Bạo hành ở Gò Vấp và dấu hỏi ai giữ gìn an toàn cho trẻ?

Ngô Nguyệt Hữu Chủ nhật, ngày 19/03/2017 05:52 AM (GMT+7)
Giờ ăn trưa, hai bảo mẫu sử dụng tất cả những phương pháp bạo lực để ép cháu ăn, đó là những cái tát, túm tóc, ấn đầu...
Bình luận 0

Dẫu muốn dẫu không, thêm lần nữa dư luận được chứng kiến những hình ảnh các bảo mẫu ở nhà trẻ tự phát hành hạ trẻ nhỏ. Những đứa bé vừa có thể tự ngồi, vừa mới đi lẫm chẫm.. những đứa trẻ chưa đủ ngôn ngữ để nói trong một câu, những đứa trẻ chưa đủ sức phản kháng hay trốn chạy.

Khi mà dòng chủ lưu thông tin về ấu dâm, về xâm hại trẻ em chưa kết thúc thì thông tin này lại càng đẩy nỗi buồn của một kẻ sống bằng nghề cầm bút như tôi xuống sâu thêm nữa. 

Cậu bạn tôi là tác giả của loạt phóng sự điều tra chấn động dư luận này, hôm gặp cậu tính hỏi vài câu nhưng nghĩ sao lại thôi. Bạo hành trẻ em, trong gia đình hay trong nhà trường, trong lớp học chính quy hay tự phát gì cũng để lại những cảm xúc tiêu cực như nhau.

20m2 trong căn nhà cấp 4 ở phường 17, quận Gò Vấp, TP.HCM là nơi được hai bảo mẫu tận dụng làm nơi giữ trẻ với mức giá là 2 triệu đồng cho mỗi cháu. Sáng bố mẹ đưa cháu đến, chiều đón về.

img

Những hình ảnh bạo hành của các bảo mẫu được chụp lại từ clip.

Giờ ăn trưa, hai bảo mẫu sử dụng tất cả những phương pháp bạo lực để ép cháu ăn, đó là những cái tát, túm tóc, ấn đầu... cháu chưa bị đánh đưa đôi mắt ngơ ngác nhìn cháu bị đánh, cháu đang bị đánh nhắm nghiền đôi mắt, khóc ngằn ngặt.

Sau khi báo đăng bài, các cơ quan chức năng ở quận Gò Vấp đã đóng của cơ sở nuôi giữ trẻ tự phát này, hai bảo mẫu bị mời lên cơ quan công an làm việc, các cháu được đưa đến trường mầm non công lập của quận rồi mời cha mẹ lên đón về.

Dấu hỏi lớn đặt ra rằng: Một nhà trẻ tự phát với việc trông giữ hàng chục trẻ mỗi ngày diễn ra công khai nhưng cả phường lẫn quận đều không nắm được trong thời gian dài? Để đau xót sao khi báo chí quay được clip và cung cấp cho chính quyền thì điểm trông giữ trẻ này mới bị "xóa sổ". Liệu có phải những cấp gần dân nhất, đáng lý ra phải nắm rõ nguyện vọng của dân nhất, nắm bắt địa bàn sát nhất lại dường như để ra cả khoảng trống, buông lỏng?

img

Bảo mẫu vừa cho ăn vừa đánh tát liên hồi

Những đứa trẻ chào đời ở đô thị phát triển nhất nước, chưa kịp thụ hưởng nhịp sống, sự văn minh tiên tiến so với những khu vực sống khác thì đã phải chịu đựng những ngược đãi từ người lớn.

Đời sống vốn buồn như vẫn vậy bắt đầu từ đây chăng?

Nhiều năm trước, tôi được phân công đưa tin vụ việc bạo hành trẻ em ở thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Một vụ việc cũng hệt vụ việc này, cũng cùng mẫu số chung.

Những đứa trẻ là con của các anh chị làm công nhân, gửi nhà trẻ tự phát và bị bạo hành.

Trong cơ quan điều tra trưa ấy, người phụ nữ đưa con gái đến để trình báo. Cô bé gần bốn tuổi, tóc tai bù xù, một bên má tím bầm do cô bảo mẫu đánh.

Người phụ nữ ngồi khép nép, nói giọng nhỏ xíu. Con gái của chị chạy khắp phòng, hồn nhiên không quan tâm điều gì khác. Cứ nói vài câu, nhìn con là lại khóc, nước mắt tủi phận mình.

Chị đến thành phố này, ly hương. Anh cũng đến nơi đây từ tỉnh khác, ly hương.

Anh chị thành chồng thành vợ, đầu mắt mặt tối ở nhà xưởng. Con gái đầu lòng gửi nhờ nhà trẻ tự phát và cháu trở thành nạn nhân của một vụ bạo hành.

Nếu nước mắt giải quyết được vạn sự, chắc chúng ta sẽ thoải mái hơn nhiều lắm, phải không?

Khoảng cách giàu nghèo ngày một chênh lệch, mức sống giữa những người nhập cư và cư dân thành thị, sự ưu đãi theo đúng tiêu chuẩn hộ khẩu giữa hai nhóm đối tượng này là điều có thật đang diễn ra, cho dù cố tình không nhận ta thì vẫn phải chấp nhận.

Vụ việc ở Gò Vấp mới đây cũng vậy, bố mẹ làm công nhân, phải tăng ca. Thường đón con lúc đã qua giờ chiều, không còn cách nào khác là phải gửi cháu ở các điểm giữ trẻ tự phát với hy vọng con mình cũng sẽ được bảo vệ như nụ cười của cô bảo mẫu lúc nhận trẻ.

Không còn cách nào khác đâu, sức ép nhập cư tại các đô thị lớn ngày một tăng cao, mà khả năng nâng cao chỉ số hài lòng cho toàn bộ người đang sinh sống trong đô thị ấy mà điều vượt quá khả năng thực tế, xét về mọi lĩnh vực.

Thế nên chỉ mong rằng, những người có trách nhiệm tin rằng bất cứ trẻ em nào cũng cần được bảo vệ, lo lắng. Mà sự bảo vệ, lo lắng ấy bắt nguồn từ điều đơn giản nhất, một trường mầm non đủ sức bảo vệ cho các cháu và công tác giám sát của chính quyền địa phương.

Không phải, gìn giữ sự an toàn cho con trẻ là trách nhiệm của người lớn hay sao?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem