Công bố báo cáo thị trường địa ốc công khai rộng rãi nhưng nhiều đơn vị lại tuyên bố không chịu trách nhiệm về tính xác thực
“Ông nói gà, bà nói vịt”
Ngay trong báo cáo thị trường địa ốc TP.HCM quý 2.2017 của hai công ty ngoại hàng đầu chuyên nghiên cứu và tư vấn thị trường địa ốc là Savills và CBRE đã có sự “vênh” nhau rất lớn. Savills Việt Nam đưa số liệu: Có gần 11.600 căn hộ được tiêu thụ và lượng giao dịch này đã “chạm đỉnh” kể từ năm 2011 cho đến nay. Trong khi đó, CBRE Việt Nam cho biết quý này TP.HCM có 9.522 căn hộ được tiêu thụ!
Savills khẳng định, phân khúc bình dân chiếm 64% tổng lượng giao dịch và dự báo phân khúc này sẽ vẫn tiếp tục chiếm lĩnh nguồn cung trong tương lai với gần 46% thị phần. Trong khi đó, CBRE lại nhận định: Phân khúc trung cấp tiếp tục dẫn đầu thị trường với 51% tổng lượng tiêu thụ. Theo đơn vị này, phân khúc cao cấp sẽ sôi động hơn vào nửa cuối 2017.
Vừa “gia nhập” cuộc chơi báo cáo thị trường, DKRA, một DN chuyên môi giới và phân phối lại đưa con số kiểu khác: Theo DN này, quý 2.2017 phân khúc cao cấp có khoảng 2.697 căn tung ra thị trường và lượng hấp thụ lên tới khoảng 2.359, tức khoảng 87%, chiếm tới 36% tổng lượng tiêu thụ toàn thị trường căn hộ, đây là một con số vô cùng khả quan.
“Trước đây, mỗi tuần một sàn giao dịch trong hệ thống của chúng tôi bán được chục căn là bình thường nhưng nay có tuần chỉ bán được 2 – 3 căn, có khi không có giao dịch. Thế nhưng không hiểu các công ty nghiên cứu thị trường dựa vào đâu để cho ra con số tiêu thụ “khủng” như vậy”- ông H. Tổng Giám đốc một hệ thống giao dịch địa ốc lớn nhất nhì TP.HCM khẳng định. Không những DN ông ế ẩm, nhiều nơi khác đang phải “nuôi quân” chờ thời, thị trường căn hộ nhất là ở phân khúc cao cấp đang "đứng hình".
Báo cáo để làm gì?
Một chuyên gia địa ốc đầu ngành cho rằng, các bên báo cáo tiếp cận nguồn dữ liệu khác nhau do đó kết quả thống kê cũng không giống nhau, đây là điều hết sức bình thường. Dù vậy, số liệu có chênh lệch đi chăng nữa thì cũng ở mức chấp nhận được, từ 2% - 5%. Còn nếu chênh nhau hơn 10% thì khó mang đến sự tin cậy. Ông cho rằng có hiện tượng chủ dự án “bắt tay” với công ty nghiên cứu thị trường để “bơm thổi” thị trường, mang lại lợi ích cho các bên, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.
“Điều này tạo cán cân không công bằng cho những DN không tham gia báo cáo. Người tiêu dùng và nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng bị ảnh hưởng lớn”- ông này nói.
Thị trường địa ốc ngày một nhiễu loạn vì thông tin hỏa mù từ các bản báo cáo
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu lại chỉ ra rất nhiều chuyện “khôi hài” trong việc báo cáo thị trường địa ốc. Luật kinh doanh bất động sản không quy định đơn vị nào được báo cáo nên DN nào cũng tham gia và báo cáo theo hướng có lợi cho mình. Đơn cử như Savills và CBRE đang là bên tư vấn và quản lý cho rất nhiều dự án lớn nhỏ trên thị trường. “Họ đưa ra những “thông tin xám” để mang đến lợi thế cho những dự án có sự tham gia của mình”- ông Châu nói. Đơn cử như việc CBRE tung tin sắp có căn hộ 200 triệu đồng/m2. Lập tức gây nên sóng truyền thông. Thưc chất đó là dự án mà đơn vị này sắp phát triển.
Tương tự, DKRA là nhà phân phối nhiều dự án tại khu Tây TP.HCM, báo cáo của DN đưa ra bức tranh “màu hồng” cho khu vực này. Ngoài ra, DN này còn phân phối nhiều dự án biệt thự biển và cũng báo cáo rất tiềm năng về thị trường nghỉ dưỡng. Mỗi lần báo cáo lại tổ chức lễ công bố rình rang để tạo hiệu ứng truyền thông. “Luật cấm thông tin sai lệch về một dự án cụ thể nhưng không cấm báo cáo cả thị trường. Đây là lỗ hổng lớn để DN lách luật, tung hỏa mù thông tin”- ông Châu khẳng định.
Để tạo “an toàn” cho các báo cáo, những đơn vị báo cáo thường “chốt hạ” bằng những câu nói vô thưởng vô phạt. Đơn cử như CBRE Việt Nam luôn đính kèm câu: “Quý độc giả có trách nhiệm kiểm chứng độc lập tính chính xác và toàn vẹn của thông tin. Tài liệu này được thiết kế riêng cho khách hàng và chuyên gia của CBRE sử dụng”. Còn DKRA khẳng định “báo cáo thị trường chỉ cung cấp thông tin trong nội bộ DKRA và đối tác, thông tin. DKRA sẽ không chịu trách nhiệm về bất cứ tổn thất trực tiếp hay hậu quả phát sinh đến việc sử dụng nội dung trong báo cáo và không chịu pháp lý có liên quan”. Nếu chỉ lưu hành nội bộ, tại sao lại tổ chức công bố rình rang?
Ông Châu cho rằng, không dễ để các DN tiếp cận được số liệu từ ngân hàng, các sở ngành. Đơn vị chính danh như Hiệp hội 6 tháng báo cáo một lần, số liệu đều trích nguồn từ cơ quan quản lý và đóng dấu ký tên chịu trách nhiệm. Còn các nơi khác không biết căn cứ vào đâu và không chịu trách nhiệm. “Trong điều kiện luật chưa điều chỉnh. Người tiêu dùng thông minh và truyền thông thông minh không nên chạy đua theo các báo cáo dạng “thông tin xám”, nên tự sàng lọc thông tin để an toàn cho mình”- ông Châu khuyến cáo.
Tại TP.HCM, có hai đơn vị chính danh báo cáo thị trường bất động sản là Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM. Ngoài ra có 4 DN ngoại tham gia hoạt động này là Savills, CBRE, JLL và Cushman Walkfiel. Chưa kể DN phân phối là DKRA cũng ra báo cáo. Trên mặt trận truyền thông, trang tin chuyên thị trường địa ốc CafeLand cũng hoạt động báo cáo nhiều năm. Mỗi quý, hàng loạt bản báo cáo thị trường được tung ra, nhằng nhịt mâu thuẫn khiến cả thị trường không biết đường nào mà lần. Ngay cả Hiệp hội Bất động sản Việt Nam báo cáo từng tháng nhưng lại khuyến cáo “không chịu trách nhiệm tính chính xác của thông tin”. Điều này càng lộ rõ sự thiếu minh bạch và “đói” thông tin xác thực của thị trường bất động sản.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.