Khi Hoàng Sa gọi

Nguyễn Gia Tưởng Thứ hai, ngày 23/06/2014 11:42 AM (GMT+7)
Tôi - phóng viên Nguyễn Gia Tưởng của Báo NTNN, đã có hàng trăm ngày sống ở trên biển, lênh đênh hơn 12.000 hải lý, (24.000km) đi hết các vùng biển của Việt Nam từ vịnh Bắc Bộ tới vịnh Thái Lan.
Bình luận 0

Khi biết tin Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trên vùng biển Hoàng Sa của nước ta, trong tôi như có một lời hiệu triệu từ Hoàng Sa. Và tôi đã tới đó với trách nhiệm của một công dân khi Tổ quốc gọi tên mình.

Ngay từ khi đăng ký đi Hoàng Sa đầu tháng 5.2014, lúc nào tôi cũng sẵn sàng trong tư thế lên đường với đồ nghề tác nghiệp đầy đủ, cùng với đó là tinh thần chống chịu với những cơn say sóng trên biển cả. Sau 2 ngày 1 đêm hành trình không ngừng nghỉ trên tàu QNa 90747 do thuyền trưởng Nguyễn Văn Nghiệp (xã Tam Hải, huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam) điều khiển, tôi quan sát thấy tàu của anh Nghiệp cùng 29 tàu cá khác chia làm 2 biên đội hàng dọc đã hùng dũng tiến đến cách vị trí Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 10 hải lý về hướng nam.

Sự xuất hiện của biên đội tàu cá Việt Nam khiến cho các tàu quân sự của Trung Quốc đang có mặt trái phép ở đây đều giật mình. Thế nhưng, những tàu hải cảnh hải tuần được cải hoán từ tàu hộ vệ tên lửa và tàu phóng lôi của Trung Quốc đã dàn hàng ngang hướng mũi về phía những con tàu cá hú còi inh ỏi và xịt vòi rồng để thị uy ở khoảng cách 2 hải lý.

Sau 1 đêm bập bềnh trên biển, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng máy bay trinh sát của Trung Quốc bay ở độ cao chỉ 500m, với nhiều vòng lượn như hù dọa đoàn tàu cá. Sau đó, trên biển bỗng xuất hiện những đoàn tàu sắt của Trung Quốc. Bằng mắt thường chúng tôi nhận thấy hàng chục tàu sắt có trọng tải từ 200 - 400 tấn, đồng loạt lao vào những tàu cá của ngư dân nước ta với tốc độ chóng mặt.

Nhưng, dưới sự điều khiển tài tình của những ngư dân Việt Nam quen làm chủ vùng biển Hoàng Sa, họ đã khéo léo vòng tránh, để né những cú đâm va ác nghiệt. Trong số những tàu của Trung Quốc hung hăng nhất là tàu trọng tải 400 tấn có số hiệu 17075, đã liên tục lao vào biên đội tàu cá của ta để tấn công. Tuy một tàu cá bị chìm nhưng hàng trăm ngư dân đi trên 30 tàu cá của nước ta không hề có ai run sợ.

Ông Nguyễn Đức Bình (57 tuổi) - ngư dân đi trên tàu QNa 90747 bình tĩnh nói: “Mình không việc gì phải sợ, biển nước mình cũng như trong nhà mình thôi, vì đây là ngư trường mà cha ông chúng ta đã bảo vệ và khai thác hàng trăm năm nay rồi”.

Sau những ngày tác nghiệp gian khổ bên giàn khoan trái phép, tôi và đồng nghiệp Đình Thiên đã có loạt bài “Cùng ngư dân đối mặt với tàu Trung Quốc” đăng trên NTNN. Cùng với đó, chúng tôi còn có hàng trăm tấm ảnh, các clip về sự hung hãn của tàu Trung Quốc đăng trên các ấn phẩm của NTNN.

Những ngày ở Hoàng Sa là những ngày chúng tôi đã chứng kiến sự hung hãn của các tàu Trung Quốc. Điều này đã không làm chúng tôi hoảng sợ mà ngược lại đã làm cho những nhà báo chúng tôi càng yêu Tổ quốc mình hơn. Tôi sẵn sàng quay lại Hoàng Sa bất cứ lúc nào, bởi trong tôi luôn có sự gào gọi của Hoàng Sa khi vùng biển thiêng liêng này của Tổ quốc mình đang bị Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem