Lợi thuốc, lợi công
Chúng tôi đến thăm ruộng bắp BĐG của ông Huỳnh Văn Huệ ở ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Hòa, huyện Tân Châu (An Giang) khi bắp vừa đủ 90 ngày. Bên cạnh ruộng bắp BĐG là ruộng đối chứng giống bắp lai thông thường, cả hai đều đã sẵn sàng cho thu hoạch.
Nông dân Huỳnh Văn Huệ (trái) so sánh ưu điểm của bắp giống BĐG. Ảnh: Khải Huyền
Chia sẻ về những điểm khác biệt của giống bắp BĐG và bắp lai thông thường, ông Huệ cho biết, nếu bắp lai ông phải phun từ 4 - 5 cữ thuốc trừ sâu và vài cữ thuốc trừ cỏ cho mỗi vụ bắp, kéo dài khoảng hơn 3 tháng, còn đối với bắp BĐG, ông Huệ hoàn toàn không phải phun thuốc trừ sâu và chỉ cần 1 lần phun thuốc cỏ nhưng vẫn kiểm soát được đến 95% cỏ dại trên ruộng. Trong khi đó, đối với bắp lai, dù phun thuốc nhiều lần nhưng tỷ lệ cây bị sâu phá hại vẫn chiếm 40 -50% nếu xử lý không tốt.
Tại ấp Tân Bình Hạ, xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, gần 100 nông dân trong vùng cũng đang tới xem kết quả thu hoạch ruộng bắp BĐG của ông Nguyễn Văn Minh. Đây là vụ bắp đầu tiên ông Minh trồng bắp BĐG giống NK66bt/GT của của Công ty Syngenta Việt Nam, bên cạnh là ruộng đối chứng giống bắp lai thông thường.
“Lúc đầu nghe giới thiệu về giống bắp BĐG, tôi cũng sợ, với lại không tin là nó kháng sâu, kháng cỏ. Cuối cùng, tôi cũng đánh liều làm thử. Nếu như trước đây thời gian phun thuốc cho mỗi công bắp phải tốn từ 4 – 5 tiếng đồng hồ, có khi cả hai buổi sáng do gặp gió, phải ngừng giữa chừng, với bắp BĐG, chỉ cần 15 – 20 phút là xử lý xong cỏ dại” - ông Minh cho biết.
Ông Tôn Hồng Tân – Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Tân Châu (tỉnh An Giang) phân tích, bên cạnh cái lợi về chi phí thuốc cỏ, thuốc sâu, giống bắp BĐG có đặc điểm chịu được thuốc trừ cỏ gốc glyphosate nên khi phun, nông dân có thể phun trùm lên cây bắp thay vì phải che chắn cho cây như trước đây. Hơn nữa, đối với bắp lai thông thường, sâu đục thân phá hoại liên tục nên ở thời điểm khi cây cao lớn, nông dân phun thuốc phải phun lên cao, thuốc rơi vào người, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Năng suất trội hơn bắp lai
" Nếu giá thu mua bắp tươi ở mức dưới 5.000 đồng/kg như hiện nay, lợi nhuận thu lại từ việc trồng bắp vẫn chưa cao hơn so với việc trồng lúa. Hơn nữa, giá giống bắp BĐG hiện cao gấp đôi so với giống bắp lai nên số tiền tiết kiệm được từ việc phun thuốc sẽ chỉ đủ bù vào phần chênh lệch giá giống. Nông dân mong muốn có giá bắp giống BĐG hợp lý hơn để đảm bảo lợi nhuận khi canh tác”.
Ông Lê Văn Chấn – Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Đồng Tháp
|
Để so sánh hiệu quả kinh tế giữa hai dòng bắp lai và bắp BĐG, ông Huỳnh Văn Huệ cùng nông dân trong vùng đã thực hiện thu hoạch, tách hạt, cân đo và nhờ các lái bắp định giá thu mua bắp BĐG và bắp lai thông thường ngay tại ruộng.
Theo đó, trên diện tích 14m2, ông Huệ thu được 20,4kg bắp BĐG đã tách hạt và 13,1kg bắp lai. Tính ra, năng suất giống bắp BĐG vụ hè thu này có thể đạt đến 14,6 tấn bắp tươi/ha trong khi bắp lai thông thường chỉ đạt khoảng 9,4 tấn bắp tươi.
Ông Lê Văn Tài, thương lái có hơn 15 năm thu mua bắp tại các tỉnh vùng ĐBSCL đánh giá, dù thu hoạch cùng thời điểm nhưng bắp BĐG có ẩm độ thấp hơn, hạt lại bóng mẩy nên ông quyết định thu mua với mức giá 3.800 đồng/kg, cao hơn 100 đồng/kg so với bắp lai. Tính ra, nông dân trồng bắp BĐG có thể thu lợi nhuận cao hơn bắp lai từ 20 – 22 triệu đồng/ha.
Còn tại ruộng của ông Nguyễn Văn Minh, năng suất bắp tươi giống BĐG đạt 1,4 tấn/công (1.000m2), trong khi năng suất bắp lai thông thường chỉ đạt 1 tấn/công. Với giá bắp đạt 4.000 đồng/kg thu mua tại ruộng, lợi nhuận chênh lệch nhờ bắp BĐG đạt xấp xỉ 1,7 triệu đồng/công.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.