Ông Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Kể từ đầu năm tới nay Cục đã ghi nhận 12 trường hợp dương tính với bệnh viêm não mô cầu, trong đó dịp Tết có 3 trẻ nhỏ (ở Hà Nội và TP.HCM). Tất cả các cháu đều có các biểu hiện của bệnh như: Sốt cao, ho, chảy nước mũi, đó thì nôn, ỉa chảy… Tuy nhiên, vì bệnh không có dấu hiệu nhận biết lâm sàng đặc trưng nên chỉ có thể nhận biết khi đã có kết quả xét nghiệm máu, dịch họng hoặc dịch não tủy”.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2012/images/2012-02-01/1434682106-28_11_viem-nao-mo-cau.jpg) |
Bệnh viêm não mô cầu nguy hiểm nhưng có thể dự phòng. |
Ông Viên Quang Mai – Viện phó Viện Pasteur Nha Trang cho rằng: “Điều khó khăn nhất trong công tác phòng chống bệnh viêm não mô cầu chính là việc lấy mẫu xét nghiệm bệnh phẩm. Bệnh có triệu chứng khá giống với sốt phát ban, đậu mùa, lên sởi nên dễ nhầm lẫn. Thường thì để kết luận các bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm máu và xét nghiệm dịch não tủy nhưng xét nghiệm này mất từ 12-24 tiếng. Trong khi đó bệnh khởi phát nhanh, nguy cơ tử vong cao đặc biệt nguy hiểm với thể viêm não mô cầu gây nhiễm trùng đường huyết”.
Về điều trị, BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Trưởng khoa Điều trị tích Cực BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay: Bệnh nhân nghi mắc bệnh này cần lấy mẫu dịch để làm xét nghiệm cần thiết. Khi phát hiện bệnh, bệnh nhân cần được điều trị bằng loại kháng sinh đặc trị. Người lớn có thể dùng thuốc Ciprofloxacine 500mg uống mỗi ngày 2 viên, đối với trẻ em dùng thuốc và Azithromycine 20mg/kg, liều duy nhất trong ngày, kết hợp với các phương pháp điều trị hồi sức tích cực.
Bệnh cũng có thể dự phòng bằng việc tiêm vaccin. Tuy nhiên, ông Viên Quang Mai cảnh báo, không nên tiêm vaccin cho trẻ dưới 2 tuổi vì lúc này vaccin sẽ không phát huy hết tác dụng. Đặc biệt lưu ý, trước khi tiêm cần xác định chủng vi khuẩn gây bệnh là chủng A, chủng B, hay chủng C để chọn loại vaccin phòng bệnh phù hợp.
Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.