"Bí quyết" giành điểm cao kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020

Hà My Thứ bảy, ngày 08/08/2020 09:54 AM (GMT+7)
Chuyên gia chia sẻ những lưu ý cần "nằm lòng" khi sĩ tử tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.
Bình luận 0

Cô giáo Trịnh Thu Tuyết - giáo viên dạy Ngữ văn tại hệ thống giáo dục HOCMAI lưu ý thí sinh cần phải đặc biệt chú ý tới phần đọc hiểu. Khi nhận đề, học sinh cần đọc kỹ để nắm bắt nội dung cơ bản của ngữ liệu đọc hiểu. Sau đó, bằng kiến thức của mình, các em phân loại câu hỏi theo mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao để tìm hình thức trả lời phù hợp nhất.

"Bí quyết" giành điểm cao kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 - Ảnh 1.

TS. Trịnh Thu Tuyết.

Đối với câu hỏi viết đoạn văn nghị luận xã hội, các em cần lưu ý nếu đề bài yêu cầu bàn luận một vấn đề với hệ thống luận điểm nhiều bình diện như: Khái niệm, biểu hiện, đánh giá ý nghĩa hay hậu quả, giải pháp, bàn luận, bài học..., thí sinh chỉ viết một đoạn văn. Các em phải ưu ý tuyệt đối không biến đoạn văn thành một bài văn thu nhỏ, chỉ được nghị luận về một bình diện, khía cạnh nhỏ của vấn đề.

Câu làm văn thứ hai là câu nghị luận văn học, thí sinh cần nắm chắc ở mỗi một tác phẩm hoặc đoạn trích những nội dung cơ bản nhất về mặt kiến thức, dựa vào đó triển khai hệ thống ý trong thân bài và khái quát lại những giá trị nghệ thuật, nội dung trong kết luận.

"Bí quyết" giành điểm cao kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Đối với môn Toán, TS. Lê Bá Trần Phương - Trưởng khoa Khoa học cơ bản Đại học Công nghiệp Hà Nội dự đoán sẽ có khoảng 80% số lượng câu hỏi dễ ở mức độ nhận biết, thông hiểu, chỉ 20% số lượng câu hỏi khó ở mức độ vận dụng, vận dụng cao (học kỳ 1 lớp 12). Các câu hỏi khó này tập trung vào phần Giải tích, gồm: Tính đơn điệu của hàm số, cực trị của hàm số, sự tương giao giữa 2 đồ thị hoặc giá trị lớn nhất nhỏ nhất của hàm số. Hình học tập trung vào các phần kiến thức như: Tính khoảng cách từ một điểm tới một mặt phẳng, tính khoảng cách giữa 2 đường chéo nhau, tính góc, thể tích khối đa diện.

"Trước ngày thi 1 ngày, các bạn hãy thả lỏng cơ thể và không nên học dồn, học khuya hay cố nhồi nhét kiến thức vào đầu, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của mỗi người, làm như vậy cũng không mang lại hiệu quả nhiều. Điều quan trọng nhất là các bạn giữ được tâm trạng tốt, vận động nhẹ và chỉ cần hệ thống lại kiến thức một cách khái quát trước khi lên giường ngủ.

Thí sinh có tâm lý đọc đề xong thường cuống vì có những bài em chưa làm bao giờ. Lúc này, các em cần giữ bình tĩnh, dừng bút, hít thở đều hoặc vận động nhẹ tại chỗ mà không gây ảnh hưởng đến quy chế thi, sau đó hãy làm bài.

Đặc biệt, khi ở trong phòng thi, giám thị cũng là con người và họ làm nhiệm vụ giữ an toàn nghiêm túc phòng thi, nên họ không làm gì khiến bạn phải sợ hãi cả. Đừng nhìn thấy giám thị là hoảng hốt", TS. Lê Bá Trần Phương chia sẻ thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem