Ông Đàm Hiếu Trung – Phó Giám đốc Trung tâm giám định khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam) cho biết, nữ bệnh nhân N.M.H được Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả cao nhất trong tháng 4, lên đến gần 1.4 tỷ đồng, quê ở Vân Đồn (Quảng Ninh). Người này mắc bệnh suy gan, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) từ ngày 13.3 đến 10.4.
Ngoài ra, theo ông Trung, trong tháng 4, BHYT còn chi trả chi trả cho 359 bệnh nhân với chi phí khám chữa bệnh cho mỗi bệnh nhân trên 300 triệu đồng và 1.231 bệnh nhân có chi phí từ 200-300 triệu đồng/người.
BHYT có thể chi trả cho bệnh nhân hàng tỷ đồng tiền khám chữa bệnh (Ảnh D.L)
Đây không phải là bệnh nhân đầu tiên được BHYT chi trả “tiền tỷ”. Trước đó trong tháng 3, một bệnh nhân bị hẹp hở van 2 lá, hẹp van động mạch chủ, điều trị tại Bệnh viện T.Ư Huế (từ 20.9.2017 đến 23.1.2018) đã được chi trả gần 1 tỷ đồng…
“Với mệnh giá thẻ BHYT hơn 700.000 đồng/năm nhưng bệnh nhân được thanh toán chỉ 1 tháng điều trị lên đến gần 1,4 tỷ đồng. Nếu không có thẻ BHYT rõ ràng bệnh nhân có thể không có tiền điều trị, chịu chết hoặc gia đình khánh kiệt vì chi trả BHYT cho người thân” – ông Trung nói.
Chia sẻ thắc mắc: "liệu có “giới hạn” trong chi trả BHYT?", ông Trung cho biết, theo quy định, nếu bệnh nhân được chỉ định điều trị các kỹ thuật cao (như đặt stent tim) thì chỉ được thanh toán không quá 45 lần mức lương cơ bản (mức lương cơ bản hiện nay là 1,3 triệu đồng, thì mức thanh toán BHYT cho việc thực hiện kỹ thuật cao là dưới 59 triệu đồng).
Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân N.M.H (Quảng Ninh) nói trên bị suy gan, các chi phí chủ yếu là tiền thuốc điều trị. Do đó không có giới hạn cho việc chi trả tiền thuốc, miễn là thuốc đó nằm trong danh mục thuốc được BHYT chi trả theo quy định. Bệnh nhân N.M.H bị suy gan, thuốc sử dụng đắt tiền, do đó, viện phí đã lên đến gần 1,4 tỷ đồng.
“Rất nhiều bệnh nhân tiếc 700.000 đồng – chỉ tương đương với một bữa nhậu nhưng đến khi bệnh nặng mới biết giá trị của thẻ BHYT” – ông Trung nhấn mạnh.
Báo cáo của BHXH Việt Nam cũng cho biết, từ 1.4 đến 24.4, các cơ sở y tế đã gửi 49,9 triệu hồ sơ lượt khám chữa bệnh; chi phí đề nghị thanh toán hơn 26.000 tỷ đồng. So với cùng kỳ 2017 số lượt khám bệnh, chữa bệnh tăng 12,08%; chi khám chữa bệnh BHYT tăng 19,21%.
Theo ông Trung, chi phí khám chữa bệnh tăng cao là do số lượt khám chữa bệnh ở các tuyến đều tăng, cao nhất là tuyến huyện với hơn 2,7 triệu lượt (tăng 14,95%), tuyến tỉnh tăg 14,03%, tuyến T.Ư tăng 17,11%. Tuy nhiên, đáng lưu ý nhất là nhiều tỉnh có tỷ lệ bệnh nhân vào điều trị nội trú cao gấp hơn 2 lần tỷ lệ chung của toàn quốc (8,6%). Cụ thể như Phú Thọ có tỷ lệ bệnh nhân vào điều trị nội trú là 17,72 %; Hà Giang: 17,46%; Thanh Hóa: 16,5%; Sơn La: 16,46%, Vĩnh Phúc: 16.19%...
“Nếu như trước đây, tỷ lệ bệnh nhân vào điều trị nội trú trung bình toàn quốc chỉ 5-6%, nay đã lên đến 8,6%. Và đáng đặt dấu hỏi với những tỉnh có tỷ lệ lên đến 15-17%. Đang có tình trạng bệnh nhân mắc bệnh nhẹ, chỉ cần điều trị ngoại trú nhưng bệnh viện vẫn đưa vào nằm nội trú để thu tiền giường” – ông Vũ Xuân Bằng, Phó ban thực hiện chính sách BHYT cho biết.
Theo ông Bằng, trước đây, viện phí “nặng” nhất là tiền thuốc, vật tư y tế chiếm 50-60%, thì nay chỉ còn co nhỏ lại 30-40%. Trong khi đó, chi phí tiền giường lại lên đến 40-60%. "Nếu như vậy thì quyền lợi của bệnh nhân sẽ bị co hẹp lại. Bộ Y tế cần tính toán lại chi phí tiền giường cho hợp lý. Không thể một phòng 4 bệnh nhân, thu tới 1,8 triệu/đêm, cao hơn nhiều so với tiền khách sạn 4 giường. Hơn nữa, cơ cấu tính giá giường có cả chi phí điều hòa, 4 mùa như nhau nhưng mùa đông có dùng điều hòa đâu, sao vẫn giữa nguyên giá” - ông Bằng phân tích thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.