Đến Trang trại Đà Lạt Bunny Hill của chị Hằng vào những ngày cuối năm, PV Dân Việt thấy được sự hối hả, nhộn nhịp khi các công nhân đang tập trung đưa những gốc atiso đủ yêu cầu vào chậu để kịp đưa đi các chợ hoa xuân khắp các miền.
Chị Hằng, chủ của trang trại này cho biết, xuất phát từ sở thích và đam mê cây atiso nên chị đã nảy ra ý tưởng đưa loại cây này vào chậu cảnh để phục vụ người dân chưng Tết.
Cùng Ngon Sạch Lạ chiêm ngưỡng và xem cách người Đà Lạt đưa những gốc atiso vào chậu như thế nào:
"Xuất phát từ sở thích với atiso, đặc biệt đây còn là loại cây thực phẩm, dược liệu rất tốt cho sức khỏe, người dùng có thể tận dụng tất cả bộ phận trên cây như rễ, lá, thân, hoa nên tôi nghĩ khi đưa loại cây này ra thị trường sẽ được đón nhận từ khách hàng bởi tính độc đáo, lạ mắt...", chị Hằng vui vẻ cho biết. Trong ảnh, chị Thu Hằng đang tỉa những lá cây atiso bị dập trong quá trình di chuyển. Ảnh: Văn Long.
Những người công nhân trong trang trại của chị Hằng đang khoét đất xung quanh gốc để đưa cây vào chậu. Bước đầu tiên này rất quan trọng, bởi nếu bị vỡ bầu đất, rễ của cây sẽ bị đứt, ảnh hưởng đến sinh trưởng khi đưa cây vào chậu. Ảnh: Văn Long.
Atiso được đưa vào chậu hoàn chỉnh, bước tiếp theo sẽ được đưa lên sân vào quấn dây, thắt nơ trang trí...Ảnh: Văn Long.
Sau đó đến công đoạn trang trí - làm đẹp cho một cây atiso mới được đưa từ vườn lên. Tùy thuộc vào độ lớn của gốc cây và năm tuổi mà chủ nhân sẽ định giá từng gốc bonsai atiso này từ 2 - 5 triệu đồng. Chị Hằng cho rằng, đây là mức giá phù hợp với nhiều khách hàng, sau khi chưng Tết khách hàng vẫn có thể chăm sóc tiếp hoặc tận dụng để làm thực phẩm...Ảnh: Văn Long.
Giá của gốc bonsai atiso còn tùy thuộc vào số lượng, độ lớn của bông hoa. Thông thường, trên một cây bonsai atiso sẽ có từ 1 - 2 bông hoa. Ảnh: Văn Long.
Chính vì quá yêu thích loại cây này mà chị Hằng đã đặt cho chúng một cái tên rất đẹp. Một bông hoa bung nở, chị đặt tên cho hoa atiso là "hoa sen núi". Chị Hằng cho rằng, rất ít người có thể nhìn thấy một bông hoa atiso nở bung như thế này. Bởi hầu như người dân sẽ cắt hoa để bán khi còn nhỏ, hàm lượng dinh dưỡng cao và hoa đủ non, mềm...Ảnh: Văn Long.
Anh Công, nhân viên kĩ thuật chuyên chăm sóc atiso cho biết: Đây là loại cây rất khỏe, có sức sống dẻo dai, vì vậy chăm sóc chúng cũng khá đơn giản. Vào mùa mưa thì chỉ cần bón phân, nếu trời nắng thì 3 ngày tưới một lần. Đặc biệt, giai đoạn cây bắt đầu có bông là lúc cây cần dinh dưỡng nhất, vì vậy cần bổ sung thêm phân hữu cơ nhiều hơn để cung cấp đủ dưỡng chất cho cây phát triển. Ảnh: Văn Long.
Khi đưa cây lên xe để chuyển đến các chợ hoa xuân, những cây atiso sẽ được đóng gói cẩn thận, kín đáo, tránh những tác động bên ngoài, ảnh hưởng đến vẻ đẹp của cây khi đến tay khách hàng. Ảnh: Văn Long.
Chị Hằng chia sẻ, đây là năm đầu tiên chị thực hiện ý tưởng này, vì vậy chị chủ yếu đưa sản phẩm xuống thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây. Bên cạnh đó, trên mạng xã hội, chị cũng nhận đơn đặt hàng của khách hàng trên cả nước. Hiện tại trang trại của chị đang trồng 3.000m2 atiso để thực hiện ý tưởng của mình, sau khi trồng ít nhất 1 năm cây sẽ được lựa chọn để đưa vào chậu. Ảnh: Văn Long.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.