Bí ẩn trong tượng gỗ nhiều tuổi gấp đôi Kim tự tháp

Thứ tư, ngày 01/07/2015 05:00 AM (GMT+7)
Bức tượng Shigir gần 10.000 năm tuổi ở Nga được xem là tượng gỗ cổ xưa nhất thế giới, gấp đôi tuổi của kim tự tháp Ai Cập, và chứa nhiều bí ẩn chưa được giải mã.
Bình luận 0

Theo Ancient Origins, tượng gỗ Shigir đặt trong một bảo tàng ở Nga, có niên tại gần 10.000 năm tuổi, là bức tượng gỗ lâu đời nhất trên thế giới. Nó lâu đời hơn từ 4.000 đến 5.000 năm so với bãi đá cổ Stonehenge ở Anh và gấp đôi tuổi kim tự tháp Ai Cập. Một số nhà nghiên cứu tin rằng, những ký hiệu hình học và dấu hiệu lạ khắc trên bức tượng chứa thông tin mã hóa về thế giới Thời kỳ đồ đá giữa.

img

Bức tượng gỗ lâu đời nhất thế giới gần 10.000 năm tuổi. Ảnh: Ancient Origins

Bức tượng Shigir được phát hiện vào tháng 1/1890, trong khu vực Sverdlovsk, rìa phía tây Siberia, Nga. Nó bao gồm nhiều mảnh vỡ nằm trong một vỏ bọc dài 4 mét, bên dưới lớp than bùn đầm lầy ở mỏ vàng. Chính nhờ bãi than bùn này mà bức tượng gỗ tránh khỏi tác động của vi khuẩn, không bị mục nát và còn tương đối nguyên vẹn sau nhiều thiên niên kỷ.

Giáo sư người Nga Dmitry Lobanov chắp ghép mảnh vỡ ra được bức tượng cao 2,8 mét. Năm 1914, Vladimir Tolmachev, nhà khảo cổ người Siberi, ghi chép cẩn thận tất cả các mảnh vỡ bức tượng thông qua bản phác thảo và tính toán chiều cao nguyên gốc của nó là 5,3m. Một đoạn tượng dài khoảng 2m đã bị đánh cắp sau khi trải qua những biến động chính trị ở Nga vào thế kỷ 20.

Bức tượng gỗ Shigir được chạm khắc bằng những công cụ đá thô sơ trên gỗ thông rụng lá. Phần thân cây gỗ thông có hình chữ nhật, phẳng, chứa nhiều đường kẻ ngang ở phần giữa, đại diện cho xương sườn. Theo các nhà nghiên cứu, có bảy gương mặt đại diện trong bức tượng này. Trên bề mặt gỗ có các biểu tượng hình học như chữ V, xương cá, đường thẳng, đường nguệch ngoạc, và nhiều biểu tượng trừu tượng khác.

img

Các ký hiệu trên bức tượng gỗ Shigir. Ảnh: Ancient Origins

Một số người cho biết, khuôn mặt của bức tượng mang thông tin mã hóa của con người thuộc thời đại đồ đá giữa. Đây cũng là cách để người xưa truyền lại nhận thức sơ khai về nguồn gốc con người và thế giới cho thế hệ sau. Số khác lại tin rằng bức tượng là một bản đồ thời cổ đại. Những đường thẳng, đường lượn sóng, và mũi tên chỉ ra cách để đến một địa điểm và số lượng ngày của cuộc hành trình.

(Theo VnExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem