Bao giờ bóng đá Việt Nam mới qua mặt Thái Lan?

Tuệ Minh Chủ nhật, ngày 18/12/2016 19:04 PM (GMT+7)
Trong trận chung kết AFF Cup 2016 với Indonesia tối 17.12, Thái Lan đã thắng thuyết phục Indonesia không chỉ bởi lối chơi đẹp, mà còn sẵn sàng đá quyết liệt khi cần thiết khiến các học trò HLV A.Riedl bị ức chế…
Bình luận 0

Hình ảnh hậu vệ 23 tuổi Abduh Lestatuhu không giữ nổi sự bình tĩnh, sút bóng thẳng vào khu vực kỹ thuật của Thái Lan phút bù giờ cuối cùng của trận chung kết lượt về AFF Cup 2016 đã nói lên sự bất lực của Indonesia. Đó là hành vi phi thể thao, dù ở những tình thế khác nhau nhưng cũng dễ liên tưởng tới tấm thẻ đỏ của Nguyên Mạnh trong trận giao hữu lượt về với đội bóng xứ vạn đảo trên sân Mỹ Đình tối 7.12. Và đó cũng là nơi thể hiện sự khác biệt lớn nhất về trình độ, về thái độ ứng xử chuyên nghiệp của Thái Lan so với “phần còn lại” ở khu vực Đông Nam Á.

img

Abduh Lestatuhu (số 3 - Indonesia) nhận thẻ đỏ sau hành vi phi thể thao ở phút bù giờ cuối cùng trận chung kết lượt về với chủ  nhà Thái Lan. 

Cũng như Việt Nam, Thái Lan bước vào trận chung kết lượt về với Indonesia khi đã bị thua 1-2 ở trận lượt đi. Nhưng khác với các học trò HLV Hữu Thắng, thầy trò HLV Kiatisuk đã tạo ra được một thế trận hoàn toàn lấn lướt khi đá trên sân nhà Rajamangala. Ở vào độ tuổi 23-24, 2 cầu thủ nổi bật nhất của đội bóng xứ chùa vàng là “Messi Thái Lan” Chanathip, tiền đạo Chatthong (lập cú đúp trong chiến thắng 2-0 giúp Thái Lan vô địch AFF Cup 2016) tỏ ra vô cùng chững chạc trên hàng công.

Những cầu thủ đá chính khác và cũng đang là trụ cột của Thái Lan như  Tristan Do, Chappuis, Yooyen… cũng ở trong độ tuổi đó và họ sẽ còn “chín” hơn trong những năm tới. Nói như vậy để thấy có lẽ trong khoảng 5-7 năm tới, rất khó có đội bóng nào đủ sức lật đổ sự thống trị Đông Nam Á của Thái Lan.

img

Thủ  môn Nguyên Mạnh không giữ được sự bình tĩnh khi bị đối thủ chơi xấu và đã "trả đũa" dẫn tới việc phải nhận thẻ đỏ trong trận bán kết lượt về AFF Cup 2016 gặp Indonesia. Ảnh: I.T

Một điểm dễ nhận thấy nhất là ngoài lối chơi phối hợp nhanh ở cự ly ngắn-trung bình rất nhuyễn, “các cầu thủ cảm nhận được nhau trong từng bước di chuyển trên sân” (lời của Công Vinh khi nói về Thái Lan), cách hành xử của các học trò HLV Kiatisuk cũng rất chuyên nghiệp. Rất ít khi thấy họ bị ức chế,  nổi nóng sau những pha vào bóng quyết liệt của Indonesia hay những quyết định đôi khi chưa chính xác của trọng tài.

Đáp lại lối đá rắn cùa Indonesia ở thời điểm đã thua 2-0, ngoài những pha đan bóng rất nhanh để tránh “đòn”, Thái Lan còn sẵn sàng vào bóng rất rát nhưng đúng luật khiến trọng tài không thể thổi phạt, còn cầu thủ đối phương ức chế, giảm hưng phấn.

Ý thức nghề nghiệp, việc biết cách ứng xử, vận dụng luật trên sân sao cho có lợi nhất với mình có lẽ đã ăn vào trong tiềm thức mỗi cầu thủ Thái Lan. Đằng sau đó, chắc chắn là một Thai-League chất lượng, nói không với các hành vi bạo lực, phi thể thao nhiều năm qua – khác hẳn với những hình ảnh phản cảm trên sân cỏ V.League.

Nói không quá, ngay cả khi Thái Lan không may thất bại tối 17.12 và không thể vô địch AFF Cup lần thứ 5 thì đẳng cấp của họ vẫn sẽ được ghi nhận. Và cũng có thể khẳng định một điều, không có nhà vô địch nào trên thế giới, ở cả những giải đấu lớn-nhỏ mà không biết hành xử theo luật. Những cái “đầu nóng” là vật cản vô hình khiến những năng lực chuyên môn của cầu thủ không được thể hiện hết.

Ở góc độ này, việc HLV Hữu Thắng và VFF nhìn nhận việc tuyển thủ Việt Nam thiếu hiểu biết về luật dẫn đến những hành vi bộc phát khiến đội tuyển gặp bất lợi dẫn đến thất bại, mà minh chứng rõ nhất tấm thẻ đỏ nằm ngoài sức tưởng tượng của Nguyên Mạnh là xác đáng!

Nhưng tại sao phải đến bây giờ tất cả mới nhận ra cái điều cơ bản đã được dư luận, báo chí phản ánh suốt nhiều năm qua? Và nếu bây giờ chúng ta mới làm chặt, siết chặt (muộn còn hơn không), thì phải mất bao nhiêu thời gian nữa, bóng đá Việt Nam mới có được 1 lứa cầu thủ đồng đều như Thái Lan hiện nay? Hỏi cũng đã là 1 cách trả lời cho băn khoăn: Bao giờ bóng đá Việt Nam vượt qua người Thái!

Ông Lê Hoài Anh – Tổng thư ký VFF: “Căn cứ trên chỉ đạo của Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT,  thường trực VFF cũng đã chỉ đạo sửa đổi Quy chế về kỷ luật, tăng nặng khung hình phạt với hành vi bạo lực. Các trọng tài phải kiên quyết áp dụng chặt chẽ luật thi đấu trong điều hành trận đấu. Chính điều đó sẽ giúp cầu thủ loại bỏ thói quen xấu, có ý thức cao nhất về nghề nghiệp, giảm thiểu hành vi bột phát, thiếu kiềm chế dễ dẫn tới thẻ phạt khi đi thi đấu quốc tế”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem