Bên cạnh đó, công nghệ phát triển kéo theo sự lên ngôi của mạng xã hội đã tác động mạnh mẽ tới thói quen đọc của độc giả cũng như làm biến đổi cấu trúc cơ bản của title online.
Cùng nhìn ngược lại quá khứ, trong thuở “sơ khai” của báo mạng, title xuất hiện trên các trang điện tử vẫn “thuần chất” báo giấy giữ khi luôn giữ nội dung cũng như ngôn từ ở mức điềm đạm, súc tích, đảm bảo cung cấp “Đúng + Đủ” thông tin; Tuân thủ công thức “Title + Sapo”; Đảm bảo theo đúng nguyên tắc “nằm lòng” – Kim tự tháp ngược với công thức “vàng” 5W + 1H (Who, What, Where, Why, When, How). Vào thời kì này, title online vẫn thường cố gắng thể hiện phong cách và bản sắc tờ báo của mình.
Thế nhưng, có thể nói sự xuất hiện của mạng xã hội (mà điển hình là Facebook) cùng những “cỗ máy hút tin khổng lồ” như Google News hay Yahoo News đã tạo ra một “khái niệm” mới”: Share tin (chia sẻ tin). Và không phải vô cớ mà tờ báo kì cựu của Mỹ New York Times, trong vòng 2 năm qua, đã phải ngậm ngùi “chia tay” hơn 80 triệu lượt truy cập vào trang chủ (homepage) của mình. Cũng theo thống kê, tới 7/10 người đọc những thông tin trên New York Times là từ “share tin”, chứ không phải vào trực tiếp từ homepage của báo.
Độc giả trong thời đại của công nghệ chẳng cần phải đi tìm tin tức (news), chẳng cần phải mở bất kỳ một trang báo nào (homepage), ngược lại, tin tức sẽ phải tự tới “gõ cửa”, độc giả chỉ cần… click vào những title mà mình ưng ý, những title “sốc” mà bản thân bị thu hút… Tin tức chạy theo độc giả, còn tòa soạn và phóng viên tìm mọi cách để “thượng đế” bị hút mắt vào title, bị kích động để buộc phải click vào những dòng mười mấy chữ đó.
Title online đã tự thân phá vỡ cấu trúc “vàng” vốn được yêu cầu khá khắt khe trong thời kỳ đầu. Không hề khó để bắt gặp những tin bài viết về thế giới nhưng trên title lại nhập nhèm, giấu nhẹm yếu tố về địa lý và thay vào đó lại tập trung nhấn vào các chi tiết “nhạy cảm” như: “Người đàn ông thư thả tắm mát giữa hồ nước ô nhiễm”, “Ảnh tự sướng ngoạn mục của phi công bên siêu máy bay”, “Cảnh sát mây mưa tập thể trong xe tuần tra”…
Thậm chí để tăng độ “ép-phê”, title online không ngần ngại “đính kèm” thêm những từ ngữ mang sắc thái cảm thán – điều vốn khá tối kị trước đây: “Chấn động: 6 binh sĩ Malaysia cưỡng hiếp tập thể bé gái 13”, “Chưa từng có: 13 máy bay đột ngột biến mất bí ẩn khỏi radar”, “Phát hoảng” với màn cởi áo giữa biển của Mai Phương Thúy”, “Chuyện hy hữu: Lái xe thiết giáp bất cẩn cán ngang binh sĩ trên đường”…
Chạy theo pageview, title online thời nay còn đảm nhiệm luôn cả nhiệm vụ của sapo khi gần như không giới hạn số chữ, “phơi bày” tất cả lên title nhằm câu kéo sự tò mò: “Dàn nữ sinh chân dài đá bóng trong đêm hâm nóng World Cup”, “Ngắm nữ DJ bốc lửa tự nhận mình có vòng một “khủng” đẹp nhất Việt Nam”, “Bí mật động trời về người đàn bà dùng bả chó sát hại vợ người tình”, “Đứa con trai "bất trị" của Năm Cam và nỗi dày vò của người đàn bà lầm lỡ”…
“Không chỉ vậy, ngôn ngữ nói, ngôn ngữ… chợ búa cũng được hồn nhiên hiện diện trên title online: “Mua dâm trả góp” có 1-0-2 giữa Sài thành”, “Hoa hậu Hà Kiều Anh: Đến lúc vỡ ối, chồng tưởng vợ... tè dầm”.
Vậy là thay vì chăm chút vẻ đẹp của trang chủ, nâng lên đặt xuống từng câu chữ cho cái gọi là “tiêu đề của bài báo” như trước, giờ đây công việc của các BTV là “đánh bóng” và tạo độ “hot” cho title. “Giật title” đã thành xu hướng mới mỗi khi nhắc tới báo điện tử. Nhưng rồi, đằng sau mỗi click được tạo bởi hiệu ứng gây sốc từ title, sẽ còn gì đọng lại trong lòng mỗi độc giả? Và liệu điều gì sẽ xảy ra khi “thượng đế” cũng thấy vô cảm trước “khủng, choáng hay bàng hoàng”…
Có lẽ câu chuyện về việc đi tìm một cái title vừa lắng đọng nhưng lại vừa đủ gợi cũng nên được bắt đầu đặt ra từ lúc này!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.