Báo chí như âm ly để làm tăng tiếng nói của Quốc hội, UBTVQH

Lương Kết (thực hiện) Thứ hai, ngày 17/07/2017 08:08 AM (GMT+7)
“Tôi cho rằng việc không cho báo chí theo dõi phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) như vừa qua là cách làm hạn chế điều Quốc hội đang phấn đấu. Đó là tính chuyên nghiệp, năng lực, kỹ năng của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong việc thực thi trách nhiệm của mình” – ĐBQH, Nhà sử học Dương Trung Quốc nói khi trao đổi với Dân Việt.
Bình luận 0

img

Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 12 báo chí không được theo dõi qua phòng máy. Ảnh: TTXVN

Nhiều năm qua, báo chí luôn được theo dõi và phản ánh các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (cơ quan thường trực của Quốc hội) nhưng theo thông báo từ phiên họp thứ 12 (11.7) trở đi báo chí chỉ được vào 5 phút đầu, cuối giờ Văn phòng Quốc hội sẽ có thông cáo báo chí. Ông có suy nghĩ gì về quy định được cho là đi ngược lại quy chế đã được UBTVQH đặt ra?

- Cho dù trong lời giải thích của Tổng Thư ký Quốc hội đã nói đây là thử nghiệm và sẽ điều chính dần, tuy nhiên rõ ràng từ chỗ phiên họp của UBTVQH được thông tin rộng rãi kéo dài hàng chục năm, nay trở thành khắt khe hơn với báo chí, ít nhất về mặt thời gian được tiếp cận với cuộc họp nên gây sự băn khoăn cho giới truyền thông.

Vấn đề này tôi nghĩ không chỉ ở cương vị ĐBQH mà người dân họ cũng sẽ đặt câu hỏi tại sao? Vì khi giải thích Tổng Thư ký Quốc hội có đưa ra hiện tượng trong phiên họp của UBTVQH, người phát biểu thảo luận có thể lỡ lời, có thể thế này thế kia, nếu có phóng viên theo dõi có thể họ hiểu sai rồi thông tin không đúng.

img

ĐBQH Dương Trung Quốc.

Tôi cho rằng cách giải thích đó chưa đủ thuyết phục. Bởi lẽ, chúng ta ngày càng ý thức được mỗi ĐBQH là chính khách, lâu nay chúng ta vẫn nói đến tính chuyên nghiệp của Quốc hội, Quốc hội cũng như lãnh đạo Quốc hội cũng muốn nâng cao tính chuyên nghiệp của ĐBQH.

Mặc dù Quốc hội có tính cơ cấu, bên cạnh đó là đào tạo khả năng phát biểu, khả năng tranh luận cho ĐB còn hạn chế, tuy nhiên cần phải nhìn ra hạn chế đó để phấn đấu chứ không nên tìm cách tạo môi trường phù hợp cho mình.

Để ngày càng trở nên chuyên nghiệp, các vị ĐBQH cũng như Ủy viên UBTVQH phải phát biểu một cách chính xác, đàng hoàng, phát biểu sao cho không thể lỡ lời. Chúng ta không phải ở trong môi trường chính trị kiểu đa nguyên, đa đảng để có sự tranh giành quyền lực, tranh giành ảnh hưởng, những phát biểu là để tìm ra tiếng nói chung, tìm ra sự đồng thuận.

Tôi cho rằng việc không cho báo chí theo dõi phiên họp của UBTVQH như vừa qua là cách làm hạn chế điều Quốc hội đang phấn đấu. Đó là tính chuyên nghiệp, năng lực, kỹ năng của ĐBQH trong việc thực thi trách nhiệm của mình.

Về phía báo chí tham gia thông tin nghị trường, ông có nhìn nhận đánh giá gì không?

- Đúng là nói đi cũng phải nói lại, phải nhìn từ hai phía. Phía anh em phóng viên báo chí theo dõi nghị trường cũng phải nâng cao năng lực thông tin, phản ánh một cách đúng đắn, trách nhiệm. Ví dụ, biết người phát biểu lỡ lời nên tránh câu đó đi, cố gắng làm cho rõ vấn đề ra, đừng khai thác cái đó như một yếu tố để tạo giật gân.

Tôi nghĩ báo chí không phải là gì đó tuyệt đối. Kinh nghiệm từ bản thân tôi cho thấy dù đã trả lời báo chí rất nhiều lần nhưng không phải không có sự e ngại khi trao đổi, trả lời phỏng vấn báo chí.

Sợ nhất là báo chí không phản ánh đúng ý kiến của mình, nhiều khi là từ văn nói khi biên tập chuyển sang văn viết hoặc một vấn đề từ chỗ giải trình có đầu và cuối lại bị cắt đoạn thành sai lệch bản chất thông tin.

Bên cạnh đó là kỹ năng nghề nghiệp, nhất là với anh em phóng viên chưa có kinh nghiệm, thậm chí không có tâm khiến sản phẩm thông tin dễ bị lệch lạc.

Phân tích như vậy để thấy trong câu chuyện trên cần phải điều chỉnh từ hai phía. Trong xu hướng hiện nay Quốc hội cần phải tạo ra môi trường thông tin ngày càng thoáng hơn nhưng ngược lại báo chí càng phải chặt chẽ hơn trong việc phản ánh thông tin nghị trường nói riêng.

Các phiên họp của UBTVQH phần lớn là cho ý kiến vào các dự án luật. Đối với dự các án luật hiện nay cơ quan chủ trì soạn thảo đều đưa lên mạng để xin ý kiến rộng rãi. Việc UBTVQH thảo luận về dự án luật lại không cho báo chí theo dõi để thông tin một cách sinh động, đa chiều có phải đi ngược lại xu hướng chung thưa ông?

- Tôi nghĩ hai vấn đề có khác nhau, một dự thảo luật là cái cố định được đưa ra lấy ý kiến, còn thảo luận là sự trao đi đổi lại, khi đã thảo luận chắc chắn có những ý kiến khác biệt, thậm chí đối chọi nhau…

Thông thường trong các phiên thảo luận thì rất dễ xảy ra những vấn đề như Tổng Thư ký Quốc hội nói là lỡ lời, vô tình nói ra cả vấn đề bí mật của Nhà nước. Điều quan trọng là người đưa tin không nên khai thác vào những chỗ đó, chỉ nên phản ánh tinh thần chung.

Báo chí của chúng ta khi thông tin nghị trường nhiều khi đi vào vấn đề tiểu tiết, mặc dù tiểu tiết có giá trị của nó. Nhưng quan trọng nhất là giá trị đó có tương xứng với trách nhiệm của anh khi được theo dõi và phản ánh hoạt động nghị trường không.

Nhiều năm nay các phiên họp của UBTVQH đều được báo chí theo dõi và phản ánh sinh động, đa đạng, nay báo chí bị hạn chế thay vào đó là việc phát thông cáo. Cách làm như vậy làm tiếng nói của UBTVQH không còn được như trước thưa ông?

- Tôi cho rằng, cái này là trách nhiệm chỗ ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội với vai trò là cơ quan điều hành, tổ chức. Tuy nhiên nên cố gắng tranh thủ ý kiến của các vị ĐBQH chứ không chỉ riêng ý kiến của người dự họp.

Quốc hội đòi hỏi tính công khai minh bạch, còn Chính phủ chỉ công khai cái mà đã được quyết định. Chính vì thế Chính phủ cần họp kín đôi khi là đúng. Còn đã là hoạt động của Quốc hội cần phải lấy tính minh bạch cho người dân là quan trọng, trừ những trường hợp đặc biệt được luật quy định.

Nếu chỉ vì một số người không thích báo chí theo dõi để được thoải mái hơn khi phát biểu mà đưa ra quy định trên liệu có đáng không, thưa ông?

- Qua trả lời trên báo của Tổng Thư ký Quốc hội, tôi thấy rằng nhiều người có sự lo ngại khi phát biểu tại phiên họp có báo chí theo dõi. Phải thừa nhận rằng đó là lo lắng có thật, lo lắng chính đáng. Tuy nhiên, để khắc phục sự lo lắng đấy bằng cách khép cửa với báo chí thì tôi e là đi ngược lại xu thế. Quốc hội cũng như UBTVQH cần mở rộng cửa để báo chí thông tin nhưng cũng yêu cầu báo chí có những điều kiện cao hơn.

Ví dụ, phải có đội ngũ những cơ quan báo chí, những phóng viên chuyên theo dõi nghị trường. Họ nắm chắc các hoạt động của Quốc hội, có quan hệ tốt với các ĐBQH, có trách nhiệm cao khi đưa tin. Bên cạnh đó là bộ phận lãnh đạo của cơ quan báo chí phải có sự thẩm định, sàng lọc kỹ lưỡng khi đưa tin nghị trường. Như vậy sẽ tạo ra sự tin cậy lẫn nhau. 

Rõ ràng báo chí phải được nhìn nhận như sự nối dài hay nói cách khác là cái âm ly làm tăng tiếng nói của Quốc hội, nối dài tầm nhìn của Quốc hội. Chính vì thế không nên hạn chế hoạt động của báo chí.

Xin cảm ơn ông (!)

"Qua trả lời trên báo của Tổng Thư ký Quốc hội, tôi thấy rằng nhiều người có sự lo ngại khi phát biểu tại phiên họp có báo chí theo dõi. Phải thừa nhận rằng đó là lo lắng có thật, lo lắng chính đáng. Tuy nhiên, để khắc phục sự lo lắng đấy bằng cách khép cửa với báo chí thì tôi e là đi ngược lại xu thế. Quốc hội cũng như UBTVQH cần mở rộng cửa để báo chí thông tin nhưng cũng yêu cầu báo chí có những điều kiện cao hơn", ĐBQH Dương Trung Quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem