Sau khi Việt Nam cho thương mại hóa 3 giống ngô biến đổi gen, nhiều ý kiến lo ngại rằng ngô biến đổi gen (BĐG) có thể thụ phấn chéo với các giống ngô lai thông thường và làm mất gen ngô gốc của Việt Nam.
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, PGS. TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp khẳng định: Chúng ta đã lường trước được điều này và đã có biện pháp để bảo tồn giống ngô gốc.
Ngô biến đổi gen được trồng thử nghiệm ở Việt Nam
“Người ta biết rằng, trong bán kính 200m phần lớn hạt giống ngô rơi xuống đó. Vì thế trong bán kính này từ ruộng ngô biến đổi gen người ta không trồng những giống phải bảo tồn. Đặc biệt những vùng bảo tồn giống ngô người ta không trồng ngô biến đổi gen nên hoàn toàn không có chuyện lẫn như thế,” PGS. TS Lê Huy Hàm nhấn mạnh.
Ông cũng khẳng định rằng đã có quy hoạch vùng trồng ngô BĐG. Từ kinh nghiệm sản xuất ngô lai cho thấy: Tại vùng sản xuất giống ngô lai, hạt phấn của cây bố phải rơi vào bắp của cây mẹ mới ra được hạt lai. Vì thế trong vòng bán kính 200m sẽ không được có cây ngô nào khác nếu không nó sẽ bị lẫn. Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng trong bán kính 200m cách ly thì không có chuyện mất giống.
Trước lo ngại rằng người nông dân ở khu vực không được quy hoạch trồng ngô BĐG muốn có năng suất cao nên họ mua giống về để trồng, PGS. TS Lê Huy Hàm khẳng định: “Nhiệm vụ giữ giống phần lớn là do các viện, các trường đảm bảo. Các viện các trường sẽ giúp chúng ta làm việc này. Vai trò giữ giống không phải của người nông dân.”
Để làm chủ công nghệ, trong thời gian qua Bộ NN&PTNT và Bộ KHCN đã đầu tư những dự án tạo cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam. Các nhà khoa học đang cố gắng để có thể tiến tới làm chủ và tạo ra được cây trồng biến đổi gen của Việt Nam, tập trung vào nghiên cứu ra các cây trồng BĐG có đặc tính chịu hạn, chịu mặn, kháng sâu,…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.