Bất lực nhìn tôm chết

Thứ tư, ngày 02/06/2010 10:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh làm hàng nghìn ha tôm chết ở một số tỉnh miền Trung, nặng nhất là Thừa Thiên - Huế. Người nuôi tôm ở đây chưa bao giờ đối mặt với rủi ro lớn như thế.
Bình luận 0
img
Một lão nông ở Vĩnh Hưng vớt xác tôm.

Toàn xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc) có 270ha hồ tôm thì 100% diện tích đã bị chết vì dịch bệnh. “Tui thả nuôi 2ha, với 40 vạn con tôm giống, chỉ trong một tuần tôm chết sạch, 40 triệu đồng mất trắng”- ông Nguyễn Quốc, một hộ nuôi tôm ở đây, xót xa.

Ông Quốc cho biết, khi dịch bệnh bắt đầu tấn công các hồ tôm, gia đình ông chỉ được hỗ trợ một thùng hóa chất Chlorin không đủ để khống chế dịch. Muốn dập dịch đúng quy trình kỹ thuật, mỗi ha hồ nuôi cần 12 thùng Chlorin và 5 tấn vôi với kinh phí 8 triệu đồng, nhưng do không có kinh phí nên đành bất lực.

Tương tự, hàng loạt người nuôi tôm khác ở Vĩnh Hưng, Vinh Mỹ, Lộc Vĩnh, Lộc Bình (huyện Phú Lộc), Vinh Hà, Phú Xuân, Vinh Thanh, Vinh An, Vinh Xuân (huyện Phú Vang) và một số xã của huyện Quảng Điền, Hương Trà, cũng bất lực nhìn tôm chết.

Theo tổng hợp từ các địa phương ở Thừa Thiên - Huế, hiện toàn tỉnh đã có hơn 1.000ha tôm nuôi chết vì dịch bệnh. Hàng nghìn hộ nuôi tôm đã bị đẩy vào cảnh nợ nần ngập đầu, không còn khả năng tái sản xuất.

Ông Văn Công Trí - Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng cho biết, tôm chết đã khiến người dân trên địa bàn xã thiệt hại hơn 5 tỷ đồng. “Hiện tại các hộ nuôi tôm đã hoàn toàn kiệt sức. Nếu không có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền về vốn, con giống và đặc biệt là nếu không được xóa nợ thì họ không còn đường làm ăn”- ông Trí nói.

Theo ông Nguyễn Bắc - Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, xã có đến 80% hộ dân sống bằng nghề nuôi tôm, do liên tiếp bị dịch bệnh nên đến nay người dân đã nợ các ngân hàng hơn 50 tỷ đồng. Ông Bắc cho biết, người dân trên địa bàn rất mong ngành chức năng sớm nghiên cứu cách phòng trừ dịch bệnh hiệu quả để phát triển nuôi tôm an toàn. Đặc biệt, họ mong được khoanh nợ, giản nợ, xóa nợ và tiếp tục được cho vay vốn để tái sản xuất.

Bà Võ Thị Tuyết Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, tôm chết hàng loạt và không thể kiểm soát trên địa bàn tỉnh chủ yếu do bệnh đầu vàng và một số bệnh khác như đốm trắng, còi...

“Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người nuôi tôm về kinh phí dập dịch, con giống chất lượng... như đã hỗ trợ người chăn nuôi khi có dịch tai xanh”- bà Hồng đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem