Bay trên những cánh đồng

Chủ nhật, ngày 20/06/2010 16:29 PM (GMT+7)
(NTNN) - Tôi về làng cổ Tứ Xã, Phú Thọ. Xưa làng này có 4 xã chỉ cách núi Nghĩa Lĩnh chưa đầy 10 cây số đường chim bay. Mỗi làng cổ ở đây đều ra đời từ một công xã Hùng Vương. Làng Tứ Xã, tục gọi Kẻ Gáp, thời Hùng Vương mang tên Kolang.
Bình luận 0
img
Lễ hội Đền Hùng.

Tôi phóng nhanh từ Đền Hùng về làng cổ Tứ Xã. Xưa làng này có 4 xã chỉ cách núi Nghĩa Lĩnh chưa đầy 10 cây số đường chim bay. Mỗi làng cổ ở đây đều ra đời từ một công xã Hùng Vương. Làng Tứ Xã, tục gọi Kẻ Gáp, thời Hùng Vương mang tên Kolang.

Kolang là bộ tộc hùng mạnh nhất thời Hùng Vương (ấy là theo giáo sư Phạm Huy Thông). Đồng đất Kolang thẳng cánh cò bay và điều này làm cho nông dân Tứ Xã giàu từ ruộng đồng. Nhờ giàu có mà con em đua nhau ăn học. Đất học của Phú Thọ đã chuyển từ làng Dòng (Xuân Lũng) về Tứ Xã. Riêng xóm Bù Nụ, Đồng Bồi bé tí thôi đang có 25 em học đại học chính quy.

Nhà ông Huê Mai cạnh nhà ông Hồng Cù đều có cháu nội đi thi đạt Huy chương Bạc Toán và Vật lý quốc tế. Hiện chúng đang du học tại Mỹ. Cả tỉnh Phú Thọ có 5 huy chương vàng, bạc, đồng quốc tế thì đều về tay học sinh làng Tứ Xã. Nhà ông Tu Vụ có 4 cháu nội thì 2 đứa thạc sỹ, 2 đứa cử nhân. Nhà ông bà Thấu Hậu nông dân chân chỉ hạt bột mà có 3 con là tiến sỹ khoa học, hàng chục cháu chắt là cử nhân, thạc sỹ.

Đường trục của làng dài hơn hai cây số nay đã thành phố làng, nhà ống san sát đủ cửa hàng, cửa hiệu bên cạnh những nhà xưởng, cơ khí, mộc, rèn, nguội... Đồng đất của làng ngày một đắt đỏ. Cũng có dạo ba anh cán bộ xã muốn tham nhũng đất nhưng đều bị chặn lại. Ở làng cổ còn đậm đặc tinh thần và đạo đức thời Hùng Vương này những anh tham nhũng dễ gì tác oai tác quái. Nhờ vậy, dân cả tỉnh mới thừa nhận Tứ Xã đang là xã phát triển mọi mặt văn hóa, xã hội vào hàng đầu của tỉnh.

Rời đồng làng Gáp, tôi băng qua bờ Cầu Đá. Gọi là bờ Cầu Đá nhưng đó là đoạn đường vài ba trăm mét nối liền hai làng Mương và Gáp. Mương là xã Sơn Dương. Tương truyền đồng Cầu Đá xưa là nơi Sơn Tinh - Tản Viên, từng làm nơi luyện quân.

Hồi tưởng tích này mà khi xưa mồng ba tháng 3 hàng năm, trai đinh hai làng Mương, Gáp lại mở hội "ném quân". Họ dùng đất đá gạch củ đậu ném nhau chết thôi không mảy may thù hận. Một lần quan phủ Lâm Thao cưỡi ngựa xuống xem với ý định dẹp bỏ hội hè bạo lực này nhưng bị họ ném gãy chân ngựa. May nhờ có lính hầu cứu giúp, viên quan mới thoát thân.

Làng Sơn Dương bây giờ cũng nhiều người giàu lắm. Đồng ruộng quanh làng không chỉ lúa ngô mà còn là những cánh đồng rau xanh trù phú. Dân làng Mương đi công tác có số người thành đạt nhiều nhất tỉnh. Có người là chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện, ba bốn anh là uỷ viên thường vụ Tỉnh ủy. Có người đeo hàm tướng quân đội, lại có người là cấp tướng công an...

Rời Sơn Dương tôi băng qua sông Thao phóng chéo lên đê sông Đà đi theo con đường khi xưa Sơn Tinh đánh Thủy Tinh và dạy dân cày cấy chống lũ lụt. Cả vùng đồng ruộng bát ngát của hạ huyện Thanh Thủy khi xưa là đồng trắng nước trong nay nhờ có các công trình thủy lợi đồng ruộng một vụ trở thành hai ba vụ.

