Bất động sản công nghiệp là điểm sáng trong làn sóng chuyển dịch
Cơ hội đầu tư bất động sản 2025: Phân khúc công nghiệp là điểm sáng trong làn sóng chuyển dịch
Phương Thảo
Thứ ba, ngày 03/12/2024 10:40 AM (GMT+7)
Bất động sản công nghiệp đang nổi lên như một phân khúc hấp dẫn trong những năm gần đây, đặc biệt khi Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến của các doanh nghiệp sản xuất toàn cầu.
Trong báo cáo của LPBS, công ty chứng khoán này cho rằng phân khúc bất động sản công nghiệp đang chuyển mình đón sóng. Các yếu tố trọng yếu giúp Việt Nam tiếp tục thu hút FDI trong thời gian tới đầu tiên là hiệu ứng Trung Quốc +1: Các doanh nghiệp đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất từ các quốc gia khác sang Việt Nam để tận dụng các lợi thế về chi phí và môi trường kinh doanh.
Hai là cơ sở hạ tầng đang được đầu tư mạnh mẽ giúp nâng cao giá trị khu công nghiệp và cuối cùng là từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã và đang triển khai nhiều ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và các biện pháp khác để khuyến khích thu hút FDI.
Bất động sản công nghiệp 2025: Chuyển mình đón sóng
PGS. TS Ngô Thị Phương Thảo, Trưởng khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Việt Nam đang hưởng lợi từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp đa quốc gia đang tìm kiếm những thị trường thay thế Trung Quốc để đa dạng hóa rủi ro, và Việt Nam với chi phí nhân công cạnh tranh, vị trí địa lý thuận lợi, cùng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, là điểm sáng nổi bật.
Thống kê cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,26 tỷ USD. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,23 tỷ USD, chiếm gần 19,2% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp 2,38 lần cùng kỳ.
Đặc biệt, vốn FDI tập trung nhiều tại Bắc Ninh, TP. HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Giang, Ninh Thuận. Các tỉnh này đã chiếm 79,9% số dự án mới và 70,9% số vốn đầu tư của cả nước.
Bà Thảo cũng cho rằng, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam không chỉ mang lại nhu cầu thuê đất công nghiệp mà còn thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ như nhà xưởng xây sẵn, trung tâm logistics, và nhà ở cho công nhân. Điều này mở ra nhiều cơ hội đầu tư đa dạng, từ phát triển cơ sở hạ tầng đến cung cấp các dịch vụ liên quan.
Chẳng hạn như với sản phẩm nhà xưởng xây sẵn, nhu cầu này tiếp tục tăng do các doanh nghiệp nước ngoài thường muốn giảm chi phí ban đầu và rút ngắn thời gian triển khai sản xuất. Các dự án nhà xưởng thông minh với công nghệ tiên tiến sẽ đặc biệt thu hút trong bối cảnh xu hướng chuyển đổi số.
Các khu vực tiềm năng như Bình Dương, Đồng Nai và Bắc Giang đang chứng kiến nhiều dự án nhà xưởng xây sẵn được triển khai. Đây cũng là lựa chọn tốt cho các nhà đầu tư cá nhân có vốn trung bình..
Bất động sản công nghiệp nhập vào "đường đua" phát triển năm 2025
Nhận định của Bộ Xây dựng trong báo cáo quý 3/2024 cũng cho thấy, nhu cầu về bất động sản công nghiệp trên thị trường có xu hướng tăng lên, lượng tiêu thụ tăng đều theo quý và dự báo còn tăng mạnh trong những tháng cuối năm và 2025.
Trong đó, giao dịch bất động sản công nghiệp phát sinh chủ yếu ở nhóm sản phẩm có sự kết nối hạ tầng giao thông hoàn thiện, pháp lý an toàn và có động lực tăng trưởng bền vững, tập trung ở các tỉnh phía Bắc có lợi thế về công nghiệp, đón dòng vốn FDI lớn như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng… và tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế, cho rằng đầu tư vào đất công nghiệp là lựa chọn tiềm năng cho các nhà đầu tư dài hạn. Giá thuê đất công nghiệp tại Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia, nhưng tốc độ tăng giá trung bình hàng năm đạt từ 8 - 10%.
Đầu tư vào cổ phiếu bất động sản công nghiệp là cách gián tiếp để tham gia vào làn sóng tăng trưởng này mà không cần vốn lớn như đầu tư trực tiếp.
TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ
Bên cạnh việc đầu tư trực tiếp, ông Nghĩa cũng chia sẻ rằng thị trường chứng khoán cũng mang đến cơ hội lớn. Các doanh nghiệp như Kinh Bắc (KBC), Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR), và Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (IDC),... là những cái tên nổi bật trong lĩnh vực này.
Theo chuyên gia, năm 2025 sẽ chứng kiến sự bùng nổ thực sự của bất động sản công nghiệp khi làn sóng dịch chuyển sản xuất sẽ dâng cao trở lại. Theo số liệu của Công ty Cushman & Wakefield (công ty cung cấp dịch vụ bất động sản toàn cầu), trong giai đoạn 2024 - 2027, Việt Nam dự kiến sẽ có thêm khoảng 15.200 ha đất công nghiệp và 6.000.000 m2 kho xưởng để đáp ứng kịp thời nhu cầu của các nhà đầu tư.
"Đầu tư vào bất động sản công nghiệp không chỉ là cơ hội sinh lời mà còn là cách để tham gia vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam," ông Nghĩa kết luận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.