Bẫy lừa cao tay của kẻ nghiện cá độ bóng đá

Thứ năm, ngày 28/07/2016 18:08 PM (GMT+7)
Không có nghề nghiệp ổn định lại nghiện các trò đỏ đen, trong đó chủ yếu là cá độ bóng đá, Phạm Văn Ngoan (57 tuổi, ngụ xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP.HCM) bị chủ nợ ráo riết truy lùng. Túng quá hóa liều, Ngoan tìm hiểu các phương thức thủ đoạn lừa đảo để lập riêng cho mình một kế hoạch.
Bình luận 0

Sau nhiều ngày suy nghĩ, Ngoan phát hiện nhiều người đứng tuổi thường cả tin và dốc tiền bạc giúp đỡ bạn bè thân thiết khi bạn bè gặp nạn. Ngoan sử dụng thủ đoạn gọi điện thoại giả danh bạn bè thân thiết đang công tác xa hoặc đang ở nước ngoài, có người thân đang chữa bệnh, bị tai nạn giao thông, nhờ các nạn nhân chuyển tiền giúp sau đó sẽ hoàn lại rồi chiếm đoạt. Bằng thủ đoạn đơn giản này, Ngoan đã thực hiện trót lọt gần chục vụ lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng...

Đầu tiên Ngoan tìm hiểu kỹ số điện thoại của một số gia đình khá giả có người già sinh sống, tìm hiểu thông tin về họ, xem họ có người thân hay bạn bè gì ở nước ngoài hay không, sau đó lên kế hoạch lừa đảo. Để thực hiện hành vi của mình, Ngoan đến Bến xe Miền Tây gặp gỡ nhiều cò và người buôn bán dạo ở đây hỏi mua tài khoản các thẻ ngân hàng với giá 1 triệu đồng/tài khoản. Ngoan tiếp tục mua một số tờ rơi có ghi số điện thoại, tên, thông tin cá nhân và mua một số sim rác điện thoại.

img

Đối tượng Ngoan tại Cơ quan điều tra.

Nạn nhân đầu tiên của Ngoan là bà Võ Thị Ánh T (59 tuổi, ngụ phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM). Khoảng 10h ngày 14.4, bà T nhận được cuộc gọi vào máy bàn, tự xưng là Sĩ người thân của gia đình bà T. Sĩ vồn vã hỏi thăm bà T và cho biết mình đang cùng vợ đi Mỹ thăm con. Câu chuyện mỗi lúc mỗi rôm rả, lúc này Sĩ mới cho bà T hay có đứa cháu ở Cần Thơ bị tai nạn giao thông đang cấp cứu nhưng không có ai ở nhà chăm lo. Sĩ muốn bà T cho mượn gấp 45 triệu để mổ cấp cứu, khi nào Sĩ từ Mỹ trở về sẽ trả. Nghe thấy người thân mình bị tai nạn, bà T cũng sốt sắng hỏi han và hứa sẽ gởi tiền liền. Sĩ liền đọc số tài khoản cho bà T ghi lại.

Sau khi cuộc điện thoại chấm dứt, bà T đã ra ngân hàng chuyển 45 triệu vào tài khoản cho Sĩ. Ngoan (trong vai Sĩ) lập tức đến ngân hàng rút tiền rồi gọi lại cho bà T “cám ơn”. Thấy dễ lấy tiền của bà T, Ngoan tiếp tục viện lý do người bị nạn làm khó đòi phải bồi thường 100 triệu đồng mới chịu bãi nại, Ngoan nhờ bà T gửi giùm 100 triệu. Bà T cả tin gửi tiếp. Có tiền, Ngoan giải quyết số nợ nần do cá độ bóng từ trước đó.

img

Ông T, một trong những nạn nhân của Ngoan.

Nhận thấy đây là con mồi béo bở, Ngoan tiếp tục “thử” thêm một lần nữa. Lần này Ngoan gọi điện cho bà T báo rằng, anh em bên Mỹ đã gom được 350 triệu đồng để giúp cho đứa cháu bị tai nạn giao thông, nhờ bà T cho mượn trước chuyển giùm số tiền trên vào tài khoản cho đứa cháu, khi nào Sĩ từ Mỹ trở về sẽ đem qua trả lại. Bà T tin ngay, chỉ trong vòng 2 ngày, bà T đã chuyển cho Ngoan số tiền 345 triệu đồng.

Nạn nhân  kế tiếp của Ngoan là bà Lâm Thị C (67 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM).  Một buổi chiều cuối tháng 4, bà C nhận được số điện thoại mà giọng nói “nghe có vẻ quen quen”. Bà C bất giác hỏi “Có phải Cọc không?” thì đầu dây bên kia xác nhận đúng. Đứa cháu ở tận trời Âu nhiều năm nay mà bà không gặp nên khi Ngoan xác nhận là Cọc, bà C mừng lắm, rối rít hỏi han.

Ngoan kể cho bà C nghe có người bạn ở Mỹ về Việt Nam chữa bệnh cho đứa con riêng nhưng tiền chưa chuyển về kịp Cọc ngụ ý muốn mượn bà C 40 triệu để gửi cho người bạn này lo cho con, khi tiền chuyển về Việt Nam sẽ gởi trả lại cho bà C. Bà C cho biết chỉ còn 20 triệu đồng, sẽ gửi trước, khi mượn được tiền, bà C sẽ gửi thêm. Rút tiền xong, Ngoan tiếp tục gọi điện cho bà C viện lý do căn bệnh quá nặng, cần thêm tiền, bà C lại vay mượn thêm 30 triệu gửii cho Ngoan.

img

Sim rác, CMND, điện thoại, những công cụ giúp đối tượng Ngoan lừa đảo thành công nhiều nạn nhân.

Ngồi tại CQĐT, đối mặt với Ngoan, ông N.T.T (73 tuổi, ngụ quận 9, TP.HCM) chỉ còn biết lắc đầu. Vì cả tin vào một cú điện thoại mà ông bị mất gần 150 triệu đồng. Điều mà ông T ngạc nhiên nhất, đó chính là thông tin gia đình ông, Ngoan nắm rõ từng chi tiết cặn kẽ, ngay cả người em họ của ông T bên Pháp không ai biết nhưng Ngoan vẫn nắm rõ.

Ngày 2.6, ông T nhận được cuộc điện thoại của một người xưng là em họ ông, tên là Hoàng, đang ở bên Pháp. Anh em lâu ngày không nói chuyện với nhau, nghe giọng nói ông T cả mừng. Sau màn hỏi han sức khỏe, kể những chuyện gia đình trước kia, “người em họ” cho biết có người bạn tên Hậu từ Cần Thơ qua Pháp chơi, nhân tiện Hoàng gửi về cho ông T một ít sâm.

Chưa kịp mừng về món quà thì Hoàng cho biết, con trai của Hậu trên đường mang sâm từ Cần Thơ lên TP.HCM gặp tai nạn hiện đang cấp cứu. Hoàng nói đang gửi tiền về cho con trai Hậu chữa trị nhưng chưa tới nên ngụ ý mượn tiền ông T để lo viện phí cho con Hậu, khi tiền chuyển về đến Việt Nam, gia đình Hậu sẽ đem đến trả cho ông T và trả thêm 5 triệu tiền lời. Tin tưởng Hoàng là bà con nên ông T lần lượt chuyển số tiền 30 triệu, 20 triệu, 50 triệu và lần cuối là 48 triệu đồng cho Hoàng.

Có mặt tại CQĐT, ngoài ông T còn có bà L.T.H.B (59 tuổi, quê quán Cần Thơ) bị Ngoan lừa 350 triệu đồng. Riêng bà D.N (51 tuổi, quê quán Cần Thơ) “may mắn” chỉ bị Ngoan lừa 50 triệu đồng.

Bà N cho hay, Ngoan gọi điện cho bà N xưng là dượng Hải, người thân của bà N bên Mỹ đang nuôi đứa cháu bị tai nạn nguy kịch trong Bệnh viện Chợ Rẫy cần gấp 50 triệu đồng. Dượng Hải hứa khi tiền từ Mỹ chuyển về, dượng Hải sẽ đem đến trả. Tin lời, bà N ra ngân hàng chuyển cho Ngoan 50 triệu đồng. Sau khi rút tiền Ngoan lại tiếp tục yêu cầu bà N “giúp tiếp” 150 triệu đồng để lo công an và chi phí cho bệnh viện. Tuy nhiên do sinh nghi, bà N báo với công an.

Một cán bộ Phòng Cảnh sát ĐTTP về trật tự quản lý kinh tế và tham nhũng (PC46, Công an TP.HCM) cho biết, sau khi nhận đơn tố cáo của các nạn nhân, CQĐT vào cuộc và ngày 18.7, PC46 đã ra lệnh bắt khẩn cấp Ngoan.

Tính đến thời điểm hiện tại có hơn 10 nạn nhân đã bị Ngoan lừa đảo. Ngoan khai không hề quen biết các nạn nhân nhưng khi gọi điện Ngoan nắm bắt được tâm lý của nạn nhân rất nhanh và dễ dàng tạo lòng tin cho các nạn nhân. Những thủ đoạn giả là người thân của các bị hại, đang sống và làm việc ở nước ngoài, gọi điện thoại về Việt Nam vào số máy bàn giả thông tin có người thân bị tai nạn giao thông đang điều trị tại các bệnh viện ở Việt Nam, cần tiền gấp để cấp cứu, điều trị và lo các chi phí khác.

Viện cớ ở xa, cần tiền gấp nên Ngoan nhờ các bị hại giúp cho mượn tiền và hứa sẽ trả lại trong vòng 1-2 ngày. Ngoan khai những thủ đoạn trên Ngoan đều vận dụng thông tin cảnh giác lừa đảo mà các báo đăng tải. Nhiều người chuyển tiền cho Ngoan đến 4-5 lần mà không mảy may suy nghĩ. Sau khi lừa được tiền của các nạn nhân, Ngoan tiếp tục nướng vào cá độ bóng đá.

Qua vụ án trên, PC46, Công an TP.HCM mong người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, không để các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt tài sản. Những người lớn tuổi, khi nhận được những cuộc điện thoại từ những người xưng là người thân, đặc biệt là người có ngụ ý mượn tiền không nên sốt sắng giúp đỡ mà cần kiểm tra lại thông tin từ nhiều người trước khi chuyển tiền để tránh bị lừa đảo.

Mạnh Đức - T.Hà (An ninh Thế giới)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem