Bệnh nhân thích đốt vía giải đen, bệnh viện đứng ngồi không yên

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 07/04/2017 14:13 PM (GMT+7)
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Hiền- Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai tại Hội nghị tăng cường an ninh trật tự bệnh viện do Bộ Y tế tổ chức ngày 7.4.
Bình luận 0

Theo ông Hiền, Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày có hơn 20.000 lượt người lưu thông qua lại. Riêng bệnh nhân nội trú là hơn 5.000 người, ngoại trú là hơn 4.000 người. Nhiều đối tượng lưu manh, côn đồ, lừa đảo, trộm cắp, nghiện hút cò mồi… thường xuyên lai vãng trong bệnh viện nên việc kiểm soát an ninh trật tự rất khó khăn. Từ đầu năm 2016 đến nay, Bệnh viện đã phát hiện 23 vụ phạm pháp hình sự, chuyển 23 đối tượng cho công an giải quyết. Ngoài ra còn “mời ra ngoài” nhiều đối tượng lang thang, cò mồi, bán thuốc rong, nhặt rác thải y tế…  “Vấn đề nổi cộm nữa là phòng cháy chữa cháy cho bệnh viện. Bệnh nhân và người nhà rất thích đốt vía, giải đen nên bệnh viện đã nhiều phen điêu đứng vì báo cháy từ các vụ đốt vía này” – ông Hiền cho biết.

Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng đã xảy ra vụ bệnh nhân HIV cầm dao đe dọa tấn công nhân viên y tế. Bệnh nhân này nhập viện điều trị nhiễm trùng cơ hội nhưng trước đó đã dùng ma túy đá nên bị “ngáo”. Bệnh nhân dùng dao đe dọa, khóa trái cửa phòng, lột bỏ quần áo và không cho ai vào. Bệnh viện đã phải phối hợp với công án đóng giả bác sĩ thuyết phục bệnh nhân. Phía cửa khác, công an đã phá cửa ập vào, khống chế đối tượng.

img

Một vụ bệnh nhân hành hung bác sĩ tại Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng) (Ảnh cắt từ clip của bệnh viện)

Các bác sĩ bệnh viện đa khoa Tiên Lãng (Hải Phòng) đã từng chết lặng khi bệnh nhân đang nằm cấp cứu trên giường bệnh thì bị 4 đối tượng xông vào đâm chết tại chỗ….

Còn tháng 8.2011, tại Bệnh viện huyện Vũ Thư (Thái Bình), người nhà bệnh nhân đã lao vào đâm chết 1 bác sĩ và làm bị thương nặng một bác sĩ khác chỉ vì cho rằng các bác sĩ chậm chễ cấp cứu người nhà họ…

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), những vụ việc trên “không hiếm gặp” tại các cơ sở y tế. Tính từ 2010 đến nay, cả nước có không dưới 20 vụ điển hình về mất an ninh trật tự trong bệnh viện. Ngoài ra còn rất nhiều vụ trộm cắp, cò mồi, lừa đảo, vi phạm nội quy bệnh viện… thường xuyên xảy ra. “Tính riêng các vụ vũ lực thì có đến 70% đối tượng bị tấn công là bác sĩ, 15% là điều dưỡng và 60% vụ việc xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh. “Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần của các nhân viên y tế mà cũng đe dọa tính mạng của các bệnh nhân đang được cấp cứu khác” – PGS Khuê nhận định.

Theo PGS Khuê, nguyên nhân của các vụ người nhà hoặc bệnh nhân tấn công các bác sĩ thường do quá tải bệnh viện, người nhà có bệnh nhân cấp cứu thường sốt ruột, lại không rõ về quy trình cấp cứu nên thường cho rằng bác sĩ chậm chễ xử lý, dẫn đến nổi nóng, xô xát. Trong khi đó, không ít trường hợp thái độ, lời nói của nhân viên y tế cũng không đủ nhã nhặn, không có kỹ năng giải thích, làm giảm bớt sự nóng nảy của bệnh nhân và người nhà, nhất là trong các vụ tai biến y khoa.

“Cũng không ít đối tượng cũng khá côn đồ, manh động, có thể kèm theo nghiện hút, ngáo đá, tâm thần bất ổn” – PGS Khuê cho biết. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem