Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đồng thời cho rằng: “Chúng tôi lo ngại là Kuala Lumpur không đủ năng lực xử lý thông tin một cách hiệu quả. Nếu vậy, liệu họ có cân nhắc việc để Trung Quốc cùng tham gia nghiên cứu các thông tin chưa qua xử lý không?”.
Do việc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích cho đến nay chưa đạt kết quả và cũng do những thông tin nhiễu loạn cho nên chính quyền Malaysia bị báo chí và các mạng xã hội ở nước này chỉ trích ngày càng nặng nề.
Malaysian Insider, một trong những cổng thông tin quan trọng nhất của Malaysia, cũng cho biết: “Người dân Malaysia bắt đầu mất kiên nhẫn và bực tức trướng những thông tin trái ngược nhau về lai lịch của một số hành khách và về vị trí cuối cùng được biết của máy bay".
Riêng với Trung Quốc, quốc gia có đến 153 công dân thiệt mạng, Người Phát ngôn của Bộ Ngoại giao nước này chỉ trích phía Malaysia đã đưa ra những thông tin khá là hỗn loạn.
Trong khi đó, BBC đưa tin, trong cuộc họp báo chiều 12.3, một phóng viên đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Giao thông Malaysia như sau: "Ngày càng có nhiều chỉ trích là các ông tìm kiếm ở phía Đông, rồi sang tìm phía Tây, có vẻ như là các ông không biết tới các dữ liệu radar cho đến tận lúc này, năm ngày sau khi máy bay bị mất tích. Tôi muốn hỏi có phải đang có sự khó hiểu?".
Ông Hishammuddin Hussein trả lời: "Tôi không nghĩ thế. Tôi còn nghĩ khác hẳn là nó chỉ khó hiểu khi người ta muốn coi nó là khó hiểu. Ngay từ đầu chúng tôi đã nói rất rõ ràng và chắc chắn rằng có hai khu vực và chúng tôi đã tìm kiếm hai khu vực này...".
Phóng viên hỏi tiếp: "Có đúng là hiện nay các ông đã mở rộng khu vực tìm kiếm và nhờ Ấn Độ giúp đỡ?”. Ông Hishammuddin Hussein trả lời: "Ấn Độ tham gia vào chiến dịch tìm kiếm đa quốc gia, và tôi nghĩ là điều này đáng được khen ngợi. Đây không phải là một chiến dịch nhỏ bé và cho tới khi nào tìm ra được chiếc máy bay, chúng tôi sẵn sàng làm bất kỳ điều gì có thể”.
Tổng tham mưu trưởng Quân đội Malaysia Zulkifeli Mohd Zin phát biểu tại cuộc họp báo ngày 12.3.
Tổng tham mưu trưởng Quân đội Malaysia Zulkifeli Mohd Zin cũng cho biết trong buổi họp báo chiều 12.2 tại Kuala Lumpur rằng, vị trí cuối cùng của chiếc máy bay trên radar quân đội không phải là kết quả từ hoạt động theo dõi trực tiếp. Ông cho biết ông đã chỉ đạo tìm lại các dữ liệu được radar quân đội lưu lại trong ngày 8.3 sau khi mất liên lạc với chuyến bay MH370.
Ông Zulkifeli Mohd Zin cũng cho biết thêm, quân đội Malaysia chưa thể chắc chắn vật thể mà radar của họ phát hiện ra là chiếc bay bị mất tích.
Nội dung liên lạc cuối cùng nhận được từ phi cơ MH370 cho thấy mọi thứ trên máy bay đều diễn ra bình thường chỉ ít phút trước khi máy bay mất tích trên Biển Đông. Chiếc MH370 đã trả lời "Được rồi, đã nghe rõ" đối với tin nhắn qua vô tuyến điện của trạm kiểm soát không lưu, giới chức nói.
Việc tìm kiếm hiện nay đã được mở rộng ra vùng biển ở cả hai bên bán đảo Malaysia.
Trong một diễn biến khác, ngày 12.3, các quan chức Mỹ cho biết vệ tinh do thám của nước này đã không phát hiện bất cứ tín hiệu nào về một vụ nổ giữa không trung vào thời điểm máy bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu.
Việc thiếu bằng chứng về một vụ nổ giữa không trung càng khiến số phận của chuyến bay MH370 trở nên bí ẩn. Hiện cuộc tìm kiếm máy bay mất tích của Malaysia đã trải rộng trên một diện tích 90.000 km2.
Hạ Anh (tổng hợp) (Hạ Anh (tổng hợp))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.