Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, báo Le Monde Diplomatique số ra tháng 8 đăng bài viết "Các chuyến bay thương mại chở khách Nga đến Việt Nam" của đặc phái viên Jordan Puoille cho thấy trong những năm qua đã có sự chuyển hướng trong việc lựa chọn điểm nghỉ dưỡng của du khách Nga khi những vị khách này có mặt ngày càng đông tại Mũi Né và thành phố Phan Thiết để tận hưởng những kỳ nghỉ thú vị tại các bãi biển tuyệt đẹp với giá cả hợp lý.
Theo bài báo, "Mùa xuân Arập" và làn sóng biểu tình ở Thái Lan đã làm thay đổi thói quen đi nghỉ vào mùa hè của người Nga. Kể từ tháng 1.2011, khi các cuộc xung đột gia tăng ở Trung Đông thì các máy bay chở du khách Nga đã chuyển hướng từ Tunis (thủ đô của Tuynidi) và Cairo (thủ đô của Ai Cập) về thành phố Hồ Chí Minh và Cam Ranh. Trên các bãi biển Mũi Né, Phan Thiết, vào thời điểm hiện nay, từ người dân sống bằng nghề chài lưới cho đến các nhà quản lý khách sạn, tất cả đều nỗ lực hết sức để đón tiếp chu đáo những vị khách mới.
Mặc dù nằm cách xa những thửa ruộng bậc thang cũng như các bờ sông Mekong thơ mộng, hay Vịnh Hạ Long nổi tiếng và cả những tòa nhà thời Pháp ở Nội và thành phố Hồ Chí Minh, dải đất ven biển giàu tôm cá thuộc miền Trung Việt Nam này đặc biệt hấp dẫn du khách Nga, những người khát khao ngắm cảnh sinh hoạt thanh bình và quên đi sự khắc nghiệt của mùa đông nước Nga, khi mà các lớp tuyết dày đè nặng lên mái nhà từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm.
Ảnh chụp bài báo đăng trên tờ "Le Monde Diplomatique" số tháng 8.
|
Để khám phá vùng đất được một số sách cẩm nang du lịch giới thiệu là "Sahara của châu Á", du khách Nga thường thuê một chiếc xe Jeep hoặc dạo chơi trên lưng những chú đà điểu. Khoảng 6h chiều, khi mặt trời bắt đầu lặn trên vịnh Cam Ranh, để lại phía sau một bầu trời màu xanh ngọc có điểm những áng mây hồng, là thời điểm du khách có thể quay lại nơi có chiếc xe Jeep đợi sẵn bằng một chiếc ván trượt đơn giản để trượt trên đồi cát.
Ilya Suslov, chàng thanh niên người Nga trạc 30 tuổi, người chắc nịch, quê gốc ở Saint-Petersburg cho biết: "Thật lạ, năm nay, chúng tôi có rất nhiều du khách đến từ Kazan, thủ phủ của nước Cộng hòa Tatarstan, nằm bên bờ sông Vônga và từ thành phố công nghiệp Naberejnye Tchelny. Đây là lần đầu tiên họ đi du lịch nước ngoài và họ đã chọn nơi đây để nghỉ dưỡng". Ilya Suslov là người đã mở trường dạy môn thể thao lướt ván buồm tại bãi biển Mũi Né. Các giờ dạy của anh có giá là 75 USD (tương đương 54 euro) và khách hàng mà anh hướng đến là tầng lớp khá giả, sành điệu và thích cảm giác mạnh.
Kể lại tình yêu sét đánh của mình đối với Việt Nam, anh cho biết mình đã may mắn tận dụng cơ hội miễn visa cho công dân hai nước để đến lập nghiệp ở Việt Nam vào năm 2009: "Tôi thật hạnh phúc khi đến Phan Thiết. Tôi cảm thấy mình hoàn toàn tự do, được tiếp cận tất cả mọi thứ. Tôi đã quay về Nga, bán phòng thiết kế mẫu của mình và dồn toàn bộ số tiền tiết kiệm để đầu từ vào đây".
Một góc Mũi Né nhìn từ trên khinh khí cầu. Ảnh: TTXVN
|
Câu chuyện của anh có nhiều điểm giống với câu chuyện của Andrei Krasovsky, một người Nga đến từ Moskva. Andrei Krasovsky đã thuê một mảnh đất nhìn ra biển để kinh doanh nhà hàng thủy sản có tên gọi "Đã gặp". Nhà hàng của anh hiện có thể đón tiếp 80 thực khách. Anh cho biết những ngày đầu vô cùng khó khăn khi vùng đất này chẳng có gì ngoài những ngư dân niềm nở và… rắn. Cùng với vợ là người Việt Nam, anh đã chăm chỉ làm việc và thật may mắn cho vợ chồng anh khi hai khách sạn đã được xây cất rất nhanh ngay đối diện với nhà hàng của anh, đã mang đến cho anh cơ hội mở rộng kinh doanh.
Ông Steve Raymond, người quản lý Pandanus Resort Phan Thiết cho biết những du khách Nga đầu tiên đến Mũi Né và Phan Thiết là những thanh niên khát khao tìm hiểu những điều mới lạ. Tuy nhiên, sau đó không lâu, khi các điểm du lịch ở Tuynidi và Ai Cập trở nên không an toàn đối với du khách, dòng khách Nga bắt đầu đổ vào các bãi biển miền Trung Việt Nam. Pegas Touristik là hãng lữ hành đầu tiên đã quyết định chuyển hướng các chuyến bay thương mại và chở khách Nga đến Việt Nam. Sáu tháng trong năm, hãng đảm bảo tần suất 4 chuyến bay/ngày đến sân bay Cam Ranh, nằm cách bãi biển Nha Trang khoảng 30 km. Trên thực tế, số du khách Nga tại Việt Nam không ngừng tăng lên trong những năm qua: 102.000 du khách năm 2011, 172.000 năm 2012 và 250.000 năm 2013.
Bài báo viết: "Để có thể tiếp đón được lượng khách lớn như vậy, 250 khách sạn đã được xây dựng tại Nha Trang, 139 tại Phan Thiết và Mũi Né, trải dài trên bờ biển dài 15 km. Những khách sạn cao cấp như Pandanus, Terracotta Resort, Swiss Village, Malibu, Great Coconut, Ocean Stars… đều có bể bơi nằm sát bờ biển, đầm sen nhân tạo, nhà gỗ có mái hiên rộng sơn màu cam, cùng gam với màu của các đồi cát. Tại khách sạn Pandanus, hàng tối đều có suất diễn của một ban nhạc gia đình người Philippines trên sân khấu nổi của hồ bơi, phục vụ các du khách ngà ngà say. Một kỳ nghỉ 12 ngày có giá dao động trong khoảng 1.000-1.200 USD (tương đương 730-875 euro)".
Ông Erik Heymans - một người Bỉ xứ Flamand, là chủ 3 nhà nghỉ "Mũi Né Hills" cho biết ông chọn một hướng làm khác. Vào năm 2010, ông đã quyết định lùi sâu vào con đường trải nhựa, xây các nhà nghỉ nằm cách bãi biển khoảng 200m, gần nhà những người dân làm nghề chài lưới và kinh doanh với mức giá bình dân: 25 USD/ngày.
Theo ông, hình thức kinh doanh này rất hút khách vì tiện nghi đảm bảo đồng thời du khách có thể tự tổ chức chuyến đi cho mình bằng cách thuê một chiếc xe môtô với giá 10 USD/ngày, để tự khám phá và tiếp xúc với người bản địa. Ông cho biết với việc hướng tới đối tượng khách hàng này, nhà nghỉ của ông phục vụ quanh năm trong khi các khách sạn thường đóng cửa 3 tháng/năm.
Những câu chuyện về người nước ngoài đến lập nghiệp tại vùng đất này cho thấy dòng du khách Nga đến nghỉ dưỡng tại Mũi Né và Nha Trang không chỉ mang đến cơ hội kinh doanh cho người dân địa phương mà còn cho cả nhiều người nước ngoài, trong đó chủ yếu là người Nga. Thực vậy, vào thời điểm hiện tại, 400 kiều dân Nga đang sinh sống và làm ăn tại các bãi biển ở đây.
Bên cạnh các thế mạnh, bài báo cũng cho biết một số nhược điểm cần khắc phục như tình trạng lộn xộn trong kinh doanh, giá cả hàng hóa tại các cửa hiệu hoặc siêu thị nhỏ tại đây thường đắt hơn các nơi khác khoảng 30%. Ngoài ra, khó khăn trong việc giao tiếp giữa người bản địa và du khách đôi khi dẫn đến hiểu lầm. Nhằm giảm thiểu những chuyện hiểu lầm đáng tiếc, trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang đã mời các giảng viên người Nga công tác tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội về đào tạo tiếng Nga cho 82 học viên là các hướng dẫn viên du lịch người địa phương.
Theo tác giả Jordan Puoille, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có chiến lược tăng đầu tư vào xây dựng và cải tạo cơ sở hạ tầng đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ tại đây nhằm thu hút nhiều hơn du khách quốc tế. Bài báo kết luận: "Thông qua việc nâng cấp các khu nghỉ dưỡng, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận 1 triệu du khách Nga mỗi năm".
(Theo Báo Tin tức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.