Các hoàng đế Trung Quốc hiếm có người ngồi ăn cùng, họ thưởng thức mâm cơm một mình. Chúng đều được chuẩn bị theo chế độ nghiêm ngặt, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.
Nhiều người cho rằng cuộc sống trong cung điện của các vị vua tại Trung Quốc thường đi kèm những bữa ăn linh đình, thịnh soạn. Tuy nhiên, thực tế ghi chép từ lịch sử nước này, không phải lúc nào các vị vua chúa cũng ăn uống xa hoa, đề huề.
Chế độ ăn uống của các vua chúa Trung Quốc thường tuân thủ theo nguyên tắc cân bằng dinh dưỡng, đơn giản hóa nếu không có sự kiện quan trọng. Đặc biệt, vua nhà Minh, Thanh đều ăn theo nguyên tắc kiêng khem để tăng cường sức khỏe.
Chế độ ăn uống cân bằng
Tư tưởng triết học và kiến thức Á Đông thể hiện đậm nét trong chế độ ăn uống của các vua chúa nhà Thanh. Theo ghi chép cổ của Trung Quốc, các món ăn không nên chỉ có một thành phần hoặc quá đơn điệu. Mỗi món ăn cần phải đa dạng, là kết hợp của nhiều thành phần, thực phẩm hợp lý, tạo nên sự hài hòa trong dinh dưỡng và hương vị.
Hài hòa trong quan niệm của Trung Quốc có nghĩa là thực phẩm nên bao gồm 5 loại ngũ cốc và 5 hương vị. Người dân nước này quan niệm chỉ khi ăn ngũ cốc kèm theo thực phẩm có đủ 5 vị ngọt, đắng, chua, mặn, cay, cơ thể mới thu nạp đầy đủ dưỡng chất, kích thích sự thèm ăn và duy trì sức khỏe dẻo dai.
Chế độ ăn kiêng của hoàng gia gồm nhiều chất dinh dưỡng, hương vị và số lượng món. Một bữa ăn bao gồm các món nóng, nguội, thịt, rau, bánh ngọt - mặn, súp lỏng - đặc, sữa, dưa chua, cơm, thực phẩm từ lúa mì, tráng miệng và trái cây.
Nhà bếp có trách nhiệm điều chỉnh chế độ ăn của vua chúa theo mùa. Các món ăn nhẹ, thanh mát phục vụ vào mùa hè. Thực phẩm bổ dưỡng dành riêng cho mùa đông. Họ quan niệm thức ăn nhẹ, dễ tiêu làm tăng chất lỏng trong cơ thể. Ngược lại, bữa ăn bổ dưỡng tạo ra nhiều năng lượng chống chọi cái lạnh giá của mùa đông.
Các hoàng đế thường xuyên sống trong cảm giác sợ hãi bị ám sát. Chính vì thế, họ không tin tưởng bất kỳ ai, ngay cả những cận vệ thân thiết nhất. Các quan, thái giám phụ trách bữa ăn cũng rất dễ bị mua chuộc.
Chính vì thế, khi mâm cơm được bày lên bàn, hoàng đế sẽ dùng chiếc dĩa bạc nhỏ, cắm nhiều lần vào từng món. Họ tin rằng nếu chiếc dĩa bạc đổi màu, chứng tỏ món ăn đó có độc.
Sau khi kiểm tra bằng bạc, thái giám tiếp tục nếm trước các món ăn. Cuối cùng, không có vấn đề gì xảy ra, các vị vua mới bắt đầu dùng bữa.
Thực phẩm là liều thuốc
Các hoàng đế triều Thanh ăn nhiều thực phẩm chứa dược tính, có tác dụng chữa bệnh. Nhiều ghi chép cho thấy họ sử dụng rượu, nước trái cây, chiết xuất hoa quả, đường như một liều thuốc từ tự nhiên. Điển hình là rượu Songling Taiping giúp bổ thận tráng dương, rượu trường thọ, rượu thuốc cho người già, rượu Zhuangyuan để tăng cường sức khỏe cho lá lách và thận...
Những thực phẩm này được sử dụng để kích thích dạ dày, thận và tăng cảm giác thèm ăn; giảm nóng trong, đờm, bồi bổ cơ thể và kéo dài tuổi thọ.
Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe cho vua Quang Tự (trị vì từ năm 1875 đến năm 1908), quy chế triều Thanh yêu cầu bệnh xá gồm 13 ngự y, 26 quan, 20 phụ tá và 30 bác sĩ.
