Phác họa hình ảnh nhà sáng chế thiên tài Thomas Edison.
Theo Atlas Obscura, vài năm trước khi qua đời, nhà sáng chế thiên tài Thomas Edison đã đã tập hợp nhóm các nhà khoa học đến phòng thí nghiệm mật để ghi lại giọng nói và sự hiện diện của người đã khuất.
Theo tạp chí Modern Mechanix, ấn bản tháng 10.1933, Edison dùng “loa, máy phát điện và các thiết bị khác” để làm thí nghiệm.
Chiếc máy của Edison cấu tạo gồm "một tia sáng nhỏ như cây bút chì, phát ra từ bóng đèn công suất lớn, xuyên qua bóng tối và rọi thẳng vào bề mặt". Edison tin rằng cấu tạo này có thể giúp phát hiện ra được những phân tử nhỏ nhất trong không khí.
Những phân tử này có thể là bằng chứng về sự tồn tại của sự sống sau cái chết, “là những vật chất thuộc về con người vẫn còn tồn tại trong không khí”. Đáng tiếc rằng sau nhiều giờ thí nghiệm, Edison không ghi nhận được bất kỳ tượng gì xảy ra.
Đó cũng là lý do ít người biết đến thí nghiệm kỳ lạ này trong quá khứ và cả ngày nay. Nhưng không rõ liệu thí nghiệm có phải là bằng chứng cho thấy nhà sáng chế thiên tài Edison quan tâm đến việc nói chuyện với người chết bằng công nghệ hay không.
Edison trong bức ảnh chụp năm 1904.
Năm 1920, Edison đã khiến công chúng bị sốc khi trả lời trên tạp chí American Magazine: "Tôi đã nghiên cứu một thời gian và đang xây dựng một cỗ máy để xem liệu con người khi chết đi có để lại bất kỳ dạng vật chất nào để giao tiếp với chúng ta hay không”.
Thiên tài Edison vốn được biết đến với hàng nghìn bằng sáng chế, điển hình là bóng đèn điện. Ông khẳng định cỗ máy “nói chuyện với người chết” không hoạt động bằng “yếu tố huyền bí, bí ẩn, siêu nhiên hay kì quặc nào” mà chỉ thông qua phương pháp khoa học.
Ý tưởng của Edison được biết đến như một chiếc “điện thoại gọi hồn” và đã gây ra một cơn bão trên các phương tiện truyền thông. Nhiều nhà sử học tin rằng phát minh này chỉ là một trò đùa hoặc trò lừa bịp, không có bản thiết kế hoặc nguyên mẫu của một chiếc “điện thoại gọi linh hồn” nào được tìm thấy.
Có thể Edison không thực sự liên lạc được với người chết, nhưng có những bằng chứng khẳng định ông đã thử nghiệm ý tưởng này. Năm 2015, nhà báo người Pháp Philippe Baudouin tìm thấy cuốn nhật ký hiếm hoi của Edison trong một cửa hàng bán đồ cũ tại Pháp.
Cuốn nhật ký này bao gồm một chương không xuất hiện trong phiên bản tiếng Anh xuất bản năm 1948 mang tên Diary and Sundry Observations of Thomas Alva Edison (Nhật ký và những điều lặt vặt về Thomas Alva Edison).
Bức ảnh Thomas Edison trên tạp chí Scientific American năm 1920.
Phần bị thiếu này bao gồm toàn bộ nội dung Edison nhắc đến các giả thuyết về thế giới tâm linh và cách thức để có thể liên hệ được với thế giới này.
Ở thời điểm cách đây gần một thế kỷ, thế giới có lẽ khó chấp nhận việc nhà phát minh vĩ đại lại nghiên cứu sáng chế một chiếc “điện thoại gọi hồn”. Theo bài viết đăng tải trên American Medicine, “truyền thông đã thất bại trong việc xử lý vấn đề liên quan đến phẩm giá và sự tôn trọng thông báo từ người đàn ông vĩ đại đã sáng chế ra nhiều phép màu hiện đại”.
Năm 1877, công chúng đã từng kinh ngạc trước chiếc máy quay đĩa của Edison. Phát minh khiến nhiều người nghĩ rằng “có thể biến giấc mơ được bất tử xa xưa thành sự thật, trong nỗ lực đánh lừa thần chết”, Baudouin ghi lại trong cuốn Thomas Edison & the Realms Beyond.
Trong suốt cuộc đời của Edison, khoa học và công nghệ đã tiến bộ một cách nhanh chóng, đem lại cho con người thời đó những chiếc xe chạy bằng khí đốt và cả thuyết tương đối. Những tiến bộ bất ngờ này dường như là vô tận và những hy vọng về sự tồn tại của các linh hồn có lẽ cũng chính đáng.
Trò chuyện với những người thân yêu ở thế giới bên kia có thể là điều hấp dẫn với công chúng, nhưng đối với Edison thì đây hoàn toàn là khoa học. Edison tin rằng sự sống không thể bị phá hủy và “số lượng không tăng lên hay giảm đi”.
Ông đặt ra giả thuyết rằng, cũng như cơ thể của chúng ta, tính cách và nhân cách con người cũng tồn tại dưới dạng vật lý, được hình thành từ các “thực thể” tí hon, như quan điểm hiện đại về nguyên tử.
Edison nghĩ rằng những “thực thể” này có thể vẫn tồn tại sau khi con người qua đời, một phần tính cách vẫn còn tồn tại dựa vào những suy nghĩ và ký ức rời rạc của người đó khi còn sống. Edison lý luận nếu các hạt phân tử này tồn tại, chúng có thể tự tập hợp với nhau và được khuếch đại, ghi lại bởi máy quay đĩa.
Edison và phát minh bí mật đăng tải trên tạp chí Modern Mechanix.
Theo nhà báo Baudouin, Thomas Edison đã lên các kế hoạch và các giả thuyết cho các thiết bị này, mặc dù chỉ có một thí nghiệm duy nhất được ghi nhận. Nghiên cứu của ông đến mức độ nào thì đến nay vẫn là điều bí ẩn. Ông chưa từng đặt tên cho chiếc máy này mà chỉ gọi nó là “van”, vốn nhạy cảm với các rung động.
Trả lời phỏng vấn trên tờ American Magazine, Edison chỉ trích các yếu tố phi khoa học liên quan đến linh hồn mà ông gọi là thô thiển và nhố nhăng. “Một vài người tự cho phép họ, theo một mặt nào đó, tự thôi miên bản thân và cho rằng những suy nghĩ ảo tưởng của họ là thực tế”.
Kể từ sau cái chết của Edison năm 1931, những nhà ngoại cảm hy vọng sẽ tìm được bản thiết kế để dựng lại và thử nghiệm điện thoại gọi hồn hoặc ít nhất là gần giống như vậy.
Ngày nay, nhiều người đã cố gắng chế tạo chiếc “điện thoại gọi hồn” dựa trên cảm hứng của Edison, nhưng đều không thu lại được bất cứ âm thanh nào từ người đã khuất.
Mặc dù chiếc “điện thoại gọi hồn” hoàn chỉnh chưa từng xuất hiện nhưng Edison được cho là đã đạt được một nửa thành công. Theo như ông viết trong nhật ký là “cung cấp cho các nhà khoa học một hướng đi giống như la bàn để tiếp tục khám phá dựa trên cơ sở khoa học”.
Trong khi nhân loại ngày nay không biết rõ liệu giả thuyết của Edison có đúng hay không hoặc nhà sáng chế thiên tài có thực sự nghe được hồn ma hay không thì ít nhất, ý tưởng sử dụng công nghệ để trò chuyện với người đã khuất sẽ vẫn trường tồn với thời gian.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.