Bị hoại tử môi vì tiêm chất làm đầy khi làm đẹp

Thứ năm, ngày 07/07/2016 10:46 AM (GMT+7)
Với mục đích tiêm chất làm đầy cho môi đẹp, bệnh nhân N.T.H (23 tuổi, Quảng Ninh hiện đang sống tại Hà Nội) đã tiêm chất làm đầy Filler tại một spa. Sau 1 tháng có bờ môi mọng, vùng tiêm Filler của bệnh nhân có biểu hiện sưng tấy, mưng mủ, chảy dịch.
Bình luận 0

Trước đó, hôm 28/4, H được tiêm chất làm đầy Filler vào môi dưới tại cơ sở Spa số 2B, ngõ Vạn Kiếp, phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Thời gian đầu Hà khá ưng ý vì được tạo hình môi đẹp nhưng sau gần 1 tháng bắt đầu xuất hiện các triệu chứng trên và đã đến Bệnh viện Việt Nam- Cu Ba (Hà Nội) để khám.

img

Giấy cam kết chịu trách nhiệm của Spa. Ảnh: Facebook nhân vật.

Khi đến viện khám, bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau nhiều ở môi dưới do chất làm đầy gây hoại tử, vùng môi sưng mủ, chảy dịch. Các bác sĩ đã phải chích, rạch phần áp xe ở môi để xử lý dịch mủ và dùng kháng sinh. Tuy nhiên bệnh nhân này lại dị ứng với thuốc kháng sinh dòng bê- ta- lắc- tam (beta lactam) và phải thay thế bằng nhóm kháng sinh khác, vì thế việc điều trị tiến triển chậm. Các bác sĩ cho biết, nếu tình trạng bội nhiễm, hoại tử không được khống chế tốt, khả năng bệnh nhân phải cắt bỏ toàn bộ môi dưới là chưa thể loại trừ.

img

Môi của nạn nhân sau khi được điều trị tại bệnh viện (Ảnh: Nguoilaodong)

Trước đó trên mạng xã hội nhiều người cũng phản ánh hậu quả của việc tiêm chất làm đầy môi, cằm để làm đẹp. Nhiều người để lại hậu quả là môi sưng phồng, cằm lệch, mũi xuất hiện các cục vón.

Một bác sĩ thẩm mỹ cho biết, filler là một chất làm đầy có hoạt chất sinh học được phép sử dụng, đưa vào cơ thể bằng đường tiêm dưới da. Khi tiêm vào, chất làm đầy này sẽ thẩm thấu hút nước phồng lên tăng thể tích, từ đó làm căng bề mặt da, cho làn da bóng, đẹp. Khi bơm vào môi làm môi căng mọng nước. Vì thế, trong thẩm mỹ, filler được sử dụng hợp pháp để làm đẹp như nâng mũi, căng ra mặt, bơm môi...

Việc sử dụng filler phải đảm bảo hàng có nguồn gốc rõ ràng, được công bố chất lượng, được cấp phép lưu hành. Tuy nhiên trên thị trường có rất nhiều sản phẩm trôi nỗi không rõ nguồn gốc. Vì thế, điều lo ngại nhất là người dùng có thể bị tiêm phải sản phẩm chất làm đầy trôi nổi không rõ chất lượng, thậm chí từ loại collagen kém chất lượng, collagen làm từ da trâu (còn gọi là keo da trâu) khi dùng có thể gây những hậu họa cả về sức khỏe và thẩm mỹ.

Theo giải thích của chuyên gia này, ngay cả chất làm đầy tốt cũng có thể gây phản ứng dị ứng. Nhưng với hàng trôi nổi, keo da trâu khi đưa vào cơ thể, ngay dưới da, chúng có thể nhanh chóng đông cứng và vón cục, gây tình trạng xuất hiện những cục cứng lạ dưới da sau tiêm chất làm đầy. Hay như silicon lỏng cũng được cảnh báo là vô cùng nguy hại vì khi vào cơ thể sẽ đóng cục tại chỗ, chúng cũng lan đến nhiều nơi trên cơ thể gây nên những chất u xơ do bị phản ứng cơ thể bao lại. Chất này rất khó lấy hết và dễ gây viêm nhiễm.

Bên cạnh việc lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, khi tiêm Filler cũng cần đảm bảo kỹ thuật, tiêm đúngliều lượng, độ nông - sâu dưới da tùy vùng da và đồng đều để đảm bảo an toàn và thẩm mỹ, đạt được độ căng, phẳng về mặt da, tránh bị nổi sần...

Chiều 6/7, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Phòng Y tế quận Hoàn Kiếm phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở Spa số 2B, ngõ Vạn Kiếp, phố Trần Hưng Đạo. Thời điểm đến kiểm tra Spa này đã khóa cửa. Còn theo đại diện phòng Quản lý hành nghề y tư nhân (Sở Y tế Hà Nội), nếu có việc tiêm chất làm đầy Filler thì cơ sở này đã thực hiện không phép vì tại Spa chỉ được thực hiện các dịch vụ chăm sóc da thông thường. Chỉ các phòng khám được cấp phép, người thực hiện kỹ thuật này phải có chứng chỉ hành nghề đúng chuyên môn mới được tiêm chất làm đầy. Chất Filler khi sử dụng cho khách hàng phải là sản phẩm được cấp phép lưu hành của Bộ Y tế và phải có nguồn gốc nhập khẩu rõ ràng. Nếu tiêm chất Filrler không đúng chuyên môn sẽ dễ gây tai biến tắc mạch, hoại tử do tiêm không đúng vị trí.

Được biết, sau khi sự việc xảy ra, chủ cơ sở Spa vừa nêu đã viết giấy cam kết với gia đình nạn nhân, đảm bảo sẽ lo toàn bộ chi phí điều trị trong khoảng thời gian từ 1 đến 6 tháng nếu môi bệnh nhân có vấn đề xấu.

Hồng Hải (Dân trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem