Thời gian qua, Viện Y học Hải quân (Hải Phòng) đã đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả căn bệnh này.
Bệnh phổ biến…
Đại tá, bác sĩ Khương Văn Chữ - Phó Giám đốc Viện Y học Hải quân cho biết: Bệnh giảm áp là một loại bệnh thường gặp ở những người làm nghề thợ lặn, ngư dân khai thác hải sản trên biển.
|
Điều trị cho bệnh nhân giảm áp ở Viện Y học Hải quân. |
Sở dĩ xảy ra tình trạng giảm áp là do vi phạm chế độ giảm áp, dẫn đến hình thành các bọt khí nitơ trong lòng mạch máu và trong mô của cơ thể gây thiếu ôxy mô, đặc biệt là não và tim.
Qua đề tài nghiên cứu khoa học tại một cụm đảo của quần đảo Trường Sa, cứ 33 người thì có 6 người mắc phải bệnh giảm áp. Thế nhưng, điều đáng nói là ngư dân không được điều trị đúng nên dẫn tới bị liệt hoặc tử vong.
Thực tế, ngư dân khi mắc chứng giảm áp phần lớn tự chữa bằng cách đưa xuống độ sâu như lúc ban đầu đã lặn rồi lại đưa lên mặt nước để giúp người gặp nạn tăng áp trở lại.
Bác sĩ Lê Đăng Vân - Chủ nhiệm khoa Sinh lý, người nhiều năm trực tiếp khám và điều trị loại bệnh này khẳng định: “Biện pháp này chỉ là tạm thời cho trường hợp bị nhẹ. Còn đối với người bị nặng, bọt khí quá nhiều gây ách tắc toàn bộ các mạch máu thì vô phương. Có cấp cứu thì khả năng phục hồi cũng rất hạn chế, cần phải có thiết bị chuyên dụng và máy nâng áp mới cấp cứu được”.
Hiện, Viện Y học Hải quân là đơn vị duy nhất có thiết bị này và đã điều trị hiệu quả cho hàng trăm bệnh nhân thập tử nhất sinh
Điển hình là trường hợp anh Nguyễn Trọng Thái, 35 tuổi, quê xã Kỳ Xuân (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nhập viện ngày 17.9 trong tình trạng liệt tứ chi, bí tiểu, bí đại tiện và suy thận cấp khi gặp chứng giảm áp do lặn. Sau khi được cấp cứu, dùng máy nâng áp kết hợp với liệu pháp điều trị, sau 10 ngày, anh Thái đã cử động được nửa người phía trên. Hiện tại, hai chi dưới của anh cũng đã cử động được. Quá trình điều trị hiện tại tiến triển rất tốt, chỉ khoảng một tuần nữa là anh được xuất viện về nhà.
Không nên để quá nặng mới đi viện
Tại khoa Sinh lý, chúng tôi gặp nhiều bệnh nhân là ngư dân bị chứng giảm áp. Có người bị bệnh rất nặng nhưng đã được điều trị khỏi, sinh hoạt bình thường.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Lê Đăng Vân, do nhận biết của người dân về bệnh còn hạn chế và không biết nơi điều trị hiệu quả nên phần lớn bệnh nhân chỉ khi bị nặng, bị liệt thì họ mới đi bệnh viện. “Nếu đi bệnh viện ngay thì khả năng phục hồi là rất nhanh, tránh được cảnh bị tàn phế, mất sức lao động...” - bác sĩ Vân bày tỏ.
Hiện nay, Viện Y học Hải quân là nơi duy nhất trên toàn quốc có đủ điều kiện để điều trị bệnh giảm áp, tai biến do lặn đạt hiệu quả, có thể phục hồi cho bệnh nhân cả khi đã bị liệt.
Nói vậy nhưng thực tế bệnh nhân đã rất cố gắng tới bệnh viện gần nhất để cấp cứu nhưng thường không hiệu quả vì không có thiết bị chuyên dụng. Từng nghiên cứu rất cụ thể về bệnh này ở khu vực đảo Trường Sa, đại tá - bác sĩ Khương Văn Chữ cho rằng, số lượng người gắn bó với nghề đi biển ở khu vực này rất lớn, tỷ lệ mắc bệnh cao…
Việc chuyển bệnh nhân trong cơn thập tử nhất sinh từ Trường Sa ra Hải Phòng rất khó khăn và làm cho diễn biến bệnh phức tạp hơn. Vì vậy, ông đề xuất cần đầu tư buồng giảm áp ra Trường Sa để kịp thời điều trị cho bộ đội và ngư dân khi hoạt động và khai thác hải sản trên vùng biển xa bờ.
“Nếu có máy móc phục vụ cho việc điều trị, chúng tôi sẵn sàng ra đó để hướng dẫn và trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân gặp nạn, để họ có cơ hội sống và vượt qua được thương tật”... Đó cũng là mong muốn của biết bao ngư dân trên các vùng biển của Tổ quốc.
Trần Phượng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.