Báu vật làng Phú Kinh

Thứ năm, ngày 27/01/2011 16:38 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo nghiên cứu của khoa Sử Trường Đại học Khoa học Huế, bản Khoán ước của làng Phú Kinh (xã Hải Hoà, Hải Lăng, Quảng Trị) ra đời sớm nhất ở miền Trung. Đây là bản duy nhất được khắc trên gỗ, có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử.
Bình luận 0

Những người cao tuổi ở làng Phú Kinh cho biết, từ khi họ còn nhỏ đã thấy bản Khoán ước bằng gỗ lim khắc đầy chữ Hán.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bản Khoán ước được đặt ở vị trí trang trọng nhất của đình làng. Về sau, ngôi đình bị bom đạn tàn phá, bà con đã cất giấu và lưu giữ nó tại miếu khai canh của làng từ đó đến nay.

Hai thế kỷ thăng trầm

Ông Lê Hồng - Trưởng thôn Phú Kinh, cho biết, theo sử liệu và gia phả của các gia tộc ở làng thì Phú Kinh có bề dày lịch sử hơn 400 năm. Bản Khoán ước này do hương lão trong làng Phú Kinh soạn thảo vào thượng tuần tháng 6 năm Giáp Ngọ niên hiệu Cảnh Hưng (1774).

Bản khoán ước được khắc bằng chữ Hán trên một tấm gỗ lim dài 2,4m, rộng 0,35m, dày 0,06m. Nó nằm im lìm phủ bụi thời gian cả trăm năm và "sống lại" vào năm 1987 khi các giảng viên khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp Huế tình cờ phát hiện ra trong một chuyến điền dã.

Với sự quan tâm của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa cùng các nhà Hán học, bản Khoán ước đã được dịch, đánh máy trên 7 trang giấy A4 với khoảng 2.100 chữ. Nội dung chia thành 3 phần: Khuyến nông, khuyến học và giữ gìn an ninh trật tự.

Vẫn còn nguyên giá trị

img Bản Khoán ước làng Phú Kinh là một trong 10 bảo vật vô giá trên đất Quảng Trị. Đó là lịch sử của một vùng quê, một vùng đất và là niềm tự hào chính đáng của người dân Phú Kinh. img


Ông Lê Đức Thọ - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Trị

Gần 250 năm đã trôi qua, nhưng những nội dung người xưa để lại trong bản Khoán ước vẫn còn mang ý nghĩa thực tế. Phần khuyến học, khuyến tài, các cụ quy định: "Việc học của con em trong xã thì từ 15 tuổi trở lên cứ 3 năm một kỳ mở lớp sát hạch. Tùy theo mức độ cao thấp mà đánh giá kết quả. Ví dụ như thuộc đúng kinh truyện một vài thiên, có am hiểu văn nghĩa, thông thạo kinh nghĩa, biết làm văn thể tứ lục, có mức độ khen thưởng, miễn khỏi đi sưu...".

Về khuyến nông, Khoán ước ghi: "Nay viên chức hàng xã họp bàn, phỏng theo phép tắc xa xưa, lấy những nơi ruộng đất đá sỏi chia đều cho mọi người dân lớp dưới để họ được làm chủ đời đời...".

Ruộng được chia theo cách này gọi là ruộng "Vĩnh nghiệp". Trong đó, các hương lão của làng đặc biệt quan tâm đến những người neo đơn, không nơi nương tựa, các bậc cao niên có nhiều đóng góp cho làng bằng cách chia ruộng "Vĩnh nghiệp" cho họ, đến khi họ qua đời sau ngày đoạn tang thì lấy lại chia cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác và giảm tô thuế cho những người này.

Việc giữ gìn an ninh trật tự cũng được ghi một phần trang trọng trong Khoán ước: "Để răn đe những kẻ chuyên trộm cắp, từ nay trở đi, nếu người nào phạm phải thì sẽ bị thu hồi phần ruộng đất "Vĩnh nghiệp", tái phạm sẽ bị thu toàn bộ ruộng đất để tìm nghề làm ăn...".

Ông Lê Hồng chia sẻ: "Bao năm nay chúng tôi đã lấy những điều giáo huấn này để răn dạy con em mình. Nhờ đó, 5 năm trở lại đây, Phú Kinh có trên 50 em thi đỗ đại học và cao đẳng. Có gia đình có 5 đến 6 người con đều học đại học. Dân làng sống ôn hòa, không có các tệ nạn xã hội".

Còn ông Nguyễn Huy - Hội chủ của làng Phú Kinh, bộc bạch: "Cái cốt cách của người Phú Kinh là luôn lắng nghe, chắt lọc và học hỏi. Ý thức của người làng không bao giờ "đóng đinh một chỗ". Suy nghĩ này có từ xa xưa, thể hiện một phần trong bản Khoán ước: "Khoán ước này nếu thấy có điều gì chưa tiện lợi, còn gây nhiều điều chưa hay thì hãy đón chờ những người quân tử lớp sau góp phần xây dựng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem