Bầu cử Mỹ: Donald Trump thực sự là ai?

Thanh Minh (tổng hợp) Thứ bảy, ngày 17/09/2016 16:18 PM (GMT+7)
Đối với các nhà bình luận cánh tả như Paul Krugman và nhà nghiên cứu theo chủ nghĩa tân bảo thủ như Robert Kagan, có một điều rất rõ ràng: Trump là “con quái vật Frankenstein” của đảng Cộng hòa, là kết quả của chính sách cản trở nhiều năm qua tại Quốc hội và lối nói ngày càng cấp tiến hơn từ các tổ chức Đảng Trà và kênh truyền hình Fox News.
Bình luận 0

Nhưng thực tế, Donald Trump không phải là một nhân vật bảo thủ, dù thế nào cũng không theo đường lối cánh hữu tôn giáo vốn bị ám ảnh bởi những vấn đề xã hội (nạo phá thai, hôn nhân đồng tính), và cũng không theo đường lối đảng viên Cộng hòa kiểu Reagan, những người coi bộ máy nhà nước bành trướng là gốc rễ của mọi điều tồi tệ.

Trump, vốn để lộ một đường lối chính trị trong các tuyên bố thường mơ hồ và mâu thuẫn của mình, đại diện cho một chương trình chứa đựng cả yếu tố dân tộc chủ nghĩa lẫn yếu tố xã hội: Gạt bỏ người nhập cư, người gốc Mexico và người Hồi giáo ra khỏi xã hội; cuộc chiến chống thương mại tự do và cam kết về nhà nước an sinh. Không điều gì trong số này phù hợp với chính sách của những “đảng viên Cộng hòa cấp tiến” như Reagan, Gingrich và Bush.

Rõ ràng, từ khi được chính thức đại diện cho đảng Cộng Hòa ra tranh cử tổng thống Mỹ , Trump có thói quen tuyên bố bốc đồng, tác phong khinh bạc những người yếu thế, xem nhẹ đồng minh, mất dần ủng hộ. Lúc đầu, trong qua điểm của các ủng hộ viên, Donald Trump là nhân vật “nghĩ sao nói vậy” không như các nhà chính trị chuyên nghiệp đối thủ trong đảng Cộng hòa và Dân chủ.

img

Tuy nhiên, theo thời gian, lá chủ bài của Donald Trump quay ngược trở lại làm hại ông. Theo báo chí Mỹ, sau khi lôi kéo cử tri ủng hộ vào cơn lốc phát ngôn như bắn đại bác, tuyên truyền phóng đại kích động tâm lý dân tộc chủ nghĩa, bài người nước ngoài, kỳ thị màu da, bài bác đạo Hồi, vẽ ra chính sách thương mại mị dân, đưa những nhận định xỏ xiên thô thiển, cuối cùng khi buộc phải công bố kế hoạch chấn hưng kinh tế thì ông đưa ra những lời hứa khó tin. Hậu quả là Donald Trump bị báo chí nghi ngờ mang bệnh tâm thần, bệnh của người chỉ biết có mình và thờ ơ với xã hội chung quanh.

Vì vậy có thể nói rằng, Donald Trump không phải là người bảo thủ, Trump chỉ biết nói cho vừa tai người nghe.

Tiền đã giúp Trump có lợi thế?. Nhiều người nói, tiền đã quyết định cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, trong đó Trump với số tiền khủng trong tay đã nhanh chóng bước vào vòng trong cho dù có những tính cách và phát ngôn khiến nhiều người choáng váng.

Nhưng thực tế lại không hẳn như vậy. Cho tới nay, ông Trump không chỉ nhận được rất ít tiền quyên góp (khoảng 10 triệu USD), mà còn hầu như không đầu tư nhiều tiền của: Ông đã đầu tư khoảng 35 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của mình – chỉ là một khoản nhỏ so với các đối thủ, ngay cả Ben Carson cũng nhận được 80 triệu USD. Tài sản của Trump là một phần cho sức hút về chính trị của ông, vì nó khiến ông được coi là một ứng cử viên độc lập. Nhưng đồng thời Trump cũng không cần đầu tư nhiều tiền. Ông luôn hiện diện trên truyền thông và thúc đẩy các cử tri của mình đi bầu mà không cần xây dựng mạng lưới rộng lớn các nhân viên hỗ trợ được trả tiền.

Điều này khiến ông trở thành một ngoại lệ đáng kinh ngạc và chứng minh rằng tiền không phải là yếu tố quyết định cho thành công tại các cuộc bầu cử.

Trump có thể đánh bại  Hillary Clinton?. Việc này ít có khả năng xảy ra. Sau khi Clinton hoàn toàn đánh giá thấp Trump cho tới giữa vòng bầu cử sơ bộ, các chuyên gia chính trị đã cảnh báo về việc lặp lại sai lầm này tại cuộc bầu cử chính. Và họ có một số lập luận rất hợp lý cho cảnh báo này.

img

Donald Trump và đối thủ Hillary Clinton.

Cử tri của Trump thực sự không thể dự đoán được. Một số lượng lớn người bỏ phiếu cho Trump trong vòng bầu cử sơ bộ là những công dân từ rất lâu đã không còn hoặc chưa bao giờ đi bầu. Trump cũng thu hút những cử tri không đóng vai trò nào trong các mô hình đánh giá lâu nay của các cuộc thăm dò ý kiến hoặc không thể được nhìn nhận đúng đắn trong các dự đoán này.Trump nhận được sự ủng hộ nhiều nhất từ nhóm cử tri da trắng, nhưng phần đóng góp của nhóm này trong tổng số cử tri Mỹ đã giảm từ 89% năm 1976 xuống còn 72% hiện nay.

Ngoài ra cho tới nay, Trump đã khiến mọi người kinh ngạc với “khả năng không thể bị tấn công” về chính trị của ông. Các bài diễn văn tranh cử được soạn thảo một cách tự do của ông chứa đầy mâu thuẫn và lời nói dối, hoạt động kinh doanh và đời sống riêng tư của ông đem lại nhiều tư liệu cho các vụ bê bối, ông từ chối công khai bản kê khai thuế của mình và thường xuyên xúc phạm phụ nữ, nhà báo và người nước ngoài. Một trong số những đặc điểm này có thể đem tới thất bại cho bất cử ứng cử viên nào khác của đảng Cộng hòa. Ngược lại, Trump thậm chí còn được nhóm cử tri của ông coi là có bản chất thành thực.

Ngoài ra, Trump còn có khả năng kỳ lạ là lợi dụng rất tốt những điểm yếu của đối thủ.

Tuy nhiên, bộ máy tranh cử mạnh hơn của đảng Dân chủ và cá tính gây tranh cãi của Trump sẽ khiến đảng Cộng hòa gặp thêm nhiều khó khăn để đảo ngược tình thế tại các bang họ thua rất sít sao như Virginia hay Colorado. Khả năng Trump giành chiến thắng tại các bang có truyền thống bầu cho đảng Dân chủ tuy có thể xảy ra, nhưng lập trường cứng rắn của ông về vấn đề nhập cư và thái độ coi thường của ông đối với các nhóm thiểu số có nguy cơ đẩy các bang có truyền thống bầu cho đảng Cộng hòa như Arizona và Georgia về phía đảng Dân chủ. Ngoài ra, người ta còn nghi ngờ việc liệu Trump có thể huy động đầy đủ phe bảo thủ để tiếp tục giữ khả năng cạnh tranh tại các bang dao động hay không.

Những phát ngôn quá lố đã giúp ông Trump thành công trong chiến dịch tranh cử có vẻ không còn tác dụng nữa, nhưng hiện chưa thể biết được cử tri của ông có ngả theo phong trào chỉ trích hay không.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem