Loạn thu đầu năm học: Hội phụ huynh... chịu trận

Thứ bảy, ngày 18/08/2012 06:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phải đóng góp rất nhiều, nhưng phụ huynh đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, vì các khoản thu ngoài luồng vẫn được Ban đại diện hội phụ huynh đứng ra phụ trách, phụ huynh khó lòng từ chối.
Bình luận 0

Chị Quản Thùy L có con vừa vào lớp 1 Trường Tiểu học Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Ngoài hơn 1 triệu đồng tiền học thêm, sách vở, phụ huynh còn phải đóng thêm khoản tiền rất vô lý như: “Phụ huynh ủng hộ nhà trường”, “Quỹ Tấm lòng vàng”... Nói là ủng hộ, nhưng các thầy cô đã ngầm thông báo mức thấp nhất là 100.000 đồng.

Riêng những trường hợp có con học trái tuyến như chị, còn phải đóng góp cho “Quỹ Tấm lòng vàng” từ 1,5 - 2 triệu đồng. Cũng tại trường này, nhiều phụ huynh cho biết các cháu còn phải “tự nguyện” đăng ký học lớp “lap” - (lớp có máy tính để học nghe nói tiếng Anh) với mức phí 300.000 đồng/tháng.

img
Vào đầu năm học mới, phụ huynh lại nơm nớp lo các khoản đóng góp cho con em.

Nhiều phụ huynh Trường Tiểu học thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hoá, Thanh Hoá) cũng than vì các khoản đóng góp lên tới tiền triệu. Anh Nguyễn Văn Cường có con học lớp 1 tại Bút Sơn cho biết: “Vợ chồng tôi chỉ làm ruộng nên 1,4 triệu đồng đóng đầu năm cho các khoản là số tiền không hề nhỏ. Còn tiền quần áo, sách vở, bút mực nữa chứ. Tôi phải bán hơn nửa tấn thóc mới đủ tiền cho con vào lớp 1”.

Chị Đỗ Thị Th (Quang Thanh, thị xã Quảng Ninh) có con sắp vào lớp 1 cũng phải đóng hơn 3 triệu đồng tiền đầu năm, trong đó có không ít khoản phí tự nguyện, đóng góp... “Sau khi đóng hàng loạt khoản tiền nói trên tôi không hề nhận được bất kỳ hóa đơn, chứng từ hay biên lai nào ghi nhận cho việc mình đã tham gia đóng góp, bởi người đứng ra nhận tiền là… đại diện hội cha mẹ học sinh” - chị Th nói.

Đầu năm 2012 Bộ GDĐT đã ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó quy định rất cụ thể những việc mà ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép làm: Không được quyên góp của người học hoặc gia đình học sinh các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; không dùng kinh phí hoạt động để chi cho các khoản bảo vệ cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh, trông coi phương tiện, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học, sửa chữa nâng cấp, xây dựng mới các công trình của trường…

Tuy nhiên, như những gì Báo NTNN đã phản ánh, các quy định này bị nhiều trường phớt lờ. Công văn số 6890 của Bộ GDĐT quy định rõ: “Niêm yết công khai ít nhất một tuần để tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh kế hoạch công việc và dự trù kinh phí”, song hầu hết các trường đều phổ biến tức thì và thu tiền... tức khắc!

TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, việc thu - đóng phí tại các trường đang được tiến hành... ngược. Thay vì xuất phát từ cá nhân phụ huynh thì lại được “gợi ý” từ phía nhà trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem