Cuộc tranh luận trực tiếp ngày 26.9 (theo giờ Mỹ) sẽ là một thời điểm quan trọng cho cả ông Trump và bà Hillary Clinton. Ông Trump đã tập trung nhiều hơn vào chủ đề của ông, đó là: “Chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ hùng cường lại. Chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ an toàn lại, và chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại lại!” Đó là khẩu hiệu ông nói với những người ủng hộ tại một cuộc mít tinh ở Fort Myers, bang Florida, một trong những tiểu bang giao động quan trọng, nơi ông “gỡ hòa” được với bà Clinton trong các cuộc thăm dò công luận mới nhất.
Bên phía Dân chủ, bà Clinton trông đợi cuộc tranh luận để trấn an những người ủng hộ bà, và để đẩy mạnh thông điệp của bà là muốn xây dựng một nền kinh tế với cơ hội đồng đều cho mọi người, như bà đã phát biểu trong cuộc vận động mới đây tại Orlando, Florida rằng: “Chúng ta bao gồm mọi giá trị. Tại Mỹ, đất nước vĩ đại nhất thế giới, chúng ta tin rằng mọi người bình đẳng.”
Cuộc tranh luận đầu tiên trong ba cuộc tranh luận thường được nhiều người theo dõi nhất. Ông Matthew Dallek của Đại học George Washington nhận định rằng cuộc tranh luận thứ nhất này có nhiều khả năng trở thành thời điểm mấu chốt định hình cho cuộc đua. Ông nói: “Ngay vào lúc này, cuộc đua trở nên sít sao hơn những gì mà nhiều người dự đoán. Và điều đó là một vấn đề quan trọng cho cả hai ứng viên.”
Hình như ông Trump và bà Clinton chuẩn bị cho cuộc tranh luận theo những cách khác nhau. Bà Clinton dành nhiều thời gian tập dượt cho cuộc tranh luận.
Còn ông Trump có thể sẽ dành ít thời giờ và cường độ cũng ít hơn trong việc chuẩn bị cho cuộc tranh luận. Ông cũng ra một đòn về phía bà Clinton trong một cuộc mít tinh ở bang Pennsylvania. Ông trump nói: “À người tà đồn rằng bà Clinton đang tập dượt cho cuộc tranh luận. Một số người khác thì nghĩ rằng bà đang ngủ gật.”
Những người theo Ðảng Dân chủ hy vọng sẽ có thêm những phiên bản thiếu thận trọng của ông Trump đưa ra trong cuộc tranh luận đầu tiên, nhiều hơn những gì mà ông đã làm trong các các cuộc tranh luận với các đối thủ đồng đảng của ông trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Nhưng ban vận động mới của ông Trump đã đạt được một số thành công hồi gần đây trong việc giữ cho ông tập trung hơn và ít bị sao lãng vì sở thích công kích cá nhân của ông.
Hillary Clinton.
Ông Trump đã không chiếm thế thượng phong trong cả 12 cuộc tranh biện ở trong đảng Cộng hòa. Ông thường đứng sang bên để cho các ứng cử viên khác lao vào công kích nhau. Trong các cuộc tranh biện về sau, khi chỉ còn lại một ít đối thủ, ông thường dùng những câu nói cay độc hoặc đặt những biệt danh chế giễu để công kích đối thủ.
Không như các cuộc tranh biện trước có nhiều ứng cử viên đăng đàn và do đó chúng ta chỉ thỉnh thoảng mới nghe ông Trump phát biểu, trong một cuộc tranh biện 90 phút, ông ấy phải phát biểu một nửa thời lượng, nên ông ấy không thể lấp kín thời gian chỉ bằng những lời nhận xét bông đùa, những câu tự khen mình, và những câu chỉ trích láu lỉnh những cái đó sẽ nhàm. Ông ấy sẽ có nhiều cơ hội thể hiện thực chất. Tới lúc đó, liệu ông sẽ có thực chất không? Chúng ta sẽ chờ xem”.
Quan ngại của phía bà Clinton là rất có thể nhân vật dẫn chương trình, Lester Holt của NBC, sẽ tung ra những câu hỏi “mềm” dễ trả lời về phía ông Trump trong khi lại gây áp lực cho bà Clinton bằng những câu chất vấn “xoáy” hơn nhiều. Dù thế nào, những câu hỏi đáp này chắc chắn sẽ được phân tích rất kỹ về sau trong các cuộc tranh luận kéo dài về các cuộc tranh luận.
Donald Trump.
Trong số các nội dung tranh luận giữa Donald Trump và Hillary Clinton được dư luận thế giới chú ý nhất đó là căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng do các hành vi hung hăng của quốc gia này tại châu Á và mối quan hệ của Mỹ với thế giới dưới thời tổng thống mới sẽ ra sao.
Về căng thẳng Mỹ-Trung, ông Trump cho rằng với kim ngạch thương mại đáng kể, Mỹ có sức ảnh hưởng lớn đối với Trung Quốc. Ứng cử viên này liên tục chỉ trích Trung Quốc và đe dọa sẽ áp mức thuế 45% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu nước này không thay đổi cách cư xử. Trong khi đó bà Clinton cho rằng Mỹ nên gây sức ép buộc cường quốc châu Á đang nổi này phải tôn trọng luật pháp quốc tế, kể cả trong thương mại và tranh chấp lãnh thổ. Thỏa thuận hạt nhân đạt được hồi năm ngoái với Iran đã giúp hai nước tránh được đối đầu quân sự, song bối cảnh xung quanh thỏa thuận này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Bà Clinton là người đã đặt nền móng cho thỏa thuận ngày 14/7, song lại có cái nhìn khắt khe hơn Tổng thống Obama đối với Iran. Trong khi đó, ông Trump phản đối thỏa thuận này và tuyên bố sẽ tái đàm phán các điều khoản liên quan. Triều Tiên gần đây liên tục đe dọa tấn công nước Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Câu hỏi đặt ra là Mỹ sẽ làm thế nào để ngăn chặn nguy cơ này? Ông Trump cho rằng Mỹ nên gây nhiều áp lực hơn đối với Trung Quốc để buộc nước này phải kiềm chế đồng minh Triều Tiên, đồng thời cho biết sẽ gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Bà Clinton muốn cộng đồng quốc tế gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, tương tự những gì đã làm với Teheran - giải pháp giúp mở cánh cửa tiến tới hoàn tất thỏa thuận buộc Iran thu hẹp chương trình hạt nhân của mình.
Nước Mỹ, với tư cách là một cường quốc thế giới, sẽ dùng ảnh hưởng của mình như thế nào luôn là đề tài được nhiều người quan tâm trong các cuộc bầu cử. Trên khía cạnh này, người ta có thể thấy rõ sự đối lập trong quan điểm của hai ứng cử viên. Cả hai đều cho rằng nước Mỹ nắm vai trò lãnh đạo thế giới, song trong khi ông Trump đề cao “Nước Mỹ trên hết” - nghĩa là các đồng minh và đối tác chỉ có thể nhận được sự trợ giúp của Mỹ nếu họ có ích cho Mỹ, thì bà Clinton cho rằng quan hệ đối tác quốc tế là công cụ quan trọng để Mỹ thể hiện ảnh hưởng của mình và giảm thiểu nguy cơ chiến tranh. Bên cạnh những nội dung trên, quan điểm của hai ứng cử viên tổng thống Mỹ còn rất khác nhau, thậm chí là mâu thuẫn trong rất nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu, chăm sóc trẻ em, khoảng cách thu nhập, lạm dụng thuốc giảm đau và an thần, chăm sóc sức khỏe, hay quyền bầu cử.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.