Khi thầy thuốc chữa bệnh cho hoàng đế, trước tiên ông ta phải chẩn đoán rồi viết đơn thuốc và niêm phong, bên ngoài có chữ ký của người khám. Sau đó, thầy thuốc viết mô tả các đặc tính của đơn, dược liệu gồm có những gì kèm theo cách điều trị. Thái giám sẽ lưu trữ lại ngày tháng kê đơn, chữ ký của thầy thuốc.
Sau đó, đơn thuốc được trình lên hoàng đế phê duyệt và lưu hồ sơ. Vua phê chuẩn, đơn thuốc được gửi đến phòng dược liệu để chuẩn bị và sắc. Thuốc sắc xong đổ vào hai bát. Một bát do thầy thuốc, người đứng đầu bệnh xá, thái giám nếm. Nếu không có vấn đề gì, bát còn lại sẽ được trình lên hoàng đế. Nếu thuốc có mùi khó chịu hoặc thành phần sai khác với đơn thuốc, bệnh xá sẽ bị phạt nặng.
Ăn cơm một mình
Các hoàng đế nhà Thanh thường dùng bữa một mình trừ những buổi lễ đặc biệt, thậm chí không có niềm vui của bữa ăn gia đình. Theo SCMP, ngay cả khi vua Càn Long mời các mỹ nữ, cung tần hoặc quan khách đến dùng bữa cùng, nghi thức hoàng gia quy định trừ thái hậu, toàn bộ người có mặt phải đứng khi hoàng đế ăn. Hoàng hậu và các phi tần không ăn chung với vua mà ngồi tại cung điện riêng của họ.
Thực đơn các món ăn của hoàng đế Trung Quốc chủ yếu gồm thịt lợn, cừu, thú rừng, gà và rau. Thực đơn được đề xuất trước cho mỗi bữa ăn và trình lên quan chức đứng đầu nhà bếp để phê duyệt. Mỗi thực đơn đều phải được lưu trữ lại. Toàn bộ món ăn được đặt trong bát có nắp đậy. Chỉ khi vua ngồi vào bàn, các nắp này mới được mở lên và bỏ ra.
Khâu chuẩn bị khắt khe, cầu kỳ
Quy mô nhà bếp cung đình khá lớn. Mỗi nhà bếp gồm 3 gian: bếp chính, bếp trà và bếp bánh. Mỗi gian sẽ có một đầu bếp chính, 5 người phụ, một vị giám sát và người còn lại là kế toán, thu mua, theo dõi nguồn ra, vào thực phẩm.
Thực đơn luôn đi kèm với tên người nấu để dễ dàng sắp xếp các món ăn theo thứ tự hoặc xác định thủ phạm nếu có điều gì bất trắc xảy ra. Công thức nấu ăn của cung đình về cơ bản là những món ăn truyền thống của thường dân nhưng ở phiên bản tinh tế hơn.
Tất cả bộ bàn ăn gồm bát, đĩa, thìa đều được làm bằng vàng hoặc sứ hướng dương ngọc lam, trắng. Khăn ăn thêu chỉ vàng, bạc.
Các món chính bao gồm súp yến, vịt, gà, đuôi hươu, thịt lợn, bánh ngọt, dưa chua. Tại cung điện, thịt bò bị cấm vì nó được xem là tội lỗi khi tiêu thụ động vật phục vụ nông nghiệp. Các hoàng đế nhà Thanh có hai bữa ăn chính một ngày.
Toàn bộ đồ dùng phục vụ cho bữa ăn đều được sản xuất bằng sứ hoặc vàng tại thủ đô gốm sứ Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây. Các vua nhà Thanh không có địa điểm và thời gian ăn uống cố định. Khi đói, vua sẽ thông báo cho cận vệ và nhân sự phụ trách sẽ dọn mâm cơm ra. Vua có thể ngồi xuống ăn ở bất kỳ nơi nào ông có mặt khi đó.
Các quan sẽ ra lệnh cho hoạn quan dọn bàn ăn ở nơi gần với hoàng đế nhất khi được thông báo về giờ vua muốn dùng bữa. Nhà bếp của hoàng gia Trung Quốc có tổng cộng hơn 200 quan chức, đầu bếp, thái giám. Bữa ăn của hoàng đế được chuẩn bị riêng, không chung với người khác. Quan chức phụ trách nấu cơm chia thành hai, một người nấu tháng chẵn, vị còn lại phụ trách tháng lẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.