Bao giờ cà phê hết là "trái đắng" (Bài 2): Nút thắt lớn từ tái canh

Duy Hậu Thứ hai, ngày 11/03/2019 19:10 PM (GMT+7)
Với hơn 100.000ha cà phê già cỗi, năng suất thấp, chất lượng kém, việc tái canh diện tích này đang trở nên hết sức cấp thiết đối với ngành cà phê, nếu thành công có thể mở ra cho người trồng cà phê cơ hội thay đổi. Thế nhưng, dù có chính sách hỗ trợ, chương trình tái canh vẫn còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ.
Bình luận 0

Cơ hội mới từ tái canh

Mùa mưa năm 2017, ông Giang Văn Sử ở thôn 5, xã Cư Ni, huyện Ea Kar (Đăk Lăk) vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Agribank Đăk Lăk để tái canh cà phê. Chỉ sau gần 2 năm, vườn cà phê của ông Sử đã cho trái bói và phát triển rất tốt. Ông Sử cho biết, do trồng giống mới, quy trình tái canh đảm bảo kỹ thuật nên vườn cà phê phát triển rất nhanh, hứa hẹn cho năng suất vượt trội so với vườn cà phê cũ.

img

Ông Nguyễn Đình Nhàn phá bỏ một phần cà phê già cỗi để tái canh. Ảnh:  D.H

Tại Công ty TNHH MTV 52 (xã Ea Đah, huyện Ea Kar), ông Nguyễn Công Trị- Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cho biết, tính đến nay đơn vị đã tái canh được hơn 200ha cà phê và một số diện tích đã cho thu hoạch. Nhìn chung, vườn cà phê tái canh sinh trưởng và phát triển rất tốt.

Chỉ vào những vườn cà phê tái canh đang xanh mướt, ông Trị nói: "Cơ hội mới của chúng tôi đang bắt đầu từ đây. Với giống mới, nhiều ưu điểm vượt trội về khả năng kháng sâu bệnh và năng suất, chắc chắn chúng tôi sẽ có lãi nhiều hơn từ vườn cà phê tái canh".

Các diện tích cà phê tái canh trên địa bàn Đăk Lăk đang mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp và nông dân. Chưa nói đến giá cả, việc nâng cao được năng suất do cây trẻ, giống tốt hơn chắc chắn sẽ giúp người trồng cà phê có thêm thu nhập.

Đánh giá của UBND tỉnh Đăk Lăk cho thấy, cà phê tái canh đang mở ra ”lối thoát” mới cho nông dân. Tại một báo cáo mới đây, UBND tỉnh này cho biết, năng suất cà phê tái canh đạt từ 4,2-7 tấn/ha (năng suất trung bình toàn tỉnh đạt 2,4 tấn/ha), chất lượng tốt, cỡ hạt lớn trên 65% và kháng cao với bệnh gỉ sét.

Trong đó có 4 dòng cà phê chín muộn là TR9, TR11, TR12, TR13 có thời gian thu hoạch vào mùa khô, tạo thuận lợi cho việc thu hoạch và chế biến sau thu hoạch, đồng thời giảm được nước tưới cho cây cà phê trong mùa khô.

img

Một vườn cà phê tái canh tại xã Thuận Hà, huyện Đắk Song (Đắk Nông) hứa hẹn những mùa bội thu. Ảnh: Duy Hậu 

Nhiều vấn đề từ tái canh

Mặc dù vậy, qua nhiều năm triển khai nhưng chương trình tái canh cà phê vẫn diễn ra hết sức ỳ ạch với nhiều "nút thắt" chưa được tháo gỡ. Tại Đăk Lăk (nơi có đến hơn 41.000ha cà phê cần tái canh), số liệu từ Agribank chi nhánh tỉnh này cho thấy đến nay dư nợ của chương trình tái canh cà phê chỉ đạt 50 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp đã vay quá nửa. Đáng nói là ở tỉnh này có đến 90% diện tích cà phê là của nông dân.

Với chu kỳ cải tạo đất 2 năm và chờ thêm 1-3 năm (1 năm đối với tái canh phương thức ghép cải tạo và 3 năm đối với cà phê trồng mới) để thu hoạch, nông dân thực sự không đủ kiên nhẫn để chờ. Bởi đa phần người trồng cà phê đều phải mượn tiền trước trả sau để duy trì chăm sóc vườn nên khoảng thời gian chờ đợi ấy, họ không biết lấy gì bù đắp vào.

Mặc dù phía ngân hàng khẳng định nguồn vốn cho vay tái canh lúc nào cũng sẵn sàng, song nông dân lại không thể tiếp cận. Bởi muốn tiếp cận, nông dân phải thực hiện đúng "quy trình" và phải ở trong vùng được quy hoạch tái canh.

Còn người dân, để đảm bảo đời sống cho mình, nhiều người chỉ tái canh theo kiểu ”da báo” (hư cây nào trồng lại cây đó), hoặc chỉ phá bỏ một phần diện tích nhỏ để trồng lại nhằm đảm bảo nguồn sống.

img

Vườn cà phê tái canh của Công ty TNHH MTV 52 đang phát triển tốt và đã bắt đầu cho thu hoạch. Ảnh: Duy Hậu 

Đối với cây giống, vẫn chưa có chính sách hỗ trợ nông dân giống cà phê đạt chất lượng cho tái canh.

Trên thực tế, vẫn còn khoảng 30 - 40% số hộ nông dân sử dụng giống cây cà phê không rõ nguồn gốc, trôi nổi; bị bệnh rễ ngay trong bầu ươm, cho nên sau tái canh, năng suất, chất lượng sản phẩm kém, tỷ lệ cây bị bệnh thối rễ cao phải trồng đi, trồng lại nhiều lần rất tốn kém.

Ông Nguyễn Đình Nhàn (xã Ea Ngai, huyện Krông Buk, Đăk Lăk), một hộ dân tương đối khá giả, nhưng cũng than thở rằng: "Nếu phá bỏ toàn bộ diện tích cà phê để tái canh thì gia đình không còn cái để ăn. Chính vì vậy, mỗi năm tôi chỉ dám phá bỏ vài sào và lấy thu nhập từ diện tích còn lại đầu tư cho diện tích trồng mới".

Ông Nguyễn Đình Nhiêu ở xã Ea Ning, huyện Cư Kuin (Đăk Lăk) cũng cho biết: "Với tình hình giá cả các loại nông sản đang rất bấp bênh, hầu hết nông dân đều chọn cách trồng xen để giảm bớt rủi ro. Thế nên, hiện nay hầu như không hộ dân nào trồng lại hoàn toàn cà phê, đó cũng là lí do nông dân không thể tiếp cận được nguồn vốn cho vay tái canh".

Một cán bộ Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, việc trồng xen canh của nông dân là một hướng đi phù hợp trong điều kiện hiện nay. Theo cán bộ này, nguyên nhân cản trở việc tái canh chủ yếu do người dân gặp khó về tài chính, nguồn giống và kỹ thuật canh tác.

Mặc dù Chính phủ có chủ trương ưu đãi vốn vay cho nông dân tái canh cây cà phê, song tỷ lệ hộ nông dân tiếp cận được nguồn vốn này còn ít, chỉ chiếm khoảng 20 - 30%. Bởi vì, thông thường tài sản có thể thế chấp thì họ đã thế chấp với ngân hàng lấy vốn sử dụng vào mục đích khác. Vì vậy, khi Nhà nước có chủ trương hỗ trợ nguồn vốn thực hiện tái canh, người dân không còn tài sản thế chấp để vay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem