Hiện, trại lợn của ông Độ vẫn an toàn giữa "bão" dịch tả lợn châu Phi.
Chia sẻ bí quyết chăn nuôi đặc biệt của mình, ông Độ cho hay: So về cơ sở hạ tầng chăn nuôi thì trại của tôi không có gì mới mẻ, thậm chí còn thua kém các gia trại, trang trại khác ở trong và ngoài tỉnh nhưng điều khác biệt làm tăng giá trị cho đàn lợn nuôi ở trại của gia đình, chính là thức ăn cho heo được làm theo công nghệ của Nhật Bản - cám vi sinh tự sản xuất mang tên Fukoku.
Cụ thể, gia đình ông Độ bắt đầu áp dụng mô hình chăn nuôi sinh học từ năm 2017 để chăn sóc 200 lợn thịt. Theo đó, trang trại đã sử dụng chế phẩm vi sinh probioitc, có tên thương mại là “Fodder Yeast” do Cty SPG Fukoku, Nhật Bản sản xuất, có thành phần chính là nấm men hoạt tính Saccharomyces Cerevisiae ≥ 1 x 107 CFU/g. Liều dùng chỉ 2 kg/tấn thức ăn.
Các thành viên trong gia đình ông Độ nhập nguyên liệu về để phối trộn và dùng chế phẩm sinh học để ủ thức ăn phục vụ đàn lợn. Ảnh: T.Q
“Nguyên liệu chế biến cám Fukoku từ bắp, đậu nành, bột lúa mạch, gạo tấm, cá cơm khô được xay nhỏ và ủ lâu vài chục ngày bằng men vi sinh nhập từ Nhật, hoàn toàn không có các loại kháng sinh, thuốc tăng trọng. Nhờ vậy, loại cám này có nhiều vi sinh vật giúp heo tiêu hóa tốt, mau lớn, chất lượng thịt sạch, thơm ngon”, ông Độ lý giải.
Theo ông Độ, mỗi ngày cho lợn ăn bao nhiêu phải đong đếm kỹ, ghi chép đầy đủ; thức ăn luôn được đậy kín, không cho bay hơi hoặc côn trùng xâm nhập. Ngoài ra, còn phải theo dõi từng con lợn ăn ít hay ăn nhiều để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp.
Theo ông Độ, thời gian nuôi trung bình một lứa lợn từ 30kg đến 150kg là khoảng 4,5 tháng. Tiêu tốn thức ăn đạt 2,8 - 3,0 kg, tỷ lệ móc hàm đạt 82 - 87%. Thịt lợn nuôi bằng thức ăn lên men có chất lượng tốt, mềm, ngon, ít nước (trung bình 5 - 7% nước trong thịt so với 17 - 25% khi nuôi bằng thức ăn không lên men).
Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi được ủ theo phương pháp mới ở Hưng Yên.
Ông Độ cũng thông tin thêm, hiện tại trại lợn của ông đang cung cấp sản phẩm thịt lợn sinh học cho các cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội, song số lượng cũng rất hạn chế.
"Dù giá thị trường lên có xuống thấp nhưng chúng tôi luôn bán lợn với giá 45.000 đồng/kg hơi và đều bán rất chạy hàng", ông Độ nói.
Sau khi đến khảo sát và đánh giá hiệu quả của mô hình chăn nuôi này, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng: Đến thăm mô hình này chúng ta mới thấy rằng, chăn nuôi lợn an toàn không phải cứ nhà kính hiện đại, cơ sở hạ tầng chăn nuôi cầu kỳ mới tránh được dịch bệnh mà chỉ cần có giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học như hộ của ông Độ là thành công.
Theo ông Dương, thời gian qua, kết quả thử nghiệm sử dụng các chế phẩm vi sinh sử dụng trộn trong thức ăn chăn nuôi cho thấy, đàn lợn sử dụng các chế phẩm vi sinh bổ sung trong thức ăn chăn nuôi kết hợp với biện pháp an toàn sinh học là giải pháp có thể hạn chế được bệnh DTLCP đối với các cơ sở chăn nuôi hiện nay.
Cụ thể, một số mô hình chăn nuôi lợn bằng thức ăn lên men sinh học tại Hưng Yên cho thấy, mặc dù nằm trong vùng dịch, tuy nhiên hộ sử dụng thức ăn có bổ sung men vi sinh kết hợp chăn nuôi an toàn sinh học đến thời điểm hiện tại, trong khi nhiều hộ chăn nuôi lợn trong khu vực bị nhiễm DTLCP phải tiêu hủy, nhưng cơ sở thử nghiệm hiện vẫn an toàn.
Nguyên liệu chế biến cám Fukoku từ bắp, đậu nành, bột lúa mạch, gạo tấm, cá cơm khô được xay nhỏ và ủ lâu khoảng chục ngày bằng men vi sinh nhập từ Nhật là có thể cho lợn ăn.
"Bản chất của các chế phẩm này là các vi sinh vật có lợi (probiotic), các enzyme tiêu hóa để cải thiện sức khỏe, tăng khả năng chuyển hóa thức ăn và sinh trưởng của vật nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.Probiotic là các vi sinh vật sống, chủ yếu thuộc 3 nhóm: vi khuẩn Lactic, bào tử Bacillus và nấm men Sacharomyces, được phân lập từ môi trường hoặc từ đường ruột của người và động vật, khi bổ sung cho vật nuôi sẽ có ảnh hưởng tích cực cho vật chủ", ông Dương khẳng định.
Cũng theo ông Dương, việc sử dụng các chế phẩm vi sinh để ủ thức ăn chăn nuôi đã được áp dụng từ lâu, thời gần đây xuất hiện trên thị trường một số chế phẩm nhập khẩu có hoạt lực cao được các nông hộ và HTX chăn nuôi ứng dụng rất thành công trong sản xuất với mục đích cải thiện hiệu quả chăn nuôi và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt việc sử dụng các chế phẩm này kết hợp với các giải pháp an toàn sinh học đã giúp nhiều cơ sở chăn nuôi lợn duy trì sản xuất trong tình hình DTLCP đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Chuồng trại nuôi lợn được ông Độ lắp đặt tấm làm mát bằng nước rất hiệu quả.
Quạt thông gió cũng được ông Độ lắp đặt giúp chuồng trại luôn khô, thoáng.
Mô sinh sản xuất, phối trộn thức ăn chăn nuôi mới được Công ty CP FUKOKU Hà Long lắp đặt vận hành thử nghiệm ở Hưng Yên.
Theo ông Nguyễn Quang Hiệu - Giám đốc Công ty CP FUKOKU Hà Long, hiện đơn vị này đang vận hành dây chuyền sản xuất, phối trộn thức ăn với công suất khoảng 1,4 tấn/1 giờ. Đến thời điểm này, FUKOKU đang cung cấp nguyên liệu, chế phẩm và hướng dẫn chăn nuôi cho hàng chục hộ gia đình ở Hưng Yên và hiện các hộ này đều chăn nuôi an toàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.