, do xung quanh khu Tử Lạc có nhiều công trường khai thác đá gây ô nhiễm, bụi bặm nên khu di tích gắn với người thủ lĩnh kiên cường này chưa có nhiều hoạt động khai thác du lịch đáng kể nào.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem