Bị "chê", Bộ Công Thương dừng dự thảo nghị định mới về phân phối

Phi Long Thứ năm, ngày 28/06/2018 09:47 AM (GMT+7)
Trước những phản ứng của các chuyên gia, người tiêu dùng và báo chí, Bộ Công Thương đã chính thức có quyết định dừng xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối.
Bình luận 0

img

Bộ Công Thương quyết định dừng Dự thảo phát triển và quản lý ngành phân phối (Ảnh: IT)

Văn phòng Bộ Công Thương đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Căn cứ sự cần thiết và thực tiễn quản lý hiện nay, đề nghị Vụ Thị trường trong nước, phối hợp với Vụ Pháp chế dừng xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối.

Trước đó, đề nghị xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối do Bộ Công Thương “chắp bút” vừa được đưa ra đã vấp phải phản ứng của dư luận. Nhiều người lo ngại, một số quy định không rõ trong dự thảo Nghị định có nguy cơ biến tướng thành giấy phép con.

Cụ thể, Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối do Bộ Công Thương soạn thảo có mục tiêu bao trùm toàn bộ các vấn đề về “phát triển và quản lý ngành phân phối”, như: Khắc phục bất cập của các văn bản quy định về phát triển và quản lý chợ (Nghị định 02/2003/NĐ-CP, Nghị định 114/2009/NĐ-CP); tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng và trung tâm đấu giá hàng hóa cũng như các hoạt động kinh doanh bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập có liên quan.

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định có quy định, siêu thị tiêu chuẩn phải có diện tích kinh doanh từ 250m2 đến dưới 10.000m2; phải phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Siêu thị phải có các dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua internet, qua bưu điện, điện thoại...

Quy định tiêu chuẩn siêu thị có diện tích kinh doanh từ 250m2 đến dưới 10.000m2 làm giới hạn quy mô hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ.

Cùng với đó, Dự thảo cũng quy định, yêu cầu siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10h sáng đến 22h tối. Mỗi năm, các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền, mỗi đợt giảm giá phải diễn ra trong tối thiểu 30 ngày…

Góp ý về Dự thảo này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  (VCCI) cho rằng, nội dung của giải pháp này có nhiều bất cập đáng kể. Cụ thể, nội dung của giải pháp có tính chất như một dạng điều kiện kinh doanh, trong khi hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại không được xem là một dạng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2014.

Hơn nữa, việc đặt ra nhiều yêu cầu đối với hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại trong khi chưa đánh giá một cách cụ thể tác động của các quy định này đối với hoạt động kinh doanh này có thể khiến chính sách chưa phù hợp, cản trở đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

img

Trước những ý kiến có thể biến thành "giấy phép con", Bộ Công Thương đã lắng nghe và quyết định dừng xây dựng Dự thảo nghị định (Ảnh: IT)

Nghiêm trọng hơn, VCCI lo ngại, Bộ Công Thương đang can thiệp quá sâu vào vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Chưa kể một số quy định có bóng dáng của việc “cài” các giấy phép con.

Cụ thể, trong công văn phản hồi Bộ Công Thương, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng Ban Pháp chế VCCI khẳng định, theo tinh thần chỉ đạo được trích dẫn trong Tờ trình Chính phủ, mục tiêu và phạm vi xây dựng Nghị định này chỉ giới hạn ở việc điều chỉnh hai Nghị định 02, Nghị định 114, tức là “phát triển và quản lý chợ”.

Tuy nhiên, việc Dự thảo mở rộng phạm vi ra cả ngành phân phối (trong đó bao gồm các cửa hàng, trung tâm đấu giá hàng hóa, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng…). Quy định này đã vượt quá tinh thần chỉ đạo tại Công văn số 12070 của Văn phòng Chính phủ. Bên cạnh đó, một số quy định dự kiến tại Nghị định lại được thiết kế theo hướng thêm nhiều ràng buộc một số hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Cùng với VCCI, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cũng có ý kiến về Dự thảo này. Đối với quy định tiêu chuẩn siêu thị có diện tích kinh doanh từ 250m2 đến dưới 10.000m2, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, đây là quy định cứng nhắc làm giới hạn quy mô hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, bà Đinh Thị Mỹ Loan nhận xét, không nên quy định diện tích “trần” cho siêu thị, vì với những siêu thị có diện tích lớn hơn quy định chuẩn sẽ rất khó phân loại. Tương tự, việc bắt buộc siêu thị phải có các dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua internet, qua bưu điện, điện thoại là không thực tế và không nhất thiết.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cũng lo ngại, nếu nghị định này được ban hành, chắc chắn nó sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam. Tình trạng này không khác gì những quy định về kinh doanh gas, xuất khẩu gạo… trước đây. Nó sẽ tạo ra thế độc quyền cho các ông lớn. Mà khi các doanh nghiệp nhỏ bán lẻ teo tóp thì ngoài việc các ông lớn độc quyền, các siêu thị Thái Lan, Hàn Quốc càng dễ thâu tóm và chi phối thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem