Đây là đề án được doanh nghiệp, giới chuyên môn đánh giá là hoàn toàn có lợi cho hành khách, doanh nghiệp cũng như ngân sách của TP.
Thực hiện ở 10 tuyến
Trong quyết định phê duyệt đề án “Thí điểm quảng cáo xe buýt trên địa bàn TP.HCM” vừa được ban hành, UBND TP nêu rõ: Trước mắt sẽ thực hiện thí điểm trên 10 tuyến xe buýt phổ thông có trợ giá. Cụ thể là Bến Thành - Bến xe Chợ Lớn (tuyến số 1), Bến Thành - Đầm Sen (tuyến số 11), Công viên 23/9 - Âu Cơ - Bến xe An Sương (tuyến số 27), Công viên 23/9 - chợ Xuân Thới Thượng (tuyến số 28), khu dân cư Tân Quy - khu dân cư Bình Lợi (tuyến số 31), Bến Thành - Thới An (tuyến số 36), Bến Thành - Võ Văn Kiệt - Bến xe Miền Tây (tuyến số 39), Bến xe quận 8 - Bến Thành - Bến xe Miền Đông (tuyến số 45), Công viên 23/9 - Khu Công nghiệp Tân Bình (tuyến số 69), Bến Thành - Đại học Tôn Đức Thắng (tuyến số 86). Thời gian thí điểm là 1 năm.
Từ lâu, xe buýt của Đồng Nai đã “hái ra tiền” từ việc cho phép quảng cáo Ảnh: Hoàng Triều
Theo đó, vị trí quảng cáo là trên bề mặt của 2 bên vỏ thân xe buýt, kể cả phần cửa xe và kính xe (trừ phần vị trí sử dụng để thông tin nhận diện xe buýt, không thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của xe buýt).
Trong khi đó, xe buýt của TP.HCM thì trống trơn Ảnh: Hoàng Triều
Diện tích sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi bề mặt của vỏ thân xe buýt. Chất liệu decal quảng cáo phải bảo đảm chất lượng về độ bền, không chịu ảnh hưởng bởi thời tiết, bồi dán không bị nhăn, không ảnh hưởng đến chất lượng của thành xe và mặt kính của xe; phải bảo đảm có thể nhìn xuyên được qua kính xe, không che khuất tầm quan sát của hành khách ở bên trong xe; được cơ quan, đơn vị có chức năng kiểm định, chứng nhận vật liệu không gây ảnh hưởng đến hành khách khi phá hủy kính xe, bảo đảm khả năng thoát hiểm, không gây mất an toàn cho hành khách trong trường hợp có sự cố xảy ra.
Sản phẩm quảng cáo là danh mục sản phẩm hoặc loại hình dịch vụ được khuyến khích quảng cáo. UBND TP khuyến khích quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ sản xuất trong nước hoặc cung cấp tại TP như các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; các sản phẩm thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu (điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí - chế tạo, hóa dược, chế biến tinh lương thực - thực phẩm); sản phẩm sản xuất thay thế hàng nhập khẩu và sản phẩm phục vụ chương trình bình ổn thị trường... Màu sắc quảng cáo không phát sáng, không sử dụng đèn hoặc các chất liệu phát sáng khác.
Quá nhiều mối lợi
Theo UBND TP, việc quảng cáo trên xe buýt là nhằm tăng nguồn thu, giảm bớt kinh phí trợ giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt từ ngân sách TP; đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá các mặt hàng, sản phẩm chất lượng cao được sản xuất trong nước.
Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Xe buýt TP.HCM, cho rằng đề án thực hiện sẽ góp phần vào việc giảm chi ngân sách cho hoạt động xe buýt. “Doanh nghiệp chúng tôi, mà cụ thể là hơn 600 nhà xe, hoàn toàn ủng hộ đề án này” - ông Hải nói.
Tuy nhiên, theo ông Hải, để đề án đạt hiệu quả tối đa, TP cũng cần mở rộng tối đa các tuyến chứ không nên hạn chế ở 10 tuyến thí điểm. “Càng nhiều tuyến được quảng cáo thì nguồn thu càng nhiều, ngân sách bớt gánh nặng” - ông Hải nhấn mạnh.
TS Nguyễn Hữu Nguyên (chuyên gia kinh tế đô thị - cán bộ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Chính sách quốc gia Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM) cho rằng thông qua hiệu quả quảng cáo trên từng tuyến xe buýt còn có thể giúp cơ quan quản lý thấy rõ được tuyến nào hoạt động hiệu quả, tuyến nào không hiệu quả để điều chỉnh cho phù hợp. “Quá nhiều mối lợi như vậy mà đến bây giờ vẫn còn thí điểm thì bất lợi vô cùng” - ông Nguyên đánh giá.
Làm sao để minh bạch?
Việc cho thí điểm quảng cáo trên xe buýt ở TP.HCM rõ ràng được doanh nghiệp, giới chuyên môn ủng hộ nhưng cũng không ít người lo ngại làm sao để tránh thất thoát khi thực hiện.
Liên quan đến sự lo ngại trên, để bảo đảm khai thác tốt việc quảng cáo trên xe buýt, trong đề án UBND TP cũng nêu rõ: Việc quảng cáo trên xe buýt sẽ thông qua đấu giá. Phương án đấu giá cho thuê quảng cáo trên thân xe buýt là 3 gói đấu giá tương ứng với 3 nhóm xe (B40, B55-B60 và B80); thời gian hợp đồng quảng cáo là 1 năm.
Đơn vị tham gia đấu giá quảng cáo trên thân xe buýt phải có chức năng về quảng cáo, kinh nghiệm, kỹ thuật và khả năng tài chính theo quy định hiện hành. Các công ty quảng cáo phải phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và đơn vị vận tải xây dựng kế hoạch tổ chức thi công, tổ chức bảo dưỡng, sửa chữa liên quan đến công tác quảng cáo bên ngoài xe, bảo đảm phương tiện luôn được sạch sẽ, thẩm mỹ, góp phần xây dựng hình ảnh xe buýt hiện đại, văn minh; tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến chất lượng và hoạt động của xe buýt. Toàn bộ kinh phí trong việc thực hiện tổ chức quảng cáo, tuyên truyền quảng bá, phục vụ các đợt cổ động chính trị và vệ sinh thân xe buýt do đơn vị quảng cáo được chọn đảm nhận.
Riêng các đơn vị vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (chủ sở hữu xe) sẽ ký giấy ủy quyền cho cơ quan trực tiếp thực hiện đề án để đấu giá; đồng thời lựa chọn, ưu tiên bố trí loại xe buýt bảo đảm chất lượng về vận hành, khí thải; được trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ người khuyết tật (nếu có) để đảm nhận trên các tuyến thí điểm quảng cáo. Lực lượng tài xế, tiếp viên hoạt động trên xe buýt phải được đào tạo, trang bị đầy đủ kiến thức về nghiệp vụ, có đạo đức, thái đội vui vẻ, hòa nhã trong công việc.
Để đẩy nhanh đề án thí điểm, UBND TP đã giao giám đốc Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện. Đồng thời, Sở GTVT cũng là đơn vị tổ chức phân tích, đánh giá kết quả thực hiện từ thực tiễn, các ý kiến góp ý và phản biện của người dân trong thời gian thực hiện thí điểm để đề xuất, trình UBND TP xem xét điều chỉnh, hoàn thiện đề án với các nội dung cụ thể, chặt chẽ và khả thi, bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật và đặc thù của TP, tiến tới triển khai mở rộng trên tất cả tuyến xe buýt còn lại.
Theo UBND TP, nguồn thu từ quảng cáo trên thân xe buýt sau khi trừ các chi phí quảng cáo (tư vấn thẩm định giá, tư vấn đấu giá) được nộp vào ngân sách TP.
Đánh giá về cách thức tổ chức thực hiện, TS Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng để việc khai thác quảng cáo đạt hiệu quả cao nhất, TP phải tham khảo mức giá quảng cáo trên xe buýt của các địa phương đã từng áp dụng như Hà Nội hoặc Đồng Nai. Kế đến, TP cũng cần dựa vào thống kê số lượng hành khách trên từng tuyến, lộ trình mà nó đi qua để đưa ra giá sàn cho từng tuyến cũng như đưa ra sản phẩm quảng cáo sao cho phù hợp.
Giá bao nhiêu là hợp lý?
Theo tìm hiểu, hiện quảng cáo trên thân xe buýt ở Hà Nội, tùy theo tuyến, loại xe mà có giá từ 37-45 triệu đồng/xe/năm.
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, chưa biết con số cụ thể nhưng chắc chắn giá ở TP.HCM sẽ cao hơn.
Ông Phùng Đăng Hải còn chia sẻ thêm, ngoài quảng cáo trên xe buýt, TP cũng nên triệt để khai thác quảng cáo ở các nhà chờ, trạm dừng xe buýt. “Thêm nguồn tiền này nữa thì ngân sách sẽ đỡ đi gánh nặng rất nhiều” - ông Hải nói.
|
“Làm từ lâu rồi mới phải”
Ông Lê Trung Cường (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM), nguyên cán bộ ngành đường sắt, cho biết trong một số kỳ họp của HĐND TP, ông nghe các đại biểu chất vấn vấn đề quảng cáo trên xe buýt. “Nghe các đại biểu khẳng định nếu làm trên diện rộng thì ngân sách nhà nước thu được mỗi năm cả trăm tỉ đồng mà tôi lại thấy xót” - ông Cường nói. Theo ông Cường, khi nghe được thông tin giờ UBND TP mới phê duyệt đề án thí điểm quảng cáo trên xe buýt thì ông rất mừng nhưng cũng khá tiếc vì đáng ra việc này làm từ lâu rồi mới phải.
|
Phan Anh (Người Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.