Cuối năm 2018 vừa qua Công ty VinEco đã công bố danh sách 11 hộ dân sản xuất ưu tú được khen thưởng, trong đó đã có 4 cơ sở, cá nhân sản xuất tại Lâm Đồng. Những hộ được khen thưởng được biết đều là những người đã đi cùng VinEco từ khi mới thành lập, thực hiện đúng quy trình chăm sóc cũng như kiểm định chất lượng của VinEco.
Clip: Bí kíp trồng su su "đẻ" ngọn tươi non, to mập của nông dân ưu tú.
Theo tìm hiểu của PV Báo Dân Việt thì các hộ dân này đều sản xuất các loại rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của VinEco, chủ yếu là su su lấy ngọn. PV đã tìm đến hộ gia đình ông Mào Văn Quân (54 tuổi, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) để tìm hiểu quy trình sản xuất rau sạch.
Có mặt tại Đức Trọng vào buổi sáng, cũng là lúc hai vợ chồng ông Quân đang tất bật cắt ngọn su su để kịp 12 giờ trưa giao hàng cho chủ Cơ sở rau an toàn Nguyễn Văn Thanh, sau đó được chuyển đến công ty và đưa ra thị trường.
Ông Quân đang cắt những bó ngọn su su xanh mướt để giao cho cơ sở đóng gói. Ông Quân cho biết, gia đình ông liên kết với Công ty VinEco sản xuất rau VietGAP từ năm 2016 thông qua cơ sở rau an toàn Nguyễn Văn Thanh. Sau khi tham gia liên kết ông thấy rằng giá cả rất ổn định, đặc biệt là sản xuất được rau sạch cho chính gia đình và người dân cả nước sử dụng.
Để được cung cấp rau cho VinEco, những hộ dân liên kết phải thực hiện đầy đủ và đúng quy trình mà công ty đưa ra. Chị Lại Thị Hạnh (chủ cơ sở rau an toàn Nguyễn Văn Thanh) cho biết, để đáp ứng được những yêu cầu của công ty, cơ sở đã thuê một kỹ sư nông nghiệp để hướng dẫn bà con quy trình gieo trồng, bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả nhất. Theo đó, để có những luống su su đẹp, đạt chuẩn thì người trồng cần làm đất cho vườn của mình bằng cách dùng máy xới tung đất sau đó tung phân lân, vi sinh và vôi lên để khử đất. Cuối cùng là lên luống rộng 80cm rồi xuống giống.
Những bó rau mỡ màng được các hộ liên kết thu hoạch rồi đưa đến công ty trước 12h. Nước tưới cho su su là nước giếng khoan và chỉ dùng các loại thuốc sinh học để phun cho cây. Sau thời gian phun thuốc phải cách ly từ 7 ngày trở lên để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm. Đặc biệt, khi liên kết thì cứ 15 ngày thì sẽ có nhân viên của công ty đến kiểm tra vườn, sổ nhật kí…Chính vì vậy, quy trình đối tác đưa ra thế nào, người dân phải thực hiện nghiêm túc.
Ông Mào Văn Quân chuẩn bị chở những sọt rau của mình đến Cơ sở rau an toàn Nguyễn Văn Thanh. Ông Quân cho biết, hàng ngày, ông sẽ tưới hai lần vào mỗi sáng và chiều tối khoảng 2 tiếng. Bên cạnh đó, bón phân bón tổng hợp NPK giúp bổ sung dưỡng chất cho cây phát triển, ra ngọn nhiều. Hiện nay, với 8.000m2 của mình, ông Quân thu trên 2 tấn rau mỗi tháng với giá trung bình 15.000 đồng/kg. Ngoài ra, nếu công ty thu mua không hết, ông vẫn có thể bán rau ra chợ để tăng thu nhập cho ra đình.
Trước khi đưa đến công ty để tiêu thụ, công nhân ở các cơ sở sản xuất phải cắt ngắn ngọn đúng tiêu chuẩn, độ dài từ 30 - 35cm, vặt bớt lá vàng, lá xoăn và bó thành những bó nhỏ, đóng gói vào bịch nilon. Su su là loại cây ưa nắng, thích hợp trồng ngoài trời vì vậy người dân sẽ tiết kiệm được chi phí khi đầu tư sản xuất.
Ông Quân cho biết, với 1.000m2, người trồng chỉ mất khoảng 3 triệu đồng tiền giống với khoảng 8.000 gốc và đầu tư thêm 4 triệu đồng/1.000m2 tiền lắp đặt hệ thống ống tưới tự động là đã có thể trồng su su lấy ngọn quanh năm.
Được biết, ngoài ông Mào Văn Quân thì còn có các cá nhân, cơ sở khác tại Lâm Đồng được VinEco khen thưởng hộ sản xuất ưu tú như Cơ sở rau sạch Phạm Ngọc Bảo Trâm (xã Hiệp An, Đức Trọng), Cơ sở rau an toàn Nguyễn Văn Thanh (xã Liên Hiệp, Đức Trọng), Công ty VN Farm Food (xã Lạc Lâm, Đơn Dương) và ông Mào Văn Cương (xã Liên Hiệp, Đức Trọng).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.