Báo động học trò ngồi nhầm lớp

Thứ tư, ngày 31/03/2010 15:27 PM (GMT+7)
NTNN - Hơn 11.000 học sinh ở 15 tỉnh miền núi phía Bắc bỏ học là con số được Bộ GD-ĐT công bố ngày 30-3. So với năm trước, con số này có giảm nhưng ngành giáo dục lại đang phải đối mặt với nỗi lo khác: Ngồi nhầm lớp!
Bình luận 0

img
Lớp học ở Đồng Văn (Hà Giang).

Ở nhiều địa phương, số lượng học sinh bỏ học vẫn lớn, như Sơn La (1.782 HS), Hoà Bình (1.146 HS), Hà Giang (1.021HS)… Tuyên Quang có số học sinh bỏ học thấp nhất cũng là 409 HS. Tổng số học sinh bỏ học toàn vùng lên tới hơn 11.000 HS.

 

Khó thu hút trẻ đến trường

Ông Trần Xuân Hưng - Giám đốc Sở GD-ĐT Yên Bái cho biết: Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng học sinh bỏ học là do học lực yếu kém, bỏ học để đi làm kiếm tiền. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là một số địa phương vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc vận động học sinh đến lớp chưa quyết liệt và chưa có giải pháp thích hợp.

Ông Nguyễn Mạnh Quân - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên chia sẻ: “Ở các tỉnh khó khăn, việc thiếu kinh phí làm chậm mọi chương trình. Rất khó có thể thu hút trẻ đến trường khi cơ sở vật chất không đảm bảo”.

Nếu như những năm học trước, tỷ lệ học sinh bỏ học tập trung ở cấp THCS thì năm nay đổ dồn về THPT với tỷ lệ 1,46%. Nguyên nhân  là do sự thay đổi hình thức học (chuyển từ học THPT sang học nghề) và xu hướng học sinh lao động sớm. Điều này có khả năng sẽ tạo sức ép với các trường THPT khi mà theo lộ trình, sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ triển khai phổ cập THPT.

“Không thể cố đấm ăn xôi”

Để hạn chế tình trạng bỏ học, một số Sở GD-ĐT như Lai Châu, Quảng Ninh, Yên Bái... đã có giải pháp tích cực như hỗ trợ học sinh bán trú dân nuôi từ 100.000 - 200.000 đồng/tháng để vận động các em ra lớp.

Với vùng “trũng” của học sinh bỏ học, những con số trên cũng rất đáng ghi nhận. Hiện nay, khoảng 40% địa phương thuộc vùng này không còn học sinh bỏ học ở cấp tiểu học và đầu năm học này, Lai Châu là tỉnh cuối cùng trên toàn quốc được công nhận phổ cập giáo dục THCS.

Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý lại lo ngại nguy cơ “tái nạn ngồi nhầm lớp” khi sức ép về vấn đề học sinh bỏ học đang đẩy lên các cấp cao hơn.

Ông Đỗ Văn Dũng - Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Nguyên cho biết: Hiện nay, ở một số địa phương xuất hiện tình trạng, học sinh chỉ cần thi chống liệt (đạt 0,25 điểm) là các trường THPT đã “vớt” vào học. Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại nhưng  nếu các trường không nhận thì số học sinh đó sẽ “xung” vào đội quân bỏ học.

Trăn trở về vấn đề này, bà Trần Thị Thắm - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học chia sẻ: “Khi xem xét biểu báo cáo của các địa phương tôi thấy tỷ lệ học sinh tiểu học đạt học lực yếu ở môn Toán và Tiếng Việt rất lớn. Nếu không nâng cao chất lượng của bậc học này thì chất lượng của các bậc học sau không thể cao được”.

Khi đề cập đến vấn đề này tại Hội nghị Giao ban các Sở GD-ĐT vùng I tổ chức tại Lào Cai ngày 30-3, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiền khẳng định đây là một thực trạng “đáng xấu hổ” đang tồn tại ở các địa phương.

Thứ trưởng cũng cho biết, trước thực trạng này, một mặt Bộ yêu cầu các địa phương sáng tạo, tăng cường các hoạt động giảm tỷ lệ học sinh bỏ học nhưng mặt khác cũng cần nâng cao chất lượng thực sự. Bộ cũng sẽ xem xét lại lộ trình phổ cập THPT và có hướng phân luồng hợp lý trong thời gian tới.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem