Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (Vietbank) lại vừa thông báo gia hạn mới nhất, Vietbank sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 14.01.2018 để đăng lý lưu ký cổ phiếu tập trung tại VSD.
Bầu Kiên và người thân bà Đặng Ngọc Lan muốn thoái bớt vốn tại Vietbank
Trước đó, vào cuối tháng 4.2017, Vietbank công bố chốt danh sách cổ đông từ ngày 10.05.2017 để đăng ký lưu ký cổ phiếu tập trung tại VSD. Tuy nhiên sau đó, Vietbank liên tục công bố gia hạn hạn thời hạn chốt danh sách theo công bố vào đầu tháng 8.2017 đến giữa tháng 10.2017 và mới đây là giữa tháng 12.2017. Theo Nghị quyết đại hội đồng cổ đông năm 2017, Vietbank dự kiến sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn UpCom.
Một thông tin được cho là có liên quan, đó là ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) và người thân của bà Đặng Ngọc Lan (vợ Bầu Kiên) đăng ký thoái bớt cổ phần nắm giữ tại Vietbank. Thời gian dự kiến giao dịch từ 20.12.2017-31.12.2018.
Bầu Kiên và người thân bà Đặng Ngọc Lan muốn thoái bớt vốn tại Vietbank (Ảnh: IT)
Cụ thể, Bầu Kiên hiện đang nắm giữ 14.775.000 cổ phiếu Vietbank (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số lượng cổ phần dự kiến chuyển nhượng thỏa thuận tương đương 4.080.966 cổ phiếu. Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ nắm giữa của Bầu Kiên sẽ giảm xuống 3,32% vốn điều lệ, tương đương 10.694.034 cổ phiếu.
Bên cạnh đó, ông Đặng Công Minh và bà Nguyễn Thị Kim Thanh, bố mẹ bà Đặng Ngọc Lan cũng đăng ký chuyển nhượng 1.249.934 cổ phiếu và 2.797.982 cổ phiếu Vietbank. Hiện ông Đặng Công Minh và bà Nguyễn Thị Kim Thanh đang nắm giữ 8.039.800 cổ phiếu (tương đương 2,47% vốn điều lệ) và 14.069.800 cổ phiếu (4,33% vốn điều lệ). Nếu giao dịch thành công, lượng cổ phần nắm giữ của hai người này sẽ giảm xuống lần lượt còn 6.796.866 cổ phiếu (tương đương 2,1% vốn điều lệ) và 11.271.818 cổ phiếu (tương đương 3,47% vốn điều lệ) Vietbank.
Hiện bà Đặng Ngọc Lan đang nắm giữ 14.970.000 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 4,61% vốn điều lệ. Bà Lan đang là Thành viên HĐQT của Vietbank.
Nếu giao dịch thành công, gia đình Bầu Kiên và người thân bà Đặng Ngọc Lan sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu Vietbank xuống còn 13,5% vốn điều lệ.
Tính đến thời điểm đầu tháng 1.2017, danh sách cổ đông sáng lập của Vietbank gồm ACB giữ 10%, ông Dương Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietbank giữ 4,97%, gia đình Bầu Kiên và người thân bà Đặng Ngọc Lan nắm 15,95%. Vietbank có vốn điều lệ 3.249 tỷ đồng.
Lợi nhuận khó tăng vì gánh hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu
Báo cáo tài chính quý III.2017 cho thấy, Vietbank cho vay khách hàng giảm 9,3% so với đầu năm, vẫn còn lỗ lũy kế 188 tỷ đồng.
Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế của Vietbank vẫn đạt hơn 73 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần so với 9 tháng đầu năm 2016 (riêng lãi ròng trong quý III.2017 là 11 tỷ đồng, quý III.2016 chỉ đạt 346 triệu đồng).
Về kết quả hoạt động kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2017, Vietbank đạt 522 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí hoạt động của ngân hàng tăng đến 61% lên gần 580 tỷ đồng. Huy động khách hàng tại Vietbank đạt 30.446 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,86% so với đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tại Vietbank tăng từ 1,69% lên 1,74%, trong đó đáng lưu ý là nợ nhóm 5, nợ có khả năng mất vốn, tăng 17% lên 305 tỷ đồng. Mệnh giá trái phiếu đặc biệt VAMC phát hành cho Vietbank ở mức 202 tỷ đồng, dự phòng là 90 tỷ đồng.
Ngân hàng đặt kế hoạch năm 2017 với tổng tài sản 46.009 tỷ đồng, huy động vốn 37.836 tỷ đồng, cùng tăng 25% so với năm trước. Dư nợ cấp tín dụng dự kiến đạt 29.053 tỷ đồng, tăng trưởng 10%. Tuy nhiên lợi nhuận trước thuế mục tiêu giảm phân nửa xuống 35 tỷ đồng.
Theo biên bản họp ĐHĐCĐ, ông Dương Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietbank, cho biết lợi nhuận sụt giảm là do Vietbank phải gánh nợ xấu trên 1.000 tỷ đồng vào năm 2009. Từ năm 2013 đến 2016 Vietbank phải tìm các biện pháp khắc phục thu hồi nợ xấu theo yêu cầu của thanh tra NHNN.
Trong 3 năm qua, Vietbank lỗ lũy kế trên 200 tỷ đồng và NHNN yêu cầu bổ sung vốn điều lệ, Ngân hàng đang khắc phục và lợi nhuận đạt được trong năm 2016 đến từ thu nhập bất thường.
Cũng theo ông Hoà, tỷ lệ nợ xấu của Vietbank đến cuối năm 2016 ở mức 1,7% và đã loại trừ cho vay cầm cố bằng cổ phiếu STB (đang được phong tỏa bởi NHNN) ra khỏi tỷ lệ nợ xấu theo chấp thuận cho cơ cấu lại và được giữ nguyên nợ nhóm 1 của NHNN.
Lợi nhuận trước thuế năm 2016 của Vietbank gần 70 tỷ đồng (năm 2015 lỗ 125 tỷ đồng). Lưu chuyển tiền thuần trong năm của Ngân hàng âm hơn 950 tỷ đồng. Trong năm 2016, Ngân hàng đặt kế hoạch tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng nhưng mới thực hiện lên 3.249 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.