Đồng làng Sơn Thủy vừa trồng lúa vừa nuôi cá, mùa nước lớn, ngang dọc cánh đồng cắm cao các hàng cọc căng lưới để thả cá. Làng Sơn Thủy có nhiều người đi lao động ở nước ngoài. Họ có tiền đem về xây nhà hai ba tầng với vườn cây lưu niên vây quanh để nhà nào cũng có dáng dấp tòa biệt thự. Cả làng giống như một góc phố biệt thự Đà Lạt.

Băng qua đồng Sơn Thủy đến Hoàng Xá, ta không chỉ chiêm ngưỡng cánh đồng làng được thiết kế phân ô nhờ những con đường và kênh mương xây kiên cố mà còn chứng kiến khu chợ to nhất tỉnh, phiên chính có vạn rưỡi xe máy được gửi ở bãi chợ. Chợ Hoàng Xá to hơn cả chợ trung tâm thành phố Việt Trì. Chỉ có Hoàng Xá là xã duy nhất trong tỉnh từ lâu đã tự cân đối ngân sách để nhà nước không phải cấp kinh phí về đây.

Hoàng Xá đi Trung Nghĩa không xa, là con đường du lịch đang mở ra. Trung Nghĩa có động Lăng Sương, nơi Thánh Tản Viên ra đời. Nay có đền Lăng Sương mở hội gần như quanh năm vì du khách cả nước rầm rập hành hương về tưởng niệm người con rể tài ba của Vua Hùng Duệ Vương thuở trước.

Từ động Lăng Sương bay thẳng sang đồng làng Mường Tất Thắng thấy lúa ngô mọc bời bời. Xưa kia đồng ruộng lúa xấu chó chạy hở đuôi. Nay đồng một vụ thành hai ba vụ; sự phì nhiêu đồng đất làm bản làng thay da đổi thịt phô ra sự sung túc giàu có.

Lần ngược con đường khi xưa bà Đinh Thị Đen mang thai rời núi cao ra sông Đà để sinh hạ ra một trong tứ bất tử của thần điện Việt Nam là Tản Viên Sơn Thánh. Đồng Móng làng Tất Thắng là nơi bà ướm chân vào hòn đá để từ đó mà hoài thai. Tản Viên được kết tinh từ đá, mang sức mạnh của hồn thiêng sông núi nên mới trở thành dũng tướng của triều Hùng.

Từ đồng làng Tất Thắng bay ngược lên Hương Cần, Tân Lập sẽ thấy một vùng Mường phát triển nhà cửa khang trang sáng choang những ngôi đình Mường mới tôn tạo, rực sáng cả góc rừng góc núi. Đó là nơi thờ Vua Hùng và Tản Viên Sơn Thánh.

Bay vòng về hướng Đền Hùng ta sẽ qua đồng làng Thanh Uyên, Nam Cường. Khi xưa đồng đất ven sông, ven đường bỏ hoang, có cấy trồng cũng chỉ là lúa một vụ bông lép nhiều hơn bông chắc. Giờ đồng làng thành hai ba vụ.

Đất loại ba loại bốn thành đất loại một loại hai. Đồng đất tốt lên cùng với các làn điệu hát Ghẹo sống lại. Đây chính là nơi sản sinh ra dân ca Ghẹo nổi tiếng của Phú Thọ. Đây cũng là nơi Sơn Tinh và về sau là bà Thiều Hoa, tướng của Hai Bà Trưng từng đánh giặc qua làng.

Bay qua sông Thao ta sẽ bắt gặp đồng làng Phùng Nguyên, Sơn Vi bát ngát. Đó là dấu tích hai nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng với Phùng Nguyên là điểm cư trú của người tiền sử 4.000 năm. Sơn Vi có niên đại gần vạn năm. Sơn Vi tục gọi Kẻ Vầy, là nơi sum vầy hội hè. Xưa Tản Viên thường cho dân làng vui vầy mở hội cướp phết. Nay hội phết Sơn Vi đã được phục dựng vào dịp đầu xuân mỗi năm.

Bay theo hướng Chu Hóa - Đền Hùng thấy nhấp nhô ống khói nhà máy... đó là con đường Sơn Tinh đưa vợ Ngọc Hoa về núi Tản. Dọc đường bao khu đồng là bấy nhiêu trận mạc của Sơn Tinh đánh đuổi Thủy Tinh.

Khói trắng bay như có ngàn vạn cánh chim lạc đang chập chờn bay ngang các cánh đồng tươi tốt nhờ được tưới tắm thêm những lớp dày truyền thuyết lịch sử.

Phía ấy Đền Hùng đang vang vọng câu nói của Bác Hồ "Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem