Bất ngờ: Xuất khẩu một loại nông sản của Việt Nam sang Nhật Bản tăng tới 3.357,6%

P.V Thứ ba, ngày 16/05/2023 12:32 PM (GMT+7)
Do tồn kho tinh bột sắn tại Trung Quốc ở mức thấp nên phía khách hàng Trung Quốc cũng chấp nhận mua ở mức giá khá cao. Trong khi đó, xuất khẩu sắn sang Nhật Bản tăng đột biến.
Bình luận 0

Nhu cầu từ Trung Quốc tăng, giá sắn tăng cao

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, trong 10 ngày đầu tháng 5/2023, giá sắn tươi thu mua tại Tây Ninh dao động ở mức 3.400-3.600 đồng/kg; tại Đắk Lắk, giá sắn dao động ở mức 3.000- 3.050 đồng/kg; tại Gia Lai dao động ở mức 3.300-3.100 đồng/kg, ổn định so với cuối tháng 4/2023. Hiện nguồn hàng tồn kho tinh bột sắn rất ít, nên giá bán được đẩy tăng lên. 

Trong khi đó, tồn kho tinh bột sắn tại Trung Quốc ở mức thấp, nên phía khách hàng Trung Quốc cũng chấp nhận mua ở mức giá khá cao, cho dù đã vào mùa nắng nóng. Giá tinh bột sắn xuất khẩu tại Lạng Sơn và Móng Cái (Quảng Ninh) tiếp tục tăng. 

Các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá trong khoảng 535-555 USD/tấn, FOB cảng TP. Hồ Chí Minh, tăng 10 USD/tấn so với cuối tháng 4/2023. Giá tinh bột sắn giao tại Móng Cái và Lạng Sơn ở mức 3.750-3.950 CNY/ tấn, tăng 100-150 CNY/tấn so với cuối tháng 4/2023. 

Mặc dù giá ngô thế giới tháng 4/2023 giảm, ảnh hưởng đến giá mua sắn lát làm thức ăn chăn nuôi, nhưng nguồn hàng sắn lát tồn kho vụ 2022/23 ở mức thấp, nên các đơn vị kinh doanh mặt hàng này xuất bán ra không nhiều. 

Giá xuất khẩu sắt lát sang thị trường Trung Quốc khoảng 305 USD/tấn, FOB Quy Nhơn; trong khi, giá xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc khoảng 355 USD/tấn, FOB Quy Nhơn, ổn định so với cuối tháng 4/2023.

Bất ngờ: Xuất khẩu một loại nông sản của Việt Nam sang Nhật Bản tăng tới 3.357,6%  - Ảnh 1.

Do tồn kho tinh bột sắn tại Trung Quốc ở mức thấp nên phía khách hàng Trung Quốc cũng chấp nhận mua ở mức giá khá cao. Trong khi đó, xuất khẩu sắn sang Nhật Bản tăng đột biến. Ảnh: Báo Gia Lai.

Xuất khẩu sắn sang Nhật Bản tăng đột biến

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 4/2023, Việt Nam xuất khẩu được 189.820 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 76,03 triệu USD, giảm 30,8% về lượng và giảm 27,6% về trị giá so với tháng 3/2023; so với tháng 4/2022 giảm 19,5% về lượng và giảm 27,4% về trị giá, đây là tháng giảm thứ 2 liên tiếp so với cùng kỳ năm 2022. 

Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 400,6 USD/tấn, tăng 4,6% so với tháng 3/2023, nhưng giảm 9,9% so với tháng 4/2022. 

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,16 triệu tấn, trị giá 445,81 triệu USD, giảm 2,4% về lượng và giảm 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, Nhật Bản đang nổi lên là một thị trường tăng mạnh nhập khẩu sắn từ Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắn sang Nhật Bản đạt 2.280 tấn, trị giá 1,16 triệu USD, tăng tới 3.357,6% về lượng và tăng 1.742% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện, nguồn cung và giá của ngô, lúa mì đều bị ảnh hưởng bởi xung đột giữa Nga và Ukraine. Trong khi các nước phát triển chuyển sang sử dụng năng lượng sạch từ Ethanol, mà sắn là một trong những nguyên liệu quan trọng để tạo ra Ethanol. Do đó, nhu cầu về sắn trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Trong tháng 4/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 88,59% tổng lượng sắn xuất khẩu của cả nước với 168.150 tấn, trị giá 65,92 triệu USD, giảm 25,5% về lượng và giảm 21,5% về trị giá tháng 3/2023; So với tháng 4/2022 giảm 18,2% về lượng và giảm 27,7% về trị giá.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,05 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 397,37 triệu USD, giảm 3,3% về lượng và giảm 15,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 3 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc tiếp tục tăng, trong khi nhập khẩu tinh bột sắn giảm. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu hơn 2,5 triệu tấn sắn lát, trị giá 685,11 triệu USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 28,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thái Lan, Việt Nam và Lào là 3 thị trường cung cấp sắn lát cho Trung Quốc. 

Lượng sắn lát nhập khẩu của Trung Quốc từ Thái Lan và Việt Nam tăng, trong khi giảm từ Lào. Việt Nam là thị trường cung cấp sắn lát lớn thứ hai cho Trung Quốc. Trong 3 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam 299.000 tấn sắn lát, trị giá 80,64 triệu USD, tăng 20,3% về lượng và tăng 14,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. 

Thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 11,92% trong tổng lượng nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, thấp hơn so với mức 12,71% của 3 tháng đầu năm 2022. 

Đối với tinh bột sắn, trong 3 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 1,01 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 467,39 triệu USD, giảm 12,7% về lượng và giảm 23% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Indonesia. 

Đáng chú ý, lượng tinh bột sắn nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam, Lào, Campuchia tăng. Trong 3 tháng đầu năm 2023, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc, với 400.330 tấn, trị giá 177,71 triệu USD, tăng 12,1% về lượng, nhưng giảm 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 39,39%, tăng mạnh so với mức 30,67% của 3 tháng đầu năm 2022. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem