Tôi đọc rất nhiều bài báo đã phản ánh được thực trạng cuộc sống khó khăn, vất vả của các nghệ nhân ở nông thôn đến với bạn đọc cả nước. Tiếng nói của các nghệ nhân ở khu vực nông thôn qua báo NTNN đã đến được với mọi người, trong đó có những người làm chính sách.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh
Trong thời gian tới, theo mong muốn của tôi, báo nên tập trung phản ánh vào một vấn đề rất bức thiết hiện nay, đó là việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân. Để trở thành nghệ nhân, theo quy định, khi người đó nắm giữ di sản từ 15 năm trở lên. Có những nghệ nhân còn trẻ tuổi từ 50 trở xuống hoặc trẻ hơn. Nhưng trên thực tế, chủ yếu các nghệ nhân khi được công nhận đều ở độ tuổi 70, 80, thậm chí có người 100 tuổi. Một thực trạng hiện tại của các nghệ nhân mà tôi cũng như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận thấy, khi được công nhận thì tuổi các cụ đã cao, sức khỏe đã yếu, đồng thời họ cũng rất nghèo khổ.
Điều đáng buồn cho đến lúc này, là việc tôn vinh các nghệ nhân vẫn chưa làm được bao nhiêu. Cho dù đó là tôn vinh mang tính chất tinh thần động viên các nghệ nhân như phong tặng danh hiệu, tôi đã đến rất nhiều địa phương và thấy rằng điều đó còn quá chậm chạp. Còn chế độ đãi ngộ các nghệ nhân là cả một câu chuyện dài, đau buồn cho những người yêu và đam mê hết mình với nghệ thuật.
Họ, những nghệ nhân và cũng là những nông dân chân chất chỉ biết đến nghệ thuật với niềm đam mê, cống hiến và muốn lưu giữ những tinh hoa của cha ông, không mảy may nghĩ rằng mình làm, cống hiến phải đi kèm với lợi ích kinh tế, hay có suy nghĩ mang tính kinh doanh, trục lợi... song không thể trọn vẹn nếu như cuộc sống quá khó khăn.
NTNN hãy luôn ở bên các nghệ nhân dân gian, hãy dõi theo, cổ vũ và đấu tranh cho quyền lợi của họ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.