TS Phu cho biết, thai nhi bị dị tật do virus Rubella (khi mẹ mắc Rubella) có thể phát hiện ở những tuần đầu của thai kỳ, có thể xử lý nếu siêu âm thấy thai nhi có dị tật. Còn bệnh đầu nhỏ (teo não) của thai nhi do virus Zika lây từ mẹ sang chỉ có thể phát hiện ở tháng cuối thai kỳ. Lúc này, người mẹ chỉ có thể giữ thai để sinh. “Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, khi trẻ bị dị tật đầu nhỏ không chỉ bị thiểu năng trí tuệ mà còn bị khuyết tật vận động, bị liệt và nhiều bệnh khác” – TS Phu cho biết.
TS Phu phân tích, theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, chứng đầu nhỏ có thể ghi nhận tại 1-10% trẻ được sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm vi rút Zika trong 3 tháng đầu thời kỳ thai nghén. Nếu chỉ 10-20 thai phụ nhiễm virus Zika và 1-2 ca mắc bệnh đầu nhỏ thì người dân có thể chưa nhìn thấy tính nghiêm trọng của dịch bệnh. “Nhưng nếu hàng nghìn ca bệnh, hàng trăm ca đầu nhỏ thì sẽ là một vấn đề rất lớn. Trong khi đó, dịch Zika vẫn đang “tiềm ẩn” rất khó lường. ” – TS Phu nhận định. Theo WHO, nước Brazil (Châu Mỹ) đã ghi nhận hơn 1 triệu ca bệnh Zika và gần 3.000 trường hợp đầu nhỏ nghi do virus Zika.
Báo cáo của Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện tại cả nước đã phát hiện 9 trường hợp dương tính với virus Zika, tuy nhiên không loại trừ còn nhiều ca bệnh chưa phát hiện. “Bệnh do virus Zkia có biểu hiện rất nhẹ (sốt, mệt mỏi, một số ít trường hợp có phát ban đỏ dưới da) do đó dễ nhầm lẫn sang cảm cúm. Hầu hết các ca bệnh đều tự khỏi, người dân có thể tự mua thuốc cảm cúm điều trị hoặc không điều trị mà không đến các cơ sở y tế, do đó không phát hiện được” – TS Phu cho biết.
Đồng thời, bệnh sốt xuất huyết cũng đang gia tăng cục bộ ở một số địa phương, đặc biệt tại khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Hiện nay đang vào thời điểm mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh, làm tăng nguy cơ lây truyền và bùng phát dịch bệnh. “Muỗi mang mầm bệnh Zika cũng là muỗi truyền sốt xuất huyết. Loại muỗi này có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố, do đó, nguy cơ lây nhiễm cả 2 loại bệnh này rất khó lường” – TS Phu nhận định.
TS Phu khuyến cáo, các bà mẹ mang thai từ 3 tháng trở xuống hoặc chuẩn bị mang thai phải đề phòng muỗi đốt, không đi đến vùng có dịch. Khi có thai mà có các dấu hiệu sốt, mệt mỏi, lại đi qua vùng có dịch sốt xuất huyết (Zika) hoặc gần gũi người mắc bệnh thì nên đi khám để được chẩn đoán và tư vấn.
Cùng ngày, Bộ Y tế đã phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, loăng quăng phòng, chống bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết” trên địa bàn tỉnh, thành phố lần thứ 2 (trong tháng 10 và tháng 11 năm 2016) nhằm huy động các ban, ngành, đoàn thể, vận động mọi người dân tham gia vào hoạt động của chiến dịch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.