Bất cập quỹ đất nhà ở xã hội 20% trong dự án nhà ở thương mại

Trần Kháng Thứ ba, ngày 04/12/2018 07:30 AM (GMT+7)
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có báo Bộ Xây dựng về số liệu nhà ở xã hội tại khu vực đô thị. Trong đó, Hà Nội nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư phát triển loại nhà ở này.
Bình luận 0

Theo UBND TP Hà Nội mục tiêu phát triển nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp đến năm 2020 khoảng hơn 4,6 triệu m2 sàn. Tuy nhiên theo UBND TP, đối với việc phát triển nhà ở xã hội nói chung còn tồn tại do một số nguyên nhân, vướng mắc như việc bố trí quỹ đất.

Cụ thể, thực tế, khi phát triển nhà ở xã hội tại các ô đất thuộc quỹ 20% đất ở các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn Thành phố phát sinh nhiều bất cập như quy định hiện hành chưa có quy định tỷ lệ % đất ở dành để phát triển nhà xã hội khi lập, thẩm duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chung… Do đó, thiếu tính chủ động khi bố trí quỹ đất, đề xuất dự án xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu theo đúng chương trình, kế hoạch đặt ra. 

img

Ảnh minh họa.

Hơn nữa, việc triển khai xây dựng nhà ở nhà xã hội tại quỹ đất 20% phụ thuộc vào công tác giải phóng mặt bằng, kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại nên tiến độ thường chậm; tăng áp lực về dân số tại các khu đô thị nội thành.

Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng chỉ ra bất cập trong quản lý vận hành, nhất là thu phí dịch vụ tiện ích xã hội giữa khu nhà ở thương mại và khu nhà ở xã hội của cùng một khu đô thị do cùng một nhà đầu tư thực hiện.

Đặc biệt, theo UBND TP Hà Nội, do không thu tiền sử dụng đất nên một số dự án nhà ở xã hội tại các vị trí đất có giá trị cao, có lợi thế thương mại, khi bán nhà khống chế giá bán nên đã phát sinh phức tạp, có tình trạng mua đi bán lại trái quy định.

Một số dự án đã đủ điều kiện mua nhà nhưng chưa có người mua nhà do các dự án nằm tại các khu vực xa trung tâm, chưa đầy đủ hệ thống dịch vụ công cộng và chưa thuận tiện về kết nối hạ tầng với trung tâm thành phố.

Cũng theo UBND TP Hà Nội, theo quy hoạch được duyệt, một số dự phát triển nhà ở chỉ được quy hoạch xây dựng nhà ở thấp tầng, việc sử dụng nhà vườn, nhà biệt thự làm nhà ở xã hội là không phù hợp. Quy mô dự án nhà ở xã hội tại các quỹ đất 20% thường nhỏ, chưa đáp ứng chỉ tiêu phát triển nhà ở xa hội theo chương trình quy hoạch của TP.

Liên quan vấn đề về vốn, lãnh đạo Hà Nội cho biết, việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án nhà ở xã hội chủ yếu bằng ngân sách nhà nước nên gặp khó khăn về nguồn vốn.

Bên cạnh những khó khăn về bố trí quỹ đất, UBND TP Hà Nội cũng chỉ ra nhiều bất cập về quản lý nhà ở xã hội. Trong đó, các dự án nhà ở xã hội do không thu tiền sử dụng đất nên tại một số dự án có lợi thế về vị trí, thương mại cao, giá lại thấp hơn nhà thương mại cùng khu vực nên dẫn đến khó khăn trong việc quản lý đối tượng được hỗ trợ nhà ở xã hội.

Hiện nay, việc xác định đối tượng được hưởng hỗ trợ nhà ở xã hội thông qua tiền lương, thực trạng nhà đất ở mà chưa kiểm soát được thông qua tài sản của đối tượng nên khó kiểm soát. Khi mua nhà đúng đối tượng nhưng sau khi mua được nhà thì kinh tế gia đình thay đổi có thể mua đất, nhà tại nơi khác.

Việc xác nhận giấy tờ chứng minh đối tượng và điều kiện để hưởng chính sách hỗ tợ về nhà ở xã hội còn nhiều bất cập, nhất là việc xác định về thực trạng nhà ở của chính quyền cấp xã, theo quy định.  

Trước hàng loạt những vướng mắc trên, Hà Nội cũng cho biết sẽ tiếp tục rà soát quỹ đất 20% theo quy định trước đây của UBND TP để phát triển nhà ở xã hội.

UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng quy định bổ sung trách nhiệm phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án nhà ở thương mại đã được giao chủ đầu tư trước thời điểm Nghị định 100/2015 của Chính phủ có hiệu lực nhưng đến nay chậm triển khai.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn, quy định bổ sung một số nội dung chưa rõ: dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê. Tuy nhiên thực tế có dự án không có hoặc có rất ít đối tượng thuê nhà ở xã hội nên gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc thu hồi vốn.

“Việc dành quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội đối với các khu nghỉ dưỡng resort, các dự án nhà ở thương mại chỉ có nhà ở thấp tầng khu vựcc đô thị… do không phù hợp với quy hoạch để xây dựng chung cư nhà ở xã hội”, báo cáo UBND TP cho biết.

Đáng chú ý, nghiên cứu các mô hình đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù, ví dụ phát triển mô hình liên kết đầu tư giữa doanh nghiệp và đối tượng thu nhập thấp. Theo đó doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư ban đầu, hưởng lợi nhuận định mức, người dân ký hợp đồng với doanh nghiệp góp vốn và chỉ định chủ đầu tư.

Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách đầu tư ưu đãi đặc thù theo mô hình đối tác công – tư (PPP), đồng thời tạo cơ chế hỗ trợ đầu tư từ Trung ương và nguồn vốn của Thành phố để phát triển nhà ở xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem