Bệnh nặng hấp hối, Gia Cát Lượng vẫn bày kế sách tuyệt đỉnh cứu mạng con trai nhỏ

Minh Nhật Thứ ba, ngày 20/07/2021 07:00 AM (GMT+7)
Vào thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng được đánh giá là người thông minh nhất, một chiến lược gia vĩ đại nhất nhưng khi ông lâm bệnh nặng sắp chết, con trai ông mới 8 tuổi. Lo sợ con bị làm hại, Gia Cát Lượng đã nghĩ ra một kế sách tuyệt đỉnh giúp con giữ được mạng sống.
Bình luận 0
Bệnh nặng hấp hối, Gia Cát Lượng vẫn bày kế sách tuyệt đỉnh cứu mạng con trai nhỏ - Ảnh 1.

Tạo hình Gia Cát Lượng trên màn ảnh.

Theo Sohu, Gia Cát Lượng (181–234) tự Khổng Minh là công thần khai quốc của nhà Thục Hán thời Tam Quốc. Ông được đánh giá là một trong những nhà chính trị, nhà ngoại giao, chỉ huy quân sự, nhà giáo dục, và cũng là một nhà phát minh kỹ thuật xuất sắc trong thời đại của ông. 

Gia Cát Lượng đã giúp Lưu Bị gây dựng nên nhà Thục Hán, hình thành thế chân vạc thời Tam Quốc, trong đó Thục-Ngô liên minh với nhau để chống Ngụy. 

Không chỉ có tài năng xuất chúng, Gia Cát Lượng còn nổi tiếng với tấm lòng tận trung báo quốc, "cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi". 

Con trai và cháu nội của Gia Cát Lượng sau này cũng kế thừa chí nguyện bảo vệ nhà Thục Hán của ông và đã anh dũng tử trận trong cuộc chiến bảo vệ kinh đô trước sự tấn công của quân Ngụy, tạo nên tấm gương "Trung nghĩa truyền gia thế vô song, Ba đời trung liệt chiếu sử xanh" nổi tiếng lịch sử của nhà Gia Cát. 

Trong "Tam quốc Diễn nghĩa" của tác giả La Quán Trunh, Gia Cát Lượng được mô tả là một vị thừa tướng tài đức song toàn với tài năng "xuất quỷ nhập thần", đoán mưu lập kế như thần, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, là biểu tượng của lòng trung nghĩa và trí tuệ anh minh. 

Theo Sohu, đến tận cuối đời, khi đang bệnh nặng sắp chết, Gia Cát Lượng vẫn tỏ rõ sự anh minh, thông thái khi nghĩ ra kế sách tuyệt đỉnh để cứu sống con trai và đảm bảo con ông sẽ được sống một cách an toàn, yên ổn trong tương lai.

Theo đó, con trai trưởng của Gia Cát Lượng là Gia Cát Chiêm được cho là có năng lực bình thường, hoàn toàn khác với người cha xuất chúng của mình. 

Khi Gia Cát Lượng mất, Gia Cát Chiêm mới chỉ 8 tuổi, còn quá nhỏ và non nớt.  Trong khi đó, suốt mấy chục năm làm thừa tướng, đặc biệt là sau khi Lưu Bị băng hà, mọi quyền hành của nước Thục Hán đều nằm trong tay Gia Cát Lượng, vì thế khi giải quyết chính sự, ông không thể không đắc tội với nhiều người. 

Khi Gia Cát Lượng còn sống, đương nhiên không kẻ nào dám đụng đến con trai ông. Tuy nhiên, khi ông mất đi, người muốn giết con ông để trả thù hoàn toàn có thể ra tay dễ dàng.

Bệnh nặng hấp hối, Gia Cát Lượng vẫn bày kế sách tuyệt đỉnh cứu mạng con trai nhỏ - Ảnh 2.

Tạo hình Gia Cát Lượng trên màn ảnh Trung Quốc.

Để giữ an toàn cho con, Gia Cát Lượng đã nghĩ ra một kế sách. Ông viết thư cho Lưu Thiện (người thừa kế ngai vàng nhà Thục Hán sau khi Lưu Bị chết) báo cáo chi tiết tài sản của mình. Thông qua việc này, ông muốn Lưu Thiện yên tâm rằng, nhà Gia Cát tuyệt đối trung thành, hoàn toàn không có dã tâm quyền lực, mong Lưu Thiện không e sợ đề phòng con trai ông.

Trong tấu chương trình lên Hán Hậu chủ Lưu Thiện, Gia Cát Lượng viết: "Thần sớm theo tiên đế, một đời chỉ biết theo quan gia, tuyệt không vun vén gì cho bản thân. Nhà của thần ở Thành Đô có tám trăm gốc dâu, ruộng xấu mười lăm khoảng, cái ăn mặc của con cái xem ra đầy đủ. Đến như thần gánh vác việc ở bên ngoài, cũng chẳng có gì khác người, cái ăn cái mặc đều trông vào triều đình, chẳng chút tơ hào cho riêng mình. Đến ngày thần mất, trong nhà chẳng để thừa gấm vóc, bên ngoài không có điền sản dư dôi, chính là để khỏi phụ lòng tin tưởng của Bệ hạ vậy".

Nhờ kê khai tài sản thể hiện sự liêm chính, không chút dã tâm, Gia Cát Lượng khiến Lưu Thiện cảm thấy yên tâm, chẳng những không đề phòng Gia Cát Chiêm mà còn tỏ ra trọng dụng, yêu mến.

Mà Gia Cát Chiêm cũng hiiểu được công lao cực khổ của cha mình, tuy rằng lông không có tài năng xuất chúng nhưng cũng biết cách bảo vệ bản thân một cách khôn ngoan.

Rõ ràng, Gia Cát Lượng cả đời làm quan đã nhìn thấu lòng người, hiểu rõ những mưu mô lúc bấy giờ nên trong việc giáo dục con trai, ông đặc biệt chú ý nhắc nhở con trai mình tránh xa việc tranh giành quyền lực, đấu đá phe nhóm trong triều.

Cuốn sách "Giới Tử Thư" (Thư dạy con) mà Gia Cát Lượng để lại trước khi lâm chung cho con trai mình đến nay vẫn được lưu truyền rộng rãi, trở thành một tài liệu kinh điển chứa đựng những triết lý sống, những đạo lý nhân sinh cuộc đời vô giá.

Trong đó, có tám chữ cực kỳ tâm đắc được ông đặc biệt nhấn mạnh với Gia Cát Chiêm, khi đó mới 8 tuổi: "Đạm bạc minh chí, ninh tĩnh chí viễn (Sống đạm bạc để sáng tỏ chí lớn, yên tĩnh để chí hướng cao xa)". Tức là phẩm hạnh của người đức tài toàn vẹn là dựa vào nội tâm an tĩnh, tinh lực tập trung để tu dưỡng thân và tâm; là dựa vào tác phong giản dị để bồi dưỡng đạo đức.

Nhờ sự dạy dỗ này, sau này, con cháu của Gia Cát Lượng đều coi nhẹ danh lợi, một lòng tận trung báo quốc, vì quốc gia xã tắc mà cống hiến cả mạng sống.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem