Bất ngờ trước kiến trúc độc đáo bên trong lăng mộ cổ ở Hà Nội
Bất ngờ trước kiến trúc độc đáo bên trong lăng mộ cổ ở Hà Nội
Bích Thuận - Thảo Quyên
Thứ ba, ngày 28/06/2022 14:45 PM (GMT+7)
Tể tướng Nguyễn Công Thái (1684-1758) là một vị quận công đức cao vọng trọng nhưng lăng mộ của ông qua nhiều thời kỳ chỉ là mộ đất đơn sơ, khác hoàn toàn với nhiều lăng mộ quận công, vua chúa khác.
Clip lăng mộ cổ ở Hà Nội. Clip: Thảo Quyên- Bích Thuận
Tọa lạc tại cánh đồng Sở Sơn, thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, nơi đây là nơi an nghỉ của Tể tướng Nguyễn Công Thái. Ông là thầy của chúa Trịnh Sâm và là người có công đưa Trịnh Doanh lên ngôi chúa. Ông còn là nhà ngoại giao giành lại lãnh thổ đất nước rơi vào tay nhà Thanh.
Lăng mộ có diện tích khoảng hơn 500m2, đây là cánh ruộng rộng hàng trăm mẫu do chúa Trịnh ban cho Tể tướng Nguyễn Công Thái. Số ruộng này được ông đem chia cho dân 3 xã canh tác. Khi mất, để nhớ công ơn Tể tướng, mộ ngài được an táng tại đây, vào các ngày tuần tiết, dân trong vùng lại đến lễ bái, kính cẩn.
Lăng mộ Tể tướng được đặt theo hướng Tây Nam trông ra khu hồ nước, gồm: cổng, Am thờ, nhà Bia, Mộ phần và Am tưởng niệm.
Phía trước mộ là một am thờ nhỏ để tấm bia, bài vị để thờ tự. Bên cạnh bài vị là hai con hạc trầu được làm bằng đá đen. Biểu tượng cho sự thanh liêm, chính trực của Tể tướng Nguyễn Công Thái.
Bên phải khu lăng mộ đặt một bức tượng rùa cõng bia đá ghi lại công danh, công đức của cụ đối với đất nước lúc sinh thời.
Hai bên phần mộ của cụ là hai hàng 6 quan văn, võ, 3 voi, 4 ngựa. Tất cả những bức tượng đều được tạo tác bằng đá xanh vô cùng tinh xảo, sống động. Đây là những bức tượng được người dân, con cháu sau này dựng lên.
Phía sau phần mộ là Nam nhạc tượng trưng cho Tản Viên sơn. Là nơi thờ phụng những bậc thánh nhân của trời Nam, bên trên di tích có đề " Nam nhạc giáng trần."
Một số họa tiết hoa văn chạm khắc trong khu mộ
Tể tướng Nguyễn Công Thái là một vị quan thanh liêm, giản dị, trước lúc mất cụ căn dặn người nhà không được làm ma chay linh đình hay xây lăng mộ to lớn. Chính vì vậy, thay vì xây lăng tẩm xứng với danh "quận công" của mình phần mộ của ngài Tể tướng chỉ đắp đất đơn sơ hòa lẫn với phần mộ của người thân và người dân trong làng.
Với những công lao của ông và giá trị lịch sử của đền thờ và lăng mộ đem lại, ngày 14 tháng 03 năm 2008, Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội quyết định công nhận nhà thờ và lăng mộ Tể tướng Nguyễn Công Thái là di tích lịch sử - văn hóa.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.