Mạnh tay đầu tư công nghệ
Dẫn đầu trong nhóm các DN phân bón “mạnh tay” đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất phân bón NPK trong giai đoạn 2018-2019 là một “ông lớn” ngành - Đạm Phú Mỹ.
Cụ thể, để đầu tư dây chuyền NPK công suất 250.000 tấn/năm theo công nghệ hóa học (công nghệ tiên tiến nhất hiện nay), Đạm Phú Mỹ đã chi khoản tiền lên tới 70 triệu USD.
Phân bón Bình Điền được vận chuyển lên tàu để xuất khẩu sang Campuchia. Ảnh: P.V
Theo chia sẻ của các DN, mục tiêu đầu tư dây chuyền sản xuất NPK công nghệ cao bởi hiện nay lượng nhập khẩu từ nước ngoài mới đáp ứng được 8-9% nhu cầu, thị trường sản phẩm này đang rất tiềm năng nên các DN đều kỳ vọng sẽ thay thế toàn bộ sản phẩm nhập khẩu trong tương lai.
|
Sản phẩm NPK được sản xuất từ Phú Mỹ đã được thương mại hóa trên thị trường từ quý III.2018 và được người nông dân đánh giá khá tích cực.
Kế đến, một DN phân bón khá mới trên thị trường là Hàn Việt (100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bởi HUCHEMS Hàn Quốc - một thành viên của Tập đoàn Taekwang) cũng mới đưa ra các sản phẩm NPK từ quý III.2018.
Được biết, dây chuyền sản xuất NPK của DN này áp dụng công nghệ tạo hạt bằng hơi nước và ure hóa lỏng với tổng công suất lên tới 360.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 52,9 triệu USD.
Cũng đầu tư rình rang không kém dây chuyền NPK công nghệ mới là Đạm Cà Mau với tổng giá trị đầu tư 38,8 triệu USD. Hiện DN này dự kiến đưa sản phẩm NPK công nghệ nóng chảy với công suất 300.000 tấn/năm ra thị trường vào quý II.2019.
Một loạt DN phân bón NPK khác cũng quyết định chi hàng chục triệu USD để đầu tư dây chuyền NPK theo công nghệ mới, điển hình như: Lâm Thao (11,4 triệu USD); Phân bón Miền Nam (7,9 triệu USD); Bình Điền (6,4 triệu USD)…
Theo chia sẻ của các DN, mục tiêu đầu tư dây chuyền sản xuất NPK công nghệ cao này bởi hiện nay lượng nhập khẩu từ nước ngoài mới đáp ứng được 8-9% nhu cầu, thị trường sản phẩm này đang rất tiềm năng nên các DN đều kỳ vọng sẽ thay thế toàn bộ sản phẩm nhập khẩu trong tương lai.
Hơn nữa, xu thế tiêu dùng của người nông dân hiện nay, theo dự báo của các công ty phân bón là chuyển sang dùng NPK chất lượng cao vì các sản phẩm này giúp nông dân tiết kiệm 20-30% tổng chi phí phân bón do khối lượng phân bón cần sử dụng thấp hơn mà vẫn đảm bảo hiệu quả.
Mục tiêu “canh tác bền vững”
Theo các chuyên gia nông nghiệp, một vấn đề trong ngành nông nghiệp của Việt Nam là việc sử dụng phân bón với số lượng nhiều nhưng kém hiệu quả. Cụ thể, theo chuyên gia nông nghiệp Văn Tiến Thanh, hiện nay hiệu suất sử dụng phân đạm mới chỉ đạt 30-45%, lân 40-45% và kali 40-50%, tùy theo đất, giống cây trồng, thời vụ, phương pháp bón, loại phân bón…
Như vậy, còn 60-65% lượng đạm (tương đương 1,77 triệu tấn urê), 55-60% lượng lân (tương đương 2,07 triệu tấn super lân) và 55-60% lượng kali (xấp xỉ 344.000 tấn kali clorua) được bón vào đất nhưng chưa được cây trồng sử dụng, hấp thụ.
Vì vậy, một lượng rất lớn các chất này sẽ bị mất đi qua con đường thoát hơi, tự rửa trôi, thấm xuống đất, nước ngầm… dẫn đến ô nhiễm đất, nước và không khí. Tuy nhiên, nếu xét về mặt kinh tế, khoảng 2/3 lượng phân bón hàng năm cây trồng chưa sử dụng được đồng nghĩa với việc 2/3 lượng tiền nông dân bỏ ra mua phân bón bị lãng phí, với tổng thất thoát lên tới 30.000 tỷ đồng/năm.
Việc Chính phủ quan tâm hơn đến phát triển nông nghiệp bền vững, đồng thời người nông dân cũng đang thay đổi các phương thức trồng trọt dẫn đến nhu cầu tăng cho các loại phân bón chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Vì vậy, các DN phân bón đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng đầu tư với mục tiêu “canh tác bền vững”.
Cụ thể, ngoài việc đầu tư dây chuyền công nghệ NPK hiện đại, một số DN lớn trên thị trường như Bình Điền, Phân bón Miền Nam, Đạm Cà Mau… đã có kế hoạch xây dựng nhà máy phân hữu cơ và sinh học để bắt kịp xu hướng thị trường.
Theo dự báo của Modor Intelligence, giá trị thị trường phân bón hữu cơ của Việt Nam đạt 930,5 triệu USD trong năm 2017 và dự báo sẽ đạt tăng trưởng kép 11% trong giai đoạn 2017-2022. Trong khi đó, số liệu từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho thấy, công suất phân hữu cơ hiện tại ở Việt Nam chỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, thấp hơn nhiều so với tổng công suất phân bón ở mức 29,5 triệu tấn/năm, cho thấy phân khúc này còